Hướng dẫn cân nặng khi mang thai và giảm cân cho người mẹ sau khi sinh đẻ

Tăng cân ở thai phụ trong thai kỳ là điều bắt buộc, nhưng sau khi sinh đẻ thành công, đa số các bà mẹ đều muốn mình giảm cân, thậm chí có người tìm mọi cách để giảm cân thật nhanh.

1. Trong suốt thai kỳ thai phụ tăng bao nhiêu cân là thích hợp?

Để thai nhi sinh trưởng và phát triển tốt, cơ thể người mẹ cần rất nhiều năng lượng và dưỡng chất, do đó chế độ dinh dưỡng cân bằng, lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất là rất quan trọng trong thai kỳ. Tuy nhiên thai phụ nên lưu ý là cần đủ, không nên thừa và không nên thiếu, để tránh việc tăng cân quá nhiều hoặc quá ít.

Đa số bác sĩ sẽ khuyến cáo mức tăng cân nặng khi mang thai phù hợp dựa trên cân nặng của người phụ nữ trước khi mang thai. Đối với phụ nữ có chỉ số khối cơ thể (Body Mass Index - BMI) bình thường thì mức tăng cân nên trong khoảng 25 - 35 pound (~ 11,34 - 15,88 kg), và có thể lên tới 45 pound (~ 20,41 kg) nếu mang thai đôi. Những phụ nữ thừa cân chỉ nên tăng cân trong khoảng 15 - 25 pound (~ 6,80 - 11,34 kg), và hoàn toàn không nên thực hiện các biện pháp giảm cân trong khi mang thai.

Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ về mức tăng cân hợp lý của bản thân, bởi mỗi một thai phụ là một trường hợp riêng biệt, và điều quan trọng nhất khi mang thai là có chế độ chăm sóc bản thân thật tốt, chế độ dinh dưỡng cân bằng, lành mạnh, đủ dưỡng chất thiết yếu, và bổ sung các yếu tố cần thiết theo chỉ định của bác sĩ.


Mẹ bầu cần kiểm soát cân nặng trong thời kỳ mang thai
Mẹ bầu cần kiểm soát cân nặng trong thời kỳ mang thai

2. Sẽ có vấn đề gì xảy ra nếu tăng cân quá nhiều khi mang thai?

Nếu tăng cân quá nhiều trong thai kỳ, sau khi sinh đẻ người mẹ sẽ phải giảm cân nhiều hơn, và các nghiên cứu đã cho thấy nếu không thể giảm hết cân nặng dư thừa trong vòng một năm thì số cân nặng đó sẽ có xu hướng duy trì vĩnh viễn. Nếu người phụ nữ tiếp tục có ý định mang thai lần nữa, tốt nhất nên quay trở về mức cân nặng hợp lý trước khi thụ thai.

3. Tăng quá nhiều cân khi mang thai có khiến thai nhi lớn hơn không?

Điều này không hẳn đúng, bởi tăng quá nhiều cân không hẳn sẽ khiến cho thai nhi phát triển to hơn. Hơn nữa tăng quá nhiều cân sẽ khiến việc giảm cân sau khi sinh đẻ trở nên khó khăn hơn.

4. Giảm cân sau khi sinh nên tiến hành vào lúc nào và kéo dài trong bao lâu?

Ít nhất trong 6 tuần đầu sau sinh người mẹ không nên nghĩ tới việc giảm cân, mà việc cần chú ý nhất đó là thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng, lành mạnh. Thời gian này đa số bà mẹ bị thiếu ngủ, mệt mỏi, thậm chí không đủ sức để chuẩn bị bữa ăn, do đó sẽ là bất hợp lý nếu thực hiện giảm cân lúc này.

Việc giảm cân sau sinh có thể kéo dài tới 1 năm, vì thế tốt nhất là nên giảm cân một cách từ từ, giảm mỗi tuần từ 1 tới 2 pound (~ 0,45 - 0,91 kg).


Giảm cân sau khi sinh cần được thực hiện một cách từ từ
Giảm cân sau khi sinh cần được thực hiện một cách từ từ

5. Kế hoạch giảm cân phù hợp nhất cho những người không cho con bú sẽ như thế nào?

Sáu tuần sau khi sinh, người mẹ có thể bắt đầu lên kế hoạch cắt giảm năng lượng thu nhận mỗi ngày vài trăm calo, nhưng tối thiểu phải cung cấp cho cơ thể số năng lượng là 1600 calo mỗi ngày.

Dù đang trong quá trình giảm cân, nhưng chế độ ăn vẫn cần đảm bảo cân bằng, lành mạnh. Để có đủ thể lực và sức khỏe, người mẹ cần ăn tối thiểu 3 - 4 bữa ăn cân bằng trong ngày, với những thực phẩm có lợi cho sức khỏe (như trái cây, rau xanh, protein nạc, thực phẩm giàu chất xơ,...). Không nên tiêu thụ các loại thức ăn không tốt như đồ ăn vặt, đồ ngọt,...

Lượng calo có thể được cắt giảm khá nhiều nếu hạn chế sử dụng dầu ăn và chất béo. Đừng quên uống nhiều nước, nhưng hãy tránh các sản phẩm nước ngọt hoặc thức uống chứa cồn.

Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về dấu hiệu mang thai sớm?

Các dấu hiệu mang thai sớm không phải chỉ mỗi trễ kinh mà còn có rất nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết âm đạo, ngực căng tức,… Điểm xem bạn biết được bao nhiêu dấu hiệu mang thai sớm thông qua bài trắc nghiệm này nhé!

6. Với những người mẹ cho con bú thì nên giảm cân như thế nào?

Những người mẹ đang cho con bú không nên tiến hành chế độ ăn giảm cân, bởi họ cần nhiều năng lượng, dinh dưỡng để tạo ra nguồn sữa chất lượng cho con bú.

Thậm chí trong trường hợp cân nặng không giảm được như mong muốn, hãy nhớ rằng những việc đang làm đều hướng tới mục đích đảm bảo những gì tốt nhất cho em bé. Người mẹ cũng nên lưu ý, chế độ ăn ảnh hưởng tới chất lượng sữa mẹ, còn số lượng sữa mẹ nhiều hay ít lại phụ thuộc mức độ người mẹ cho con bú.

7. Cho con bú có giúp người mẹ giảm cân hay không?

Cho con bú không nên được sử dụng như một phương pháp giảm cân, dù nó có hiệu quả giảm cân hay không là một vấn đề chưa sáng tỏ. Trên thực tế nhiều người mẹ không thể giảm cân cho tới khi ngừng cho con bú hoàn toàn.


Phụ nữ đang cho con bú không nên sử dụng phương pháp giảm cân
Phụ nữ đang cho con bú không nên sử dụng phương pháp giảm cân

8. Giảm cân sau sinh bằng luyện tập có khả thi không?

Tập luyện là một trong những phương pháp có thể sử dụng để giảm cân sau sinh, nhưng hãy luôn ghi nhớ rằng quá trình giảm cân tốt nhất nên diễn ra từ từ và dần dần.

Đa số những người mẹ sinh thường sẽ có thể tập luyện thể chất sau vài tuần kể từ khi sinh, còn với những người sinh mổ có thể sẽ cần khoảng thời gian nghỉ ngơi, phục hồi lâu hơn. Để chắc chắn nhất khi nào an toàn để tập luyện, hãy tham vấn với bác sĩ.

9. Thiếu ngủ có ảnh hưởng tới quá trình giảm cân hay không?

Các nghiên cứu đã cho thấy ở thời điểm sáu tháng sau khi sinh, nếu người mẹ ngủ ít hơn 6 giờ mỗi đêm sẽ khó giảm cân hơn so với những người mẹ ngủ mỗi đêm trên 6 giờ.

Chăm sóc em bé rất vất vả, đặc biệt là những gia đình có ít người, nhưng nghỉ ngơi đầy đủ cũng rất quan trọng đối với người mẹ, do đó hãy làm tất cả những gì có thể để ngủ được đủ giấc. Nghỉ ngơi đầy đủ mới mang lại năng lượng cho người mẹ để thực hiện các công việc khác, như duy trì chế độ ăn cân bằng, lành mạnh, và sau đó là luyện tập để giảm cân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe