Bài viết bởi Bác sĩ Đào Hồng Nam - Đơn nguyên Y Học Cổ Truyền - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Hiện nay, số bệnh nhân mắc hội chứng đau vai gáy ngày càng gia tăng, nguyên nhân chủ yếu là do thoái hóa các đốt sống cổ. Có nhiều phương pháp điều trị, giảm đau khác nhau nhưng nổi bật trong số đó là điện châm. Đây là phương pháp điều trị kết hợp Y Học Cổ Truyền với Y Học Hiện Đại mang lại hiệu quả cao.
1. Hội chứng đau vai gáy là gì?
Đau cổ vai gáy là nhóm các triệu chứng lâm sàng liên quan đến bệnh lý cột sống cổ. Biểu hiện lâm sàng thường gặp là đau vùng cổ vai gáy, đau kèm theo hạn chế vận động. Đau có thể lan xuống vai tay và/ hoặc kèm theo có rối loạn cảm giác, vận động tại vùng chi phối của rễ dây thần kinh cột sống. Nguyên nhân thường gặp nhất gây đau vai gáy là thoái hóa cột sống chiếm 60-70%, thoát vị đĩa đệm chiếm 20-25%, còn lại là nhóm nguyên nhân khác.
Biểu hiện của hội chứng đau vai gáy rất đa dạng. Tùy thuộc nguyên nhân gây đau vai gáy mà người bệnh có triệu chứng khác nhau. Các triệu chứng thường gặp là:
- Đau vai gáy và hạn chế vận động cột sống cổ, đau có thể xuất hiện đột ngột sau chấn thương, sau vận động cột sống cổ quá mức, hoặc xuất hiện sau khi ngủ dậy hoặc xuất hiện từ từ, âm ỉ, tăng dần.
- Chèn ép rễ thần kinh: Biểu hiện người bệnh đau dọc theo đường đi của dây thần kinh, đau lan lên vùng chẩm, xuống cánh tay, thường đau tăng khi vận động cột sống về bên đau. Có thể kèm theo rối loạn cảm giác, rối loạn vận động.
- Đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, mờ mắt, ù tai
- Ngoài ra người bệnh còn có thể có các triệu chứng của bệnh toàn thân gây đau vai gáy như: Sốt, rét run, vã mồ hôi, sụt cân...
Theo Y Học Cổ Truyền, hội chứng đau vai gáy được hiểu là do khí huyết không được lưu thông bình thường, bị ứ trệ tại các kinh mạch lưu thông qua vùng vai gáy gây nên. Vì vậy, để điều trị hiệu quả thì ngoài các phương pháp giảm đau, kháng viêm thông thường, bệnh nhân có thể được chỉ định châm cứu để thông kinh lạc giúp khí huyết lưu thông bình thường trở lại. Điện châm là phương pháp châm cứu phổ biến và áp dụng nhiều nhất hiện nay.
2. Điện châm là gì?
Điện châm là phương pháp vận dụng kết hợp của phương pháp châm cứu (Y Học Cổ Truyền) và sử dụng dòng điện (Y Học Hiện Đại). Điện châm sử dụng một máy điện tử tạo ra dòng điện một chiều ở tần số thấp thông qua kim châm cứu tác dụng trực tiếp lên huyệt vị, kinh lạc nhằm mục đích phòng và trị bệnh.
Khi tiến hành điện châm, điện cực tiếp xúc với diện tích cơ thể rất nhỏ (từ 0.1 – 0.5 cm2), mật độ điện tích trên một đơn vị diện tích trở nên rất cao. Do đó, dù cho đưa vào huyệt một công suất điện hết sức nhỏ thì cũng có thể gây ra một tác dụng kích thích lớn.
3. Ưu điểm của phương pháp điện châm
Ưu điểm của phương pháp điện châm là ít gây đau hơn so với châm cứu thông thường (cần phải vê kim bằng tay liên tục) do kết hợp giữa tác dụng dòng điện và rung kim nhẹ nhàng liên tục.
Một số lợi ích khác của điện châm là an toàn, tiết kiệm, ít gây ra các tác dụng phụ và có thể điều trị dài ngày phù hợp với các triệu chứng đau mạn tính như trong hội chứng đau vai gáy.
4. Kỹ thuật tiến hành điện châm điều trị hội chứng đau vai gáy
4.1 Chỉ định
Đau cổ vai gáy do các nguyên nhân: thoái hóa cột sống, do thoát vị đĩa đệm, gai đôi, vôi hóa cột sống, viêm cột sống.
4.2 Lựa chọn huyệt vị điều trị
- Tùy nguyên nhân gây bệnh mà chọn các huyệt vị nằm trên đường đi của của kinh lạc bị đau kết hợp với những huyệt vị có tác dụng toàn thân để tăng cường hiệu quả điều trị. Các huyệt vị thường dùng là: Phong trì, Kiên tỉnh, Thiên tông, Đại chùy, Phế du, Giáp tích, Kiên ngung, Kiên trinh, Hợp cốc, Khúc trì, Ngoại quan, A thị huyệt, Sát khuẩn da tại vị trí huyệt vị, sau đó châm kim vào huyệt vị.
- Xác định vị trí các huyệt vị đã chọn, sát khuẩn da tại vị trí huyệt vị, sau đó tiến hành châm kim vào huyệt vị.
- Tiến hành lắp điện cực lên kim châm cứu: Kiểm tra hoạt động của máy trước khi tiến hành, điều kiện là máy hoạt động tốt và tất cả các núm điều chỉnh cường độ dòng điện phải ở vị trí 0. Lắp điện cực lên kim châm cứu (vị trí các rắc nối dẫn điện vào kim châm cứu trên từng huyệt vị tùy theo yêu cầu điều trị là châm bổ hay tả). Bật công tắc cho máy chạy, xem đèn báo, vặn núm điều chỉnh công suất điện tăng từ từ, đạt đến mức độ yêu cầu của điện thế và cường độ thích ứng với từng người bệnh. Khi đó người bệnh cảm thấy dễ chịu hay hơi căng tức nhưng chịu đựng được.
- Thời gian tiến hành một lần điện châm thường là 20 – 30p, liệu trình điều trị khoảng 2 - 3 tuần.
- Theo dõi người bệnh trong suốt quá trình điều trị, đề phòng tai biến và biến chứng có thể xảy ra. Tai biến thường gặp là vựng châm: người bệnh bồn chồn, hoa mắt, chóng mặt, vã mồ hôi, mạch nhanh, sắc mặt nhợt nhạt.
- Xử trí vựng châm: Tắt máy châm cứu, rút kim châm, cho người bệnh nằm nghỉ, ủ ấm, giải thích động viên tinh thần người bệnh, theo dõi mạch và huyết áp cho người bệnh.
- Chú ý không tiến hành điện châm khi người bệnh quá đói, quá no, bệnh nhân có tiền sử co giật, động kinh, bệnh tim, đột quỵ hoặc bệnh nhân đang mang máy trợ tim.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị hội chứng vai gáy tại Bệnh viện.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
XEM THÊM