Điều gì xảy ra nếu bạn tăng cân quá nhiều khi mang thai?

Nếu bạn đang nghĩ mình đang phải ăn cho 2 người để tiêu thụ những món ăn mà bạn ưa thích thì cần phải suy nghĩ lại. Các nghiên cứu đã cho thấy, gần một nửa số phụ nữ tăng cân quá nhiều khi mang thai và điều này có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe cho cả mẹ và bé.

1. Sự thật về việc tăng cân trong thai kỳ

Khi một người phụ nữ tăng cân quá nhiều trong thai kỳ, nó sẽ làm tăng nguy cơ đứa trẻ sinh ra quá lớn và có thể góp phần gây béo phì sau này ở trẻ cũng như các biến chứng khi sinh như rách âm đạo, chảy máu quá nhiều. Ngoài ra, mẹ có thể khó giảm cân thừa đã tăng trong thời kỳ mang thai, điều này có thể khiến mẹ có nguy cơ béo phì cao hơn.

Các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh đã phân tích dữ liệu đại diện của tất cả những phụ nữ sinh con đủ tháng vào năm 2010 hoặc 2011 ở 28 tiểu bang. Họ phát hiện ra rằng, có tới 47% phụ nữ tăng cân khi mang thai ở mức quá nhiều.

Ngoài ra, những phụ nữ thừa cân béo phì trước khi thụ thai có nguy cơ tăng cân nhiều hơn gần 3 lần so với khuyến nghị so với những phụ nữ bắt đầu mang thai với cân nặng bình thường.

Theo Viện Y học, phụ nữ có BMI dưới 18,5 nên tăng 28 đến 40 pound trong thời kỳ mang thai. Những người bắt đầu ở mức cân nặng bình thường, tức là mức BMI từ 18,5-24,9 nên tăng 25 đến 35 pound. Những người thừa cân (BMI 25-29,9) nên tăng từ 15 đến 25 pound. Những người béo phì (BMI 30 trở lên) nên tăng 11 đến 20 pound. Cao hơn ngưỡng khuyến nghị vài pound thì có thể được coi là ổn, nhưng tăng quá nhiều cân thì có thể gây ra những hậu quả tiêu cực.

Mang thai không đồng nghĩa với việc bạn phải ăn cho 2 người. Trên thực tế, nhu cầu calo bổ sung là tương đối nhỏ. Nói chung, một người phụ nữ không cần bổ sung thêm bất kỳ calo nào trong tam cá nguyệt đầu tiên. Trong tam cá nguyệt thứ 2, thì chỉ cần thêm 340 calo và chỉ cần thêm 450 calo trong tam cá nguyệt thứ ba. Thêm 350 calo gần bằng với việc thêm một bữa ăn nhẹ bao gồm một quả táo cỡ vừa, một cốc sữa chua Hy Lạp không béo và một ít hạnh nhân.

Một yếu tố khác dẫn đến thừa cân khi mang thai đó là rất nhiều phụ nữ mang thai không tập thể dục thường xuyên.

Nhiều người vẫn nghĩ phụ nữ mang thai không được khuyến khích tập thể dục. Suy nghĩ này cần phải được thay đổi. Phụ nữ mang thai nên tập thể dục nhịp điệu cường độ trung bình ít nhất 150 phút mỗi tuần trong suốt thai kỳ. Họ có thể đạt được mục tiêu này bằng cách đi bộ nhanh từ 10 đến 20 phút trong suốt cả tuần.

2. Những nguy cơ tiềm ẩn của việc tăng cân quá nhiều trong thai kỳ

Hãy ghi nhớ những điều này khi bạn đang thèm ăn và có thể dễ dàng hơn một chút để bỏ những chiếc bánh mà bạn đang thèm thuồng xuống.Vì khi bạn tăng quá nhiều cân, các nguy cơ bạn sẽ gặp đó là:

  • Bạn sẽ gặp nhiều vấn đề trong thai kỳ hơn: Không phải phụ nữ nào cũng gặp phải các triệu chứng khó chịu khi mang thai, bao gồm giãn tĩnh mạch, đau nhức khớp và ợ chua. Nhưng những người tăng cân quá nhiều có nhiều khả năng phát triển chúng hơn. Cân nặng tăng sẽ gây áp lực lên toàn bộ cơ thể khiến máu và chất lỏng khó di chuyển vào bên trong. Điều này có thể gây ra chuột rút ở chân, bệnh trĩ, đau lưng, suy kiệt cơ thể, v.v.
  • Bạn có nhiều khả năng mắc bệnh tiểu đường hơn: Phụ nữ tăng cân quá nhiều trong thời kỳ mang thai dễ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, một tình trạng nguy hiểm trong đó cơ thể không thể sản xuất đủ insulin để cân bằng lượng glucose trong máu.Tin tốt là hầu hết các bà mẹ bị tiểu đường thai kỳ sẽ không bị tiểu đường sau khi sinh em bé. Tuy nhiên, việc được chẩn đoán mắc bệnh khiến bạn có nguy cơ mắc lại bệnh cao hơn khi mang thai trong tương lai và phát triển bệnh tiểu đường loại 2 sau này trong cuộc đời.
  • Bạn có nhiều khả năng bị biến chứng trong quá trình sinh nở: Tăng cân quá nhiều thường làm tăng kích thước của em bé. Sinh con to không hẳn là điều xấu nhưng nó có thể khiến quá trình chuyển dạ trở nên khó khăn hơn. Trẻ sơ sinh có trọng lượng lớn sẽ khó khăn để được đẩy ra ngoài theo cách sinh tự nhiên và thường phải sinh mổ. Những đứa trẻ nặng hơn có xu hướng mắc chứng loạn vai, một tình trạng vai lớn hơn đầu khiến việc sinh nở tự nhiên trở nên vô cùng đau đớn và trong nhiều trường hợp phải mổ. Sinh mổ không phải là không tốt nhưng nó có thể làm chậm quá trình sản xuất sữa và kéo dài thời gian phục hồi sau sinh của bạn.
  • Bạn càng tăng cân trong thai kỳ thì càng mất nhiều thời gian để giảm cân: Việc phục hồi sau khi sinh sẽ dễ dàng hơn rất nhiều khi bạn không bị tăng cân quá nhiều. Sau khi sinh em bé, bạn sẽ nhận thấy cân nặng giảm ngay lập tức, bạn sẽ giảm khoảng 11 pound vì khi đó nước ối và nhau thai không còn nữa. Những phần còn lại của trọng lượng cơ thể sẽ có thể mất hàng tháng hoặc lâu hơn để giảm. Ngay cả khi cho con bú, bạn vẫn sẽ phải nỗ lực rất nhiều để giảm bớt số cân thừa đó. Nếu bạn tăng cân hơn so khuyến cáo thì thường sẽ khó giảm cân sau khi sinh gấp hai lần so với các thai phụ tăng đúng số cân như hướng dẫn. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng các thai phụ tăng cân quá nhiều và nếu không thể giảm cân trong vòng 6 tháng sau khi sinh sẽ dễ mắc bệnh béo phì trong 10 năm sau đó, và có khả năng gặp các vấn đề sức khỏe như cao huyết áp, đái tháo đường, đột quỵ, hoặc các bệnh về tim mạch.

Bạn cũng đặt con mình vào thế bất lợi: Một bà mẹ thừa cân có nhiều khả năng sinh ra một đứa con lớn với nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và béo phì trong suốt thời thơ ấu và khi trẻ đã trưởng thành.


Tăng cân quá nhiều trong thai kỳ sẽ làm tăng nguy cơ đứa trẻ sinh ra quá lớn
Tăng cân quá nhiều trong thai kỳ sẽ làm tăng nguy cơ đứa trẻ sinh ra quá lớn

3. Mẹo để bạn kiểm soát cân nặng

Nếu bạn đã tăng nhiều cân hơn so với lượng cân nặng khuyến nghị của bác sĩ thì hãy trao đổi với bác sĩ về điều đó. Nếu bạn có kế hoạch muốn kiểm soát cân nặng thì dưới đây là một số mẹo dành cho bạn:

  • Khi ăn thức ăn nhanh, hãy chọn những món ít chất béo hơn như bánh mì ức gà nướng với cà chua và rau diếp (không sốt hoặc sốt mayonnaise), salad ăn kèm với nước sốt ít béo, bánh mì tròn hoặc khoai tây nướng đơn giản. Tránh các loại thực phẩm như khoai tây chiên, phô mai que, hoặc chả gà tẩm bột.
  • Tránh các sản phẩm sữa nguyên chất. Bạn cần ít nhất bốn khẩu phần sữa mỗi ngày. Tuy nhiên, sử dụng sữa tách béo 1% hoặc 2% sẽ làm giảm đáng kể lượng calo và chất béo bạn tiêu thụ vào. Ngoài ra, hãy chọn pho mát hoặc sữa chua ít béo hoặc không béo.
  • Hạn chế đồ uống ngọt hoặc đồ uống có đường: Đồ uống có đường như nước ngọt, nước ép trái cây,trà đá đường, nước chanh hoặc hỗn hợp đồ uống dạng bột có nhiều calo rỗng. Hãy chọn nước lọc, nước ngọt có ga hoặc nước khoáng để loại bỏ lượng calo thừa.
  • Giảm hoặc không sử dụng nhiều muối khi nấu ăn vì muối sẽ khiến cơ thể bạn giữ nước.
  • Bạn cũng nên giảm tối đa hoặc không tiêu thụ các loại đồ ngọt và đồ ăn chứa nhiều calo: Bánh quy, kẹo, bánh rán, bánh ngọt, siro, mật ong và khoai tây chiên có rất nhiều calo và ít dinh dưỡng. Cố gắng không ăn những thực phẩm này hàng ngày. Thay vào đó, hãy thử trái cây tươi, sữa chua ít béo, bánh thực phẩm với dâu tây hoặc bánh quy để làm món ăn nhẹ và món tráng miệng vì chúng ít calo hơn.
  • Sử dụng chất béo một cách điều độ: Chất béo bao gồm dầu ăn, bơ thực vật, bơ, nước thịt, nước sốt, sốt mayonnaise, nước sốt salad thông thường, nước sốt, mỡ lợn, kem chua và pho mát kem. Hãy thử các lựa chọn thay thế ít chất béo hơn.
  • Nấu thức ăn theo cách lành mạnh: Chiên thực phẩm trong dầu hoặc bơ sẽ thêm calo và chất béo. Nướng và luộc là những phương pháp chuẩn bị tốt cho sức khỏe.
  • Tập thể dục: Tập thể dục vừa phải có thể giúp đốt cháy lượng calo dư thừa.Các gợi ý về hình thức tập thể dục tốt như đi bộ hoặc bơi lội.

Mang thai và làm mẹ là cả một quá trình cần nhiều sự cố gắng và kiên nhẫn, ngoài việc kiểm soát cân nặng khi mang thai, để mẹ và bé luôn khỏe mạnh thì bạn cần:

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com, parents.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe