Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú Hồ Thị Hồng Tho - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Bệnh phổi mạn tính ở trẻ sơ sinh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như tăng áp lực động mạch phổi, xơ phổi, xẹp phổi, diễn biến nặng dẫn tới nhiễm trùng (viêm phổi trẻ sơ sinh) và có nguy cơ tử vong cao.
1. Tổng quan về bệnh phổi mạn tính ở trẻ sơ sinh
Bệnh phổi mạn tính ở trẻ sơ sinh còn được gọi là loạn sản phế quản phổi. Đây là hậu qủa của việc thông khí áp lực cao cho trẻ trong khi cấu trúc và chức năng phổi của trẻ chưa trưởng thành và bị ngộ độc Oxy. Bệnh phổi mạn tính làm tăng nhu cầu Oxy của trẻ và tăng thời gian thở máy, tăng áp lực động mạch phổi. Bệnh có thể dẫn tới nhiều biến chứng khó lường như xơ phổi, xẹp phổi, hạn chế chức năng phổi, khi diễn biến nặng có thể bị nhiễm trùng (viêm phổi mãn tính) và tỷ lệ tử vong cao.
Bệnh phổi mạn tính hay gặp ở trẻ sinh non dưới 32 tuần tuổi thai, đặc biệt là những trẻ nhẹ cân. Những yếu tố làm tăng nguy cơ trẻ sơ sinh mắc bệnh viêm phổi mạn tính là: Giai đoạn chu sinh (tuổi thai dưới 30 tuần, cân nặng dưới 1.500g, niệu nang tĩnh mạch rốn, trẻ nam, mẹ bị viêm màng ối, gia đình có tiền sử hen) và giai đoạn sau sinh (hồi sức tích cực sau sinh gây tổn thương cấu trúc phổi, thông khí liên tục qua ống nội khí quản trong thời gian dài, Oxy độc tính, bệnh màng trong không tiến triển tốt sau 3 - 4 ngày điều trị, trẻ còn ống động mạch,...).
Trẻ sơ sinh mắc bệnh viêm phổi mạn tính có đặc điểm: Phụ thuộc Oxy, suy hô hấp (nhịp thở trên 60 lần/phút hoặc dưới 30 lần/phút, phập phồng cánh mũi, thở gắng sức, co rút ngực, có cơn ngừng thở trên 20 giây hoặc dưới 20 giây kèm tần số tim dưới 100 lần/phút, chỉ số SpO2 tim trung ương dưới 85%). Có thể chẩn đoán bệnh phổi mạn tính thông qua các xét nghiệm như khí máu, chụp X-quang (hình ảnh viêm phổi ở trẻ nhỏ), siêu âm tim loại trừ các tổn thương tim hay tình trạng còn ống động mạch.
2. Điều trị bệnh phổi mạn tính ở trẻ sơ sinh
2.1. Tiếp tục liệu pháp Oxy hay thở máy
- Hỗ trợ Oxy, NCPAP, thở máy;
- Theo dõi khí máu, đảm bảo độ pH trong giới hạn 7.35 - 7.45, chỉ số PaCO2 có thể chấp nhận ở mức 55 - 70 mmHg;
- Đảm bảo chỉ số SpO2 đạt 90 - 95%.
2.2. Dinh dưỡng
- Đảm bảo cung cấp chất dinh dưỡng phù hợp với sự phát triển của trẻ sơ sinh;
- Tổng nhu cầu năng lượng của trẻ có thể lên tới 150 Kcal/kg/ngày và lượng acid amin đạt 3.5 - 4g/kg/ngày nên cần cung cấp đủ chất dinh dưỡng đảm bảo nhu cầu của bé;
- Hạn chế dịch, tổng dịch đưa vào cơ thể không vượt quá 150 ml/kg/ngày.
2.3. Sử dụng thuốc
- Thuốc lợi tiểu: Thiazide, Spironolactone, Furosemide,... với liều lượng theo đúng chỉ định của bác sĩ;
- Thuốc giãn phế quản: có thể sử dụng beta-agonists, methylxanthines hay ipratropium bromide theo chỉ định;
- Corticosteroid: Sử dụng hydrocortisone hay dexamethasone với liều lượng theo đúng chỉ định của bác sĩ.
2.4. Phương pháp khác
- Tăng cường khả năng miễn dịch cho trẻ sơ sinh;
- Phòng ngừa nhiễm trùng cho trẻ bằng cách sử dụng loại kháng sinh phù hợp;
- Phụ huynh cần tham vấn ý kiến của bác sĩ để biết cách chăm sóc trẻ tốt nhất.
3. Biện pháp phòng ngừa bệnh phổi mạn tính ở trẻ sơ sinh
- Điều trị dự phòng corticosteroid khi dự đoán có khả năng sinh non. Corticosteroid có thể giảm tỷ lệ mắc bệnh và mức độ nghiêm trọng của bệnh màng trong, nhờ vậy giảm sự cần thiết phải thở máy và giảm nguy cơ mắc bệnh viêm phổi mạn tính ở trẻ sinh non;
- Điều trị surfactant (chất hoạt động bề mặt) sớm, tránh phụ thuộc vào máy thở. Khuyến khích thoát máy thở sớm và thở CPAP sau khi bơm surfactant cho trẻ. Đặc biệt với những trẻ sơ sinh ra đời trước 28 tuần tuổi nên sử dụng surfactant ngay tại phòng sinh;
- Hạn chế sử dụng quá nhiều Oxy liều cao và thở máy;
- Hạn chế truyền dịch đối với những trẻ sinh quá non, nguy cơ còn ống động mạch vào ngày 1 và ngày 2 sau khi ra đời;
- Sử dụng FiO2 tối ưu hóa trên máy thở nhằm đảm bảo PaO2 đạt đích.
Bệnh viêm phổi mạn tính ở trẻ sơ sinh rất nguy hiểm nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời. Vì vậy, nếu có nguy cơ sinh non, cha mẹ nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh hữu hiệu. Và trong trường hợp trẻ mắc bệnh phổi mạn tính, phụ huynh cần phối hợp với bác sĩ điều trị để đảm bảo chữa trị đúng theo phác đồ, ngăn chặn những biến chứng không mong muốn.
XEM THÊM