Các vấn đề về phổi ở trẻ sinh non

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Cao Thị Thanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Trẻ sinh thiếu tháng nhìn chung phải đối mặt với rất nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau, phần lớn phụ thuộc vào mức độ thiếu tháng khi sinh. Phổi và các vấn đề hô hấp luôn là mối quan tâm hàng đầu đối với những trẻ sinh thiếu tháng.

1. Tình trạng phổi của trẻ sinh thiếu tháng

Trẻ sinh thiếu tháng được xác định khi trẻ được sinh ra trước mốc thời gian 37 tuần tuổi thai. Trẻ sinh thiếu tháng phải đối mặt với khả năng cao hơn xuất hiện một hoặc nhiều biến chứng sau sinh.

Một trong những vấn đề quan tâm chính ở trẻ sinh thiếu tháng chính là phổi. Phổi của bào thai hoàn thiện và trưởng thành ở thời điểm 36 tuần, tuy nhiên tốc độ phát triển của mỗi bào thai là riêng biệt, không có bào thai nào phát triển giống bào thai nào, nên thời điểm 36 tuần cũng chỉ mang tính tương đối. Nhìn chung, nếu nguy cơ sinh thiếu tháng đã được dự báo trước và trong trường hợp có chỉ định thì thai phụ sẽ được tiêm steroid trước khi sinh nhằm tăng tốc độ trưởng thành phổi.

Trắc nghiệm: Thế nào là trẻ sơ sinh non tháng?

Trẻ sơ sinh non tháng rất cần được chăm và điều trị thật tốt để giúp giảm nguy cơ gặp phải các di chứng về tinh thần, vận động và sự phát triển sau này. Cùng theo dõi bài trắc nghiệm dưới đây để có thể nhận biết trẻ sơ sinh non tháng và có thêm kiến thức chăm sóc, nuôi dưỡng tốt nhất cho trẻ.

Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Ma Văn Thấm , chuyên khoa Nhi , Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Dương Đông(Phú Quốc)

Ma Văn Thấm
Ma Văn Thấm
Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa,
Nhi
Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Dương Đông(Phú Quốc)

2. Hội chứng suy hô hấp (respiratory distress syndrome - RDS)

Một trong những vấn đề tại phổi gặp phổ biến nhất ở trẻ sinh thiếu tháng đó là hội chứng suy hô hấp. Hội chứng suy hô hấp trước đây có tên là bệnh màng trong (hyaline membrane disease - HMD).

Trẻ sơ sinh xuất hiện hội chứng suy hô hấp khi phổi của trẻ không sản xuất đủ số lượng surfactant cần thiết. Surfactant là chất giúp làm giảm sức căng bề mặt và giữ tính ổn định của phế nang, ngăn ngừa xẹp phế nang. Thiếu surfactant ở trẻ sinh thiếu tháng dẫn tới hậu quả về hô hấp là điều tất yếu. Phim chụp Xquang lồng ngực của trẻ mắc hội chứng suy hô hấp cho thấy phổi của trẻ mờ lan tỏa.

Hội chứng suy hô hấp rất thường gặp ở trẻ sinh thiếu tháng, bởi phổi của thai nhi thường không bắt đầu sản xuất surfactant trước tuần thứ 30 của thai kỳ. Các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ tiến triển hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh bao gồm:


Hội chứng suy hô hấp (respiratory distress syndrome - RDS)
Hội chứng suy hô hấp (respiratory distress syndrome - RDS)

Hội chứng suy hô hấp có xu hướng ít nghiêm trọng hơn ở những trẻ sơ sinh có mẹ đã được chỉ định tiêm steroid trước khi sinh nở.

Hiện nay surfactant đã được sản xuất nhân tạo, chính vì thế những trường hợp trẻ sơ sinh thiếu surfactant sẽ được chỉ định sử dụng. Những đứa trẻ này có thể vẫn cần thêm hỗ trợ oxy hoặc can thiệp thở máy.

3. Viêm phổi

Viêm phổi là một loại nhiễm trùng xuất hiện ở phổi, bắt nguồn từ nguyên nhân vi khuẩn hoặc virus. Một số trẻ sơ sinh bị viêm phổi ngay từ khi vẫn còn là thai nhi trong tử cung, và cần được can thiệp điều trị ngay lập tức khi sinh ra.

Trẻ sơ sinh cũng có thể tiến triển viêm phổi sau khi được sinh ra vài tuần, và những trường hợp này thường là biến chứng của can thiệp thở máy (trẻ được chỉ định thở máy nhằm giải quyết các tình trạng về hô hấp như hội chứng suy hô hấp hoặc loạn sản phế quản phổi).

Phương pháp điều trị cơ bản đối với viêm phổi ở trẻ sinh thiếu tháng là sử dụng kháng sinh, cân nhắc kết hợp thêm hỗ trợ oxy, hoặc thậm chí cần phải thở máy.


Trẻ sinh non dễ mắc một số bệnh lý về phổi
Trẻ sinh non dễ mắc một số bệnh lý về phổi

4. Cơn ngừng thở ở trẻ sinh thiếu tháng

Một vấn đề hô hấp thường gặp khác ở trẻ sinh thiếu tháng là cơn ngừng thở. Cơn ngừng thở sẽ khiến cho nhịp tim và nồng độ oxy trong máu của trẻ tụt xuống.

Cơn ngừng thở hầu như xảy ra ở tất cả các trẻ được sinh trước thời điểm 28 tuần của thai kỳ. Những trẻ sinh thiếu tháng nhưng sau thời điểm trên có tỉ lệ xảy ra cơn ngừng thở thấp hơn, đặc biệt là những trẻ sinh từ tuần thứ 34 của thai kỳ trở đi.

Cơn ngừng thở ở trẻ sinh thiếu tháng thường không xảy ra ngay lập tức sau khi trẻ được sinh ra, mà hay xảy ra sau khi trẻ đã được từ 1 tới 2 ngày tuổi, đối với những trẻ được can thiệp thở máy thì đôi khi cơn ngừng thở không xuất hiện rõ ràng cho tới khi trẻ được cai máy thở.

Cơn ngừng thở ở trẻ sinh thiếu tháng xuất hiện bởi 2 lý do chính:

  • Trẻ “quên” thở, đơn giản bởi hệ thần kinh trung ương của trẻ chưa hoàn thiện, và đây được gọi là cơn ngừng thở trung ương.
  • Trẻ vẫn cố thở bình thường, nhưng đường khí đạo bị cản trở khiến việc thông khí không thể diễn ra, và đây được gọi là cơn ngừng thở do cản trở cơ học.

Cơn ngừng thở ở trẻ sinh thiếu tháng thường là kết hợp của cả hai nguyên nhân trên.


Trẻ sinh non cần được hỗ trợ thở máy
Trẻ sinh non cần được hỗ trợ thở máy

Trẻ có nguy cơ xuất hiện cơn ngừng thở sẽ được mắc máy theo dõi tần số tim, tần số thở, và nồng độ oxy trong máu. Nếu có một trong các chỉ số theo dõi trở nên bất thường, máy sẽ phát ra báo động để nhân viên y tế can thiệp trong trường hợp trẻ xuất hiện cơn ngừng thở, nhằm làm cho trẻ thở trở lại. Các biện pháp can thiệp có thể rất đơn giản như nhẹ nhàng kích thích, xoa ngực hoặc lưng trẻ, với các trường hợp nặng hơn có thể cần sử dụng đến hỗ trợ oxy.

Cơn ngừng thở ở trẻ sinh thiếu tháng có thể điều trị được. Đối với cơn ngừng thở trung ương có thể sử dụng aminophylline hoặc caffeine, cả hai loại thuốc này đều có tác dụng kích thích hệ hô hấp chưa trưởng thành của trẻ và làm giảm số cơn ngừng thở. Nếu thuốc không có tác dụng, hoặc nếu tình trạng cơn ngừng thở quá nghiêm trọng, trẻ sẽ cần được can thiệp thở máy cho tới khi hệ thần kinh của trẻ hoàn thiện. Đối với cơn ngừng thở do cản trở cơ học đơn thuần, trẻ thường được đặt nội khí quản và thở máy để giải quyết vấn đề.

Cơn ngừng thở ở trẻ sinh thiếu tháng thường biến mất khi trẻ đạt số tuổi tương đương với tuổi thai 40 tới 44 tuần (cách tính là lấy số tuần tuổi thai khi trẻ được sinh ra cộng với số tuần tuổi của trẻ tính từ khi trẻ sinh ra). Đôi khi cơn ngừng thở biến mất sớm hơn, ở giai đoạn trẻ tương đương 34 tới 35 tuần tuổi thai. Trẻ sẽ không được xuất viện cho đến khi toàn trạng của trẻ ổn định, trong một số trường hợp cơn ngừng thở của trẻ không biến mất hoàn toàn mà kéo dài thì trẻ sẽ chỉ được xuất viện khi số cơn ngừng thở xuất hiện trong ngày còn rất ít, và cha mẹ trẻ sẽ được hướng dẫn về các thao tác cấp cứu ngừng tuần hoàn cũng như được hướng dẫn cách theo dõi, sử dụng thuốc cho trẻ.

5. Loạn sản phế quản phổi

Loạn sản phế quản phổi là một bệnh phổi mạn tính, đa số gặp ở những trường hợp trẻ sinh thiếu tháng cần được sử dụng máy thở và oxy liệu pháp để can thiệp những rối loạn hô hấp cấp, nhưng cũng có thể xảy ra trên những trẻ sơ sinh mắc những vấn đề hô hấp ít nghiêm trọng hơn.

Những trẻ sinh thiếu tháng, đặc biệt là những trẻ sinh trước 28 tuần tuổi thai có rất ít phế nang trong phổi tại thời điểm được sinh ra, và ngay cả những phế nang đã được hình thành cũng không hoàn chỉnh, không hoạt động chức năng được như bình thường. Vì lý do đó, những đứa trẻ này cần được hỗ trợ hô hấp bằng thở oxy hoặc bằng phương pháp thở máy. Mặc dù các can thiệp y khoa có thể giúp cho trẻ sống sót, nhưng cũng chính những can thiệp này lại có thể gây ra những tổn thương tại phổi, khiến loạn sản phế quản phổi xuất hiện.

Vì số lượng phế nang hoạt động ở trẻ mắc bệnh rất thấp, nên những trẻ này buộc phải thở nhanh và mạnh hơn nhiều so với những trẻ bình thường khỏe mạnh. Đa số năng lượng trẻ sử dụng vào việc thở, cơ thể còn rất ít năng lượng để sinh trưởng và phát triển, dẫn tới trẻ chậm phát triển, không thể phát triển, kéo theo hàng loạt vấn đề ở các cơ quan khác của cơ thể.

Hiện không có điều trị đặc hiệu cho loạn sản phế quản phổi, nhưng với những phương pháp điều trị hiện có có thể giúp phòng tránh, trì hoãn hoặc giảm nhẹ các triệu chứng. Các thuốc thường được sử dụng bao gồm thuốc lợi tiểu, thuốc giãn phế quản, các corticosteroid và một số thuốc khác, đồng thời những trường hợp loạn sản phế quản phổi nặng sẽ cần thêm hỗ trợ oxy hoặc can thiệp thở máy.


Trẻ sinh non cần được chăm sóc đặc biệt
Trẻ sinh non cần được chăm sóc đặc biệt

Đa số trường hợp mắc loạn sản phế quản phổi sẽ dần trở nên tốt hơn, dù sẽ cần thời gian, và ở mỗi trẻ khoảng thời gian này sẽ khác nhau. Nhìn chung kể cả khi đã lớn nhưng trẻ vẫn bị những ảnh hưởng lâu dài do loạn sản phế quản phổi gây ra, khiến trẻ dễ phải nhập viện hơn những trẻ khác.

Loạn sản phế quản phổi là những tổn thương phổi khó tránh khỏi ở trẻ sinh non nếu phải cần đến hô hấp hỗ trợ. Tuy vậy, nhờ vào những thành tựu y học, đặc biệt là kỹ thuật ghép tế bào gốc, căn bệnh này không còn là nỗi ám ảnh lâu dài. Hệ thống Y khoa Vinmec đã từng bước ứng dụng và thành công trong không chỉ nuôi dưỡng trẻ sinh non và còn bảo tồn được chức năng hô hấp cho trẻ.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc thăm khám và điều trị các bệnh lý ở trẻ, hiện nay khoa Nhi tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã trở thành một trong các trung tâm chăm sóc sức khỏe lớn, có khả năng thăm khám, sàng lọc và điều trị nhiều bệnh lý chuyên sâu ở trẻ. Do đó, nếu trẻ có dấu hiệu kém hấp thu chất dinh dưỡng, chậm tăng cân, chậm phát triển,... cha mẹ có thể đưa trẻ đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để thăm khám và nhận được sự hỗ trợ, tư vấn từ những bác sĩ có chuyên môn.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị loạn sản phế quản phối

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe