Điều trị đau cho bệnh nhân ung thư

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nông Ngọc Sơn - Bác sĩ hóa trị và điều trị giảm nhẹ - Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Trong bệnh ung thư, cơn đau biểu hiện đa dạng với nhiều tính chất khác nhau. Có cơn đau chỉ kéo dài trong thời gian ngắn sau một số thủ thuật hoặc sau chuyển động cơ thể. Loại khác là cơn đau không đổi và kéo dài trong thời gian dài. Đau cũng có thể tăng một cách bất ngờ trong thời gian điều trị gọi là cơn đau đột xuất. Cơn đau đột xuất thường xảy ra ở khoảng thời gian giữa các liều thuốc giảm đau.

1. Tầm quan trọng của việc giảm đau trong điều trị ung thư

Khi có triệu chứng đau, bạn nên báo với nhân viên y tế. Một số người không muốn nói với bác sĩ về tình trạng đau vì họ sợ thuốc giảm đau sẽ hại gan hoặc sợ phải uống thuốc giảm đau thì đã đến giai đoạn cuối rồi. Những người khác lại ráng chịu đau và uống rất ít thuốc để tránh bị lờn thuốc. Thực tế thì đa số bệnh nhân vẫn có thể sống chung với bệnh ung thư mà ít bị đau đớn.

Nếu bạn không điều trị giảm đau, cơn đau sẽ càng khó trị hơn và gây ra nhiều hậu quả làm sức khỏe giảm sút nhanh hơn. Ví dụ, cơn đau có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mệt mỏi, trầm cảm, tức giận, lo lắng và căng thẳng. Một lý do khác mà bạn nên điều trị các cơn đau là giúp duy trì các hoạt động hàng ngày, ngủ ngon hơn và có nhiều thời gian bên gia đình, bạn bè hơn.


Bệnh ung thư gây ra nhiều đau đớn, biến chứng cho người bệnh
Bệnh ung thư gây ra nhiều đau đớn, biến chứng cho người bệnh

2. Nguyên nhân gây cơn đau ung thư

Nguyên nhân gây đau ung thư có thể xuất phát từ việc khối u đang phát triển hoặc phá hủy các mô lân cận. Khi khối u phát triển, nó có thể đè lên dây thần kinh, xương hoặc các cơ quan. Khối u cũng có thể tiết ra các hóa chất gây đau. Hoặc phản ứng của cơ thể bạn với các hóa chất có thể gây đau.

Điều trị có thể giúp giảm đau do những nguyên nhân này. Tuy nhiên, phương pháp điều trị ung thư, bao gồm phẫu thuật, xạ trị và hóa trị, cũng có thể gây đau.

Trắc nghiệm: Thử hiểu biết của bạn về bệnh ung thư

Ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ 2 trên thế giới. Thử sức cùng bài trắc nghiệm sau đây sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về yếu tố nguy cơ cũng như cách phòng ngừa bệnh ung thư.

Bài dịch từ: webmd.com

3. Triệu chứng đau trong bệnh ung thư

Các triệu chứng đau trong bệnh ung thư của mỗi người là khác nhau. Mức độ cơn đau phụ thuộc vào loại ung thư, giai đoạn bệnh và ngưỡng đau của người bệnh (sự nhạy đau). Đau có thể thay từ nhẹ đến đau dữ dội; đau về đêm cho đến liên tục cả ngày.


Số lượng và mức độ cơn đau do ung thư gây ra phụ thuộc vào loại ung thư
Số lượng và mức độ cơn đau do ung thư gây ra phụ thuộc vào loại ung thư

4. Các loại thuốc điều trị giảm đau ung thư

Có nhiều cách khác nhau trong điều trị ung thư. Một là loại bỏ nguồn gốc cơn đau thông qua phẫu thuật, hóa trị, xạ trị hoặc điều trị khác. Trong lúc chờ hiệu quả của điều trị ung thư, thuốc giảm đau sẽ giúp giảm đau nhanh chóng và ổn định. Những loại thuốc này bao gồm:

  • Thuốc giảm đau không kê đơn và kê đơn: Aspirin, acetaminophen (Tylenol) và ibuprofen (Advil, Motrin IB)
  • Thuốc opioid yếu: Codein
  • Các loại thuốc opioid mạnh: Morphin (viên uống, thuốc tiêm), oxycodone (viên uống), fentanyl (miếng dán da, thuốc tiêm), methadone (viên uống)

Thuốc được đưa vào cơ thể theo nhiều hình thức khác nhau qua đường uống, thuốc tiêm, miếng dán da, hoặc thuốc đặt qua hậu môn. Các loại thuốc khác được sử dụng để điều trị đau do ung thư là thuốc chống trầm cảm, thuốc chống động kinhsteroid.

Ngoài ra, có những phương pháp điều trị chuyên biệt như ngăn chặn dẫn truyền thần kinh, là thuốc gây tê cục bộ được tiêm xung quanh hoặc vào dây thần kinh. Phương pháp này giúp ngăn chặn dẫn truyền thần kinh đến não. Các phương pháp điều trị khác, như châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp, vật lý trị liệu, thư giãn, thiền và thôi miên cũng có thể giúp ích.

5. Các phương pháp điều trị giảm đau

Sau khi đánh giá kỹ lưỡng cơn đau, các nhân viên y tế sẽ xây dựng kế hoạch giảm đau. Một số bệnh viện có các chuyên gia giảm đau và chuyên gia chăm sóc giảm nhẹ tập trung vào điều trị tác dụng phụ về thể chất và tinh thần gây ra do bệnh ung thư. Các bác sĩ có thể điều trị hoặc kiểm soát cơn đau liên quan đến ung thư theo nhiều cách:

  • Điều trị nguồn gốc cơn đau: Khối u chèn ép lên dây thần kinh gây đau. Loại bỏ khối u bằng phẫu thuật hoặc thu nhỏ bằng xạ trị, hóa trị hoặc các loại thuốc khác có thể làm giảm hoặc chấm dứt cơn đau.
  • Thay đổi cảm giác đau: Một số loại thuốc thay đổi cách cơ thể bạn cảm thấy đau, làm bạn dễ chịu hơn.
  • Can thiệp vào các tín hiệu đau gửi đến não: Nếu thuốc không có tác dụng, bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến bác sĩ chuyên khoa giảm đau điều trị. Có các biện pháp can thiệp hiệu quả giúp ức chế các dây thần kinh dẫn truyền đau như: hủy dây thần kinh, hủy đám rối thần kinh, gây tê ngoài màng cứng.

6. Tác dụng phụ của điều trị giảm đau

Mỗi loại điều trị có tác dụng phụ riêng:

  • Phẫu thuật: Phẫu thuật cắt bỏ ung thư gây đau ở khu vực phẫu thuật. Phần lớn các cơn đau sau phẫu thuật có liên quan đến chấn thương thần kinh xảy ra trong quá trình phẫu thuật. Những người bị cắt bỏ chân tay hoặc vú có thể cảm thấy đau như thể chân tay hoặc vú vẫn còn (đau ảo).
  • Xạ trị: Xạ trị có thể gây đỏ và cảm giác nóng rát tại da. Tùy thuộc vào bộ phận của cơ thể mà xạ trị tác động vào mà có thể gây ra tiêu chảy, lở miệng hoặc các vấn đề khác, chẳng hạn như mệt mỏi.
  • Hóa trị: Tác dụng phụ có thể bao gồm buồn nôn, mệt mỏi, nhiễm trùng, rụng tóc và đau tê bàn chân, bàn tay. Có nhiều thuốc hỗ trợ có thể giúp giảm bớt các tác dụng phụ này.
  • Thuốc giảm đau mạnh: Tác dụng phụ thường gặp nhất của opioids là táo bón. Vấn đề này có thể phòng ngừa bằng thuốc làm mềm phân hay thuốc nhuận tràng. Ngăn ngừa táo bón dễ hơn điều trị, vì vậy trước khi bạn bắt đầu dùng thuốc giảm đau như morphin hãy hỏi bác sĩ về thuốc ngừa táo bón. Các tác dụng phụ khác của thuốc giảm đau mạnh bao gồm buồn nôn, nôn và buồn ngủ. Những triệu chứng này thường xảy ra sau một vài liều đầu tiên và tự hết sau vài ngày dùng thuốc.
  • Thuốc giảm đau hỗ trợ: Thuốc giảm đau không kê đơn có khả năng gây hại thận, loét dạ dày hoặc tăng huyết áp. Aspirin có thể gây chảy máu đường ruột và paracetamol có thể gây hại gan nếu bạn uống quá liều hoặc uống rượu trong khi dùng thuốc.

7. Nguyên nhân điều trị giảm đau chưa hiệu quả

Một số nguyên nhân của việc không hợp tác điều trị của bệnh nhân ung thư bao gồm:

  • Bác sĩ ít hỏi về đau hoặc không chuyên về giảm đau: Bác sĩ nên hỏi về cơn đau của bệnh nhân vào mỗi lần thăm khám. Nếu bác sĩ không chuyên về điều trị giảm đau thì cần phối hợp với bác sĩ chuyên khoa giảm đau hoặc chăm sóc giảm nhẹ.
  • Bác sĩ lo ngại về lạm dụng opioid: Các bác sĩ có thể kê loại thuốc opioid trong trường hợp cần thiết. Điều quan trọng là bạn phải nói chi tiết các triệu chứng đau.
  • Bệnh nhân dấu đi cơn đau: Một số người không muốn "làm phiền" bác sĩ, hoặc sợ cơn đau là dấu hiệu của ung thư đang xấu đi. Số khác lo lắng bác sĩ nghĩ về họ như những người phàn nàn hoặc không đủ tiền mua thuốc giảm đau.
  • Bệnh nhân sợ nghiện: Nhưng nguy cơ gây nghiện cho những người bệnh ung thư dùng thuốc giảm đau theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ là rất thấp. Trong số 1000 người bệnh ung thư dùng morphin để giảm đau, có khoảng 998 người sẽ không bị nghiện thuốc.
  • Bị lờn thuốc giảm đau: Điều này có nghĩa là bác sĩ cần tăng liều thuốc để kiểm soát được cơn đau. Điều này xảy ra sau 1,2 tháng dùng thuốc khi các bộ phận thần kinh bắt đầu quen dần với thuốc giảm đau. Tăng liều không phải là nghiện. Nếu thuốc của bạn không hoạt động tốt như trước đây, hãy nói chuyện với bác sĩ về liều cao hơn hoặc một đổi sang loại thuốc khác. Đừng tự ý tăng liều.
  • Sợ tác dụng phụ: Người bệnh ngại dùng thuốc giảm đau do tác dụng phụ của thuốc như buồn ngủ, nóng người, hại gan, hại thận. Tuy nhiên, những triệu chứng này giảm đi khi bác sĩ kê đơn thuốc giảm đau phù hợp với mức độ đau của bạn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com, mayoclinic.org, cancer.net

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe