Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Mắt cá chân thuộc đầu dưới xương chày và xương mác , tạo nên gọng mộng chầy mác. Cùng với xương sên và các dây chằng xung quanh tạo nên khớp cổ chân, có vai trò quan trọng trong vận động của chi dưới. vì vậy cần điều trị sớm để tránh các biến chứng và phục hồi chức năng cổ chân. Gãy mắt cá thường do chấn thương trực hoặc gián tiếp,
1. Gãy mắt cá chân là gì?
Gãy mắt cá chân có thể gãy 1 hoặc 2 hoặc 3 mắt cá (trong, ngoài , sau), có thể di lệch hay không di lệch. Có thể gãy xương đơn thuần hoặc kèm theo tổn thương dây chằng vùng cổ chân. Thường gãy 2 hoặc 3 mắt cá sẽ kèm theo trật khớp cổ chân. Đây là trường hợp rất nặng nếu không được điều trị tốt sẽ mất chức năng vận động cổ chân .
2. Nguyên nhân gây gãy xương mắt cá chân
- Nguyên nhân trực tiếp: Tai nạn giao thông, lao động, thể thao,..
- Nguyên nhân gián tiếp: Tai nạn sinh hoạt
3. Phân loại gãy mắt cá chân
Theo Weber và Danis, chấn thương gãy mắt cá chân được phân thành 3 loại giúp định hướng điều trị và tiên lượng như sau:
- Loại A: Gãy 2 mắt cá dưới dây chằng chày mác nhưng không tổn thương dây chằng chày mác dưới.
- Loại B: Gãy 2 mắt cá ngang với dây chằng chày mác dưới có kèm tổn thương dây chằng chày mác dưới hoặc không.
- Loại C: Gãy 2 mắt cá, trong đó mắt cá ngoài trên dây chằng chày mác dưới. Tổn thương dây chằng chày mác dưới và màng gian cốt.
Đối với loại gãy 3 mắt cá là gãy bờ sau mặt khớp chày sên đầu dưới xương chày và gãy 2 mắt cá. Ngoài ra còn có loại gãy hở mắt cá.
4. Điều trị gãy mắt cá chân như thế nào?
Điều trị gãy mắt cá chân cần tuân theo các nguyên tắc sau:
- Phục hồi cấu trúc giải phẫu mắt cá, đảm bảo độ vững chắc của gọng chày mác cổ chân
- Đảm bảo xương lành tốt không nhiễm trùng
- Phục hồi chức năng khớp cổ chân và toàn thân
Điều trị cụ thể dựa vào phân loại gãy mắt cá chân sẽ có những phương pháp điều trị cụ thể sau:
Đối với gãy hở mắt cá chân: Cắt lọc và phẫu thuật gãy xương mắt cá chân bằng phương pháp kết hợp xương
Đối với gãy kín:
- Nếu gãy mắt cá chân loại A và B: Cần nắn bột xương bàn chân, X-quang kiểm tra tốt giữ bột trong 6-8 tuần kết hợp tập vận động trong bột. Nếu sau nắn bột, chụp X-quang thấy kết quả không tốt thì cần mổ kết hợp xương.
- Nếu gãy loại C: Chỉ định mổ kết hợp xương và chú ý phục hồi dây chằng chày mác dưới.
- Nếu gãy loại 3 mắt cá: Diện tích khớp đầu dưới xương chày lớn hơn 1/3 thì chỉ định mổ kết hợp xương.
Các phương pháp mổ kết hợp xương có thể là nẹp vis, vis xốp, chỉ thép hoặc kim kirschner. Tiêu chuẩn để đánh giá X-quang không tốt sau nắn là:
- Khep khớp không đều hoặc toác rộng gọng chày mác
- Kênh mặt khớp lớn hơn 3 mm
- Chèn mảnh gãy trong khe khớp
- Chèn dây chằng, bao khớp vào ổ gãy không nắn sửa xương tốt được
Ngoài ra, tập vật lý trị liệu cũng là một phần rất quan trọng để giúp xương mắt cá chân của bệnh nhân phục hồi được chức năng như ban đầu. Các bài tập có thể sử dụng gồm:
- Tập vận động trong bột- sau 4 tuần có thể đi chống chân chịu 1 phần sức nặng trong bột
- Tiếp tục tập vận động cổ chân sau khi bó bột
- Nếu có chỉ định mổ kết hợp xương thì cần tập vận động cổ chân sớm nếu có thể.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.