Nếu bạn được chẩn đoán mắc chứng cholesterol cao, vậy việc điều trị cholesterol cao có phải bắt đầu bằng việc dùng satin hay thuốc khác không? Thật ra, không phải lúc nào cũng vậy. Bác sĩ sẽ đánh giá nguy cơ tim của bạn dựa trên kết quả khám, bệnh sử và xét nghiệm. Từ đó, bác sĩ quyết định cách điều trị chỉ bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và tập thể dục, thay đổi lối sống hay dùng thuốc. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn tìm hiểu các loại cholesterol cao và cách điều trị của từng loại.
1. Thông tin cơ bản về cholesterol
Cholesterol là một loại lipid, chất béo, chất sáp trong máu. Lượng cholesterol cao có thể tích tụ bên trong động mạch, điều này làm tắc nghẽn và thu hẹp các động mạch khiến máu lưu thông khó khăn hơn. Từ đó, hình thành nên các cục máu đông, chúng có thể vỡ ra và gây đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim.
Có hai loại cholesterol chính:
- Lipoprotein tỉ trọng thấp (LDL) hoặc “cholesterol xấu”. Nếu mức LDL quá cao, nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn. LDL là cholesterol tích tụ và làm tắc nghẽn động mạch.
- Lipoprotein tỉ trọng cao (HDL) hay “cholesterol tốt”. Nhiều cholesterol này có thể loại bỏ cholesterol LDL, làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và bảo vệ trái tim.
Triglyceride là một loại lipid máu khác. Chúng dự trữ thêm calo từ thức ăn để cơ thể có thể sử dụng làm năng lượng. Giống như cholesterol cao, chất béo trung tính cao có thể làm cứng động mạch và dẫn đến đau tim hoặc đột quỵ. Vì vậy, việc điều trị Cholesterol cao là điều cần thiết.
2. Cholesterol bao nhiêu là cao?
Chỉ số cholesterol là một yếu tố quan trọng để đánh giá sức khỏe tim mạch. Dưới đây là các mức chỉ số cholesterol toàn phần, HDL, và LDL, cùng với nguy cơ tương ứng:
2.1. Chỉ số cholesterol toàn phần:
- Dưới 200 mg/dL: Chỉ số lý tưởng, nguy cơ bệnh động mạch vành thấp.
- Từ 200 đến 239 mg/dL: Mức ranh giới, cần lưu ý điều chỉnh.
- >= 240 mg/dL: Tăng cholesterol máu, nguy cơ bệnh động mạch vành cao gấp 2 lần bình thường.
2.2. Chỉ số cholesterol HDL:
- HDL cholesterol < 40 mg/dL ở nam giới và < 50 mg/dL ở nữ giới: Mức cholesterol tốt thấp, nguy cơ bệnh lý tim mạch cao.
- HDL cholesterol > 60 mg/dL: Tín hiệu tốt, cho thấy cholesterol này đang bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ tim mạch.
2.3. Chỉ số cholesterol LDL: (người khỏe mạnh)
- < 100 mg/dL: Đánh giá rất tốt.
- Từ 100 đến 129 mg/dL: Đánh giá ở mức tốt.
- Từ 130 đến 159 mg/dL: Tăng giới hạn.
- Từ 160 đến 189 mg/dL: Thuộc đối tượng nguy cơ cao.
- >= 190 mg/dL: Nguy cơ rất cao mắc bệnh lý tim mạch và biến chứng.
Khi bạn xét nghiệm mỡ máu dùng để đo cholesterol và chất béo trung tính có trong máu nhằm điều trị Cholesterol cao thì những con số sau là tín hiệu tốt:
- Tổng lượng cholesterol: dưới 200 miligam mỗi deciliter (mg/dL)
- Cholesterol LDL: dưới 100 mg/dL hoặc dưới 70 mg/dL nếu bạn mắc bệnh tim, tiểu đường, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ
- Cholesterol HDL: trên 60 mg/dL
- Triglyceride: dưới 150 mg/dL
3. Các loại cholesterol cao và cách điều trị cholesterol cao
3.1. Cholesterol cao nguyên phát và cách điều trị
Cholesterol cao nguyên phát hay còn gọi là bệnh tăng cholesterol máu có tính gia đình (FH): Đây là tình trạng di truyền khiến mức cholesterol LDL rất cao, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch ngay cả khi bệnh nhân còn rất trẻ. Cách điều trị:
- Xây dựng chế độ ăn ít chất béo.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh.
- Những người có cholesterol cao do di truyền cũng có thể cần điều trị bằng thuốc, thường là statin. Các loại thuốc khác có thể bao gồm axit nicotinic (niacin) để giảm LDL và tăng HDL, thuốc liên kết với axit mật, fibrate hoặc ezetimibe (Zetia) hoặc inclisiran (Leqvio) kết hợp với statin.
- Nếu những phương pháp điều trị này không làm giảm LDL thì thuốc ức chế PCSK9 (Praluent, Repatha) là một lựa chọn điều trị mới hơn cho FH. Chúng ngăn chặn một loại protein giúp giảm LDL trong máu.
3.2. Cholesterol cao thứ phát và cách điều trị cholesterol cao
Cholesterol cao thứ phát hình thành do các tình trạng sức khỏe như: tiểu đường, uống rượu nhiều, bệnh thận mãn tính, suy giáp, chế độ ăn nhiều chất béo hoặc thiếu vận động. Một số loại thuốc điều trị các tình trạng bệnh lý khác, như steroid, cũng có thể gây ra cholesterol cao. Cách điều trị cholesterol cao do LDL:
- Áp dụng chế độ ăn tốt cho tim
- Tập thể dục nhiều hơn
- Bỏ hút thuốc
- Giảm cân nếu bạn thừa cân.
- Nếu những bước đó không hiệu quả, bệnh nhân có thể cần dùng thuốc: Bắt đầu với statin và nếu điều đó không giúp bệnh nhân đạt được mục tiêu LDL, cần thêm các loại thuốc khác như ezetimibe, thuốc ức chế PCSK9, niacin, fibrate và chất bổ sung axit béo omega-3.
3.3. Triglyceride cao và cách điều trị
Mặc dù không phải là cholesterol, nhưng triglyceride cao cũng tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Triglyceride cao có thể do chế độ ăn uống không lành mạnh, béo phì, tiểu đường, uống nhiều rượu, bệnh thận hoặc suy giáp. Đối với một số người, chất béo trung tính cao có thể là do di truyền. Cách điều trị:
- Chế độ ăn tốt cho tim, cắt giảm chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa.
- Tập thể dục.
- Hạn chế uống rượu
- Giảm cân nếu thừa cân.
- Nếu những thay đổi lối sống này không làm giảm đủ lượng triglyceride, bác sĩ có thể kê đơn bổ sung axit nicotinic, fibrate hoặc axit béo omega-3. Statin sẽ được dùng trong trường hợp bệnh nhân có cholesterol LDL cao, bệnh tim mạch khác hoặc tiểu đường.
3.4. Cholesterol HDL thấp và cách điều trị
Có thể do hút thuốc, nhiễm HIV, tiểu đường không kiểm soát được hoặc một số vấn đề về thận. Một số loại thuốc có thể làm giảm cholesterol HDL do tác dụng phụ như thuốc chẹn beta và steroid. Cách điều trị cholesterol cao để tăng mức cholesterol HDL
- Sử dụng chế độ ăn tốt cho tim, ít chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa .
- Tập thể dục nhiều
- Tránh hút thuốc
- Hạn chế uống rượu
- Nếu điều đó không hiệu quả, bác sĩ có thể kê đơn thuốc giúp giảm LDL như niacin, fibrate hoặc statin như rosuvastatin hoặc simvastatin.
Như vậy, quản lý cholesterol không chỉ là việc phân biệt giữa các loại mà còn là áp dụng các phương pháp điều trị Cholesterol cao phù hợp. Sự kết hợp giữa chế độ ăn uống cân đối, việc tập thể dục đều đặn và việc sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ chính là chìa khóa để duy trì sức khỏe tim mạch và ngăn ngừa các rủi ro liên quan đến bệnh tim mạch. Việc thực hiện các kiểm tra sức khỏe định kỳ và trao đổi với bác sĩ về lựa chọn phương pháp điều trị là bước quan trọng, giúp chúng ta chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe của bản thân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.