Bình thường khoang màng phổi luôn chứa khoảng 20ml chất lỏng sinh lý trong suốt hoặc màu vàng nhạt. Khi có sự hiện diện lượng dịch quá nhiều gọi là tràn dịch màng phổi. Trong các nguyên nhân gây ra tình trạng này, dịch màng phổi màu đỏ hay dịch ra nhiều máu thường liên quan đến chấn thương. Các nguyên nhân dịch màng phổi màu đỏ ít phổ biến hơn là bệnh lao, bóc tách động mạch chủ, vỡ phình động mạch chủ và bệnh lý ác tính.
1. Tràn dịch màng phổi là gì?
Không gian màng phổi nằm giữa thành ngực, phổi, và thường chứa một lượng nhỏ chất lỏng, giúp hai khoang này được thông với nhau. Tràn dịch màng phổi hình thành khi có sự mất cân bằng giữa sản xuất và hấp thụ chất lỏng trong khoang màng phổi. Chất lỏng đi vào khoang màng phổi bằng cách thẩm thấu từ hệ tuần hoàn tĩnh mạch và phổi bình thường, hoặc do rò rỉ trực tiếp từ các mạch bị tổn thương trong hệ thống tuần hoàn tĩnh mạch và phổi. Trong khi hệ thống bạch huyết phổi có nhiệm vụ hấp thụ chất lỏng này, nó chỉ có thể hấp thụ một thể tích nhỏ chất lỏng. Chất lỏng có xu hướng tích tụ đầu tiên trong khoang kẽ và sau đó trong khoang màng phổi.
Nói một cách khác, tràn dịch màng phổi là tình trạng tích tụ bất thường của dịch màng phổi trong khoang màng phổi. Nguyên nhân phổ biến nhất của tràn dịch màng phổi là suy tim sung huyết, có xu hướng tiên lượng tốt hơn, so với các nguyên nhân ít phổ biến hơn gây tràn dịch màng phổi liên quan đến xơ gan hoặc bệnh ác tính.
Khi có tình trạng tràn dịch màng phổi, người bệnh cần phải được chọc hút để chẩn đoán thông qua các xét nghiệm sinh hóa, vi khuẩn, tế bào học. Ngoài ra, còn có các công cụ hình ảnh học khác cũng giúp chẩn đoán tràn dịch màng phổi là siêu âm, chụp CT ngực hay MRI ngực, quét tưới máu thông khí mao mạch phổi.
Tuy nhiên, trong thực hành, ngay khi dẫn lưu được dịch màng phổi, có một số đặc điểm đặc trưng có thể giúp xác định nguyên nhân, ví dụ bao gồm:
- Dịch màng phổi màu đỏ: bệnh ác tính, viêm tụy, thuyên tắc phổi, bệnh lao
- Dịch màng phổi màu hổ phách: bệnh lao
- Dịch màng phổi màu nâu đỏ: áp xe gan do vi khuẩn
- Dịch màng phổi màu hơi vàng hoặc hơi trắng, có mủ: nhiễm trùng
- Dịch màng phổi màu đen: nhiễm aspergillus
- Dịch màng phổi có độ nhớt cao: u trung biểu mô
- Dịch màng phổi có mùi hôi và có mủ: nhiễm trùng hay áp xe phổi
2. Dịch màng phổi màu đỏ là như thế nào?
Dịch màng phổi khi được chọc dò bằng kim, nhất là khi được dẫn lưu bằng phương pháp nội soi lồng ngực, thường có lẫn máu. Theo đó, đây là điều dễ mắc phải có thể giải thích cho nguyên nhân dịch màng phổi màu đỏ. Lúc này, đo lượng hematocrit trong dịch màng phổi, cùng nguyên lý như xét nghiệm máu, có thể giúp đánh giá chẩn đoán dịch phổi màu đỏ.
Trong trường hợp dịch phổi màu đỏ với hematocrit hoặc lớn hơn hoặc bằng 50% giá trị hematocrit máu ngoại vi được gọi là tràn máu màng phổi; tuy nhiên, có thể thấy hematocrit dịch màng phổi thấp hơn 25-50% với tình trạng loãng máu trong trường hợp tràn máu màng phổi lâu ngày. Ngược lại, nếu hematocrit nhỏ hơn 5%, sự xuất hiện máu của dịch màng phổi gây dịch màng phổi màu đỏ hay dịch màng phổi màu nâu đỏ thường không có giá trị chẩn đoán.
Trong trường hợp dịch màng phổi có máu có số lượng hồng cầu lớn hơn 100.000 tế bào / μl được gọi là tràn dịch xuất huyết. Khi loại trừ chấn thương, sự hiện diện của tràn dịch màng phổi xuất huyết thường là do bệnh lý ác tính, thuyên tắc phổi có nhồi máu phổi, tràn dịch màng phổi amiăng lành tính hoặc hội chứng sau chấn thương tim.
3. Phân loại các nguyên nhân dịch màng phổi màu đỏ
Dịch màng phổi màu đỏ hay tràn máu màng phổi xuất huyết xảy ra do các nguyên nhân chấn thương, thiếu máu hoặc không do chấn thương:
Do chất thương: trong các trường hợp chấn thương ngực xuyên thấu
Do thủ thuật:
- Thủ thuật màng phổi (chọc dò lồng ngực, đặt ống mở lồng ngực, sinh thiết màng phổi)
- Phẫu thuật tim - lồng ngực
- Vị trí của các đường tĩnh mạch trung tâm
- Di lệch ngoài mạch của đường tĩnh mạch trung tâm
Không do chấn thương:
- Bệnh ác tính
- Thuyên tắc phổi và nhồi máu phổi
- Liệu pháp chống đông máu
- Chảy máu tạng
- Tràn máu màng phổi tự phát
- Bóc tách hoặc vỡ động mạch chủ
- Vỡ hoặc bóc tách túi phình động mạch vú trong
- Hội chứng sau chấn thương tim
- Các bệnh nhiễm trùng như sốt xuất huyết Dengue, lao phổi
- Lạc nội mạc tử cung vào lồng ngực
- Dị dạng mạch máu và mô liên kết
- Tạo máu ngoài tủy
- Các bệnh bẩm sinh, chẳng hạn như Ehlers-Danlos, u sợi thần kinh, bệnh giãn mạch máu do di truyền.
4. Các triệu chứng khi bị dịch màng phổi màu đỏ
Các triệu chứng biểu hiện của bệnh nhân tràn dịch màng phổi xuất huyết và các nguyên nhân dịch màng phổi màu đỏ khác là khác nhau, tùy thuộc vào căn nguyên cơ bản của chảy máu trong màng phổi và tốc độ tích tụ cũng như thể tích máu màng phổi. Các triệu chứng của căn nguyên cơ bản, chẳng hạn như đau ngực ở bệnh nhân chấn thương ngực, thường gặp nhất trong các biểu hiện lâm sàng.
Ngược lại, bệnh nhân được dẫn lưu thấy dịch màng phổi màu đỏ không do chấn thương thường có biểu hiện khó thở tiến triển với sự khởi phát thay đổi phụ thuộc vào tốc độ tích tụ và thể tích dịch màng phổi. Một số bệnh nhân có thể kèm theo đau ngực kiểu màng phổi.
Trong các trường hợp bệnh nhân gặp nguyên nhân dịch màng phổi màu đỏ là do chấn thương, bản chất của dịch có thể nhanh chóng là 3-4 lit máu, gây hạ huyết áp và các dấu hiệu khác của sốc xuất huyết như choáng váng, da niêm nhạt, mạch nhanh, tay chân lạnh.
5. Bệnh nhân tràn dịch màng phổi màu đỏ nên được xử trí như thế nào?
Lựa chọn điều trị cho các trường hợp có dịch màng phổi màu đỏ, cụ thể là tràn máu màng phổi là đặt ngay một ống ngực có lỗ khoan lớn (kích thước 28F đến 36F). Việc đặt ống ngực cho phép hút sạch hoàn toàn máu khỏi khoang màng phổi, cầm máu do vết rách màng phổi, cho phép định lượng lượng máu chảy, giảm tỷ lệ phù nề tiếp theo, vì các sản phẩm máu được giữ lại là môi trường nuôi cấy tốt, loại bỏ máu màng phổi và giảm nguy cơ bị xơ hóa. Ống ngực nên được rút ra khi đã kiểm soát được tình trạng chảy máu với lượng dịch màng phổi ít hơn 50 ml trong vòng sáu giờ.
Phẫu thuật mở lồng ngực ngay lập tức được chỉ định cho các trường hợp nguyên nhân dịch màng phổi màu đỏ là do chấn thương gây xuất huyết ồ ạt, được xác định bằng cách dẫn lưu qua ống ngực ban đầu lớn hơn 1500 mL hoặc xuất huyết màng phổi liên tục trên 200 mL/giờ trong vài giờ, nghi ngờ chấn thương động mạch chủ hoặc chấn thương tim, vết thương ngực sâu hoặc khí phế quản lớn rò rỉ.
Bệnh nhân đang điều trị chống đông máu nên được điều chỉnh chức năng đông máu trị để bình thường hóa rối loạn đông máu của họ. Các yếu tố nguy cơ chảy máu khác cũng nên được đảo ngược.
Nếu nguyên nhân dịch màng phổi màu đỏ không do chấn thương, việc điều trị tiếp theo sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản gây bệnh, như lao hay ung thư.
6. Dịch màng phổi màu đỏ có nguy hiểm không?
Dịch màng phổi màu đỏ do chấn thương hay tràn máu màng phổi có thể gây ra hậu quả là giảm thể tích tuần hoàn và sốc giảm thể tích, hình thành cục máu đông, tăng khả năng viêm phổi, áp xe phổi.
Nếu nguyên nhân dịch màng phổi màu đỏ không do chấn thương như bệnh lao hay ác tính, người bệnh có thể gặp phải những tiên lượng ngắn hạn và lâu dài tùy theo từng bệnh cảnh.
Tóm lại, dịch màng phổi màu đỏ là một tình trạng phức tạp. Do có nhiều nguyên nhân dịch màng phổi màu đỏ khác nhau, người bệnh cần được tích cực cầm máu tại chỗ, nếu do chấn thương gây tràn máu màng phổi, hay tìm và điều trị theo bệnh căn. Sự hiện diện của máu trong khoang màng phổi kéo dài có thể gây suy giảm chức năng phổi; mặt khác, dịch phổi màu đỏ gợi ý các bệnh lý nếu không kiểm soát kịp thời có thể chậm trễ và ảnh hưởng xấu đến tiên lượng người bệnh trong tương lai.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.