Mỗi ngày cơ thể sẽ tạo ra khoảng 1 lít chất nhầy. Nếu sản xuất nhiều hơn, đặc biệt là trong phổi có thể gây khó chịu và là dấu hiệu cảnh báo một vấn đề sức khỏe. Theo báo cáo của WHO vào tháng 2 hơn 33% người mắc viêm phổi do coronavirus có ho ra chất nhầy.
1. Cảnh giác khi có nhiều chất nhầy trong ngực
Cơ thể sẽ tạo ra chất nhầy tự nhiên mỗi ngày để bảo vệ bạn khỏi bị nhiễm trùng. Do đó không phải lúc nào phát hiện chất nhầy trong ngực cũng đều là biểu hiện bất thường. Chất nhầy, còn được gọi là đờm, được sản xuất bởi hệ hô hấp, nằm trong các mô như mũi, miệng, cổ họng và phổi.
Tuy nhiên, cũng có một vài tình trạng y tế biểu hiện bởi chất nhầy nhiều ở ngực, chẳng hạn như:
1.1. Trào ngược axit
Nếu bạn bị trào ngược axit, axit trong dạ dày sẽ đi lên thực quản và đến cổ họng. Tình trạng này có thể gây kích thích cổ họng sau khi ăn và chảy dịch mũi sau xuống cổ họng (postnasal drips), đi kèm với tắc nghẽn ngực.
1.2. Dị ứng
Dị ứng có thể dẫn đến một loạt các triệu chứng, từ ngứa mắt và hắt hơi, đến nghẹt mũi, tức ngực và ho. Nếu bị dị ứng với phấn hoa hoặc mạt bụi bay trong không khí, bạn thường sẽ gặp phản ứng liên quan đến phổi.
1.3. Hen suyễn
Ngoài các triệu chứng điển hình, như khó thở và tức ngực, hen suyễn cũng có thể khiến bạn ho ra đờm. Đây thường là dấu hiệu cho thấy đường thở của bạn bị viêm. Tuy nhiên một lượng nhỏ chất nhầy màu trắng hoặc trong suốt là không đáng lo ngại.
1.4. Nhiễm vi khuẩn và virus
Các bệnh nhiễm trùng như cúm, viêm phế quản cấp tính và viêm phổi có thể khiến đường hô hấp của bạn tiết ra nhiều chất nhầy, khiến bệnh nhân bị ho. Chất nhầy sẽ có màu xanh hoặc vàng bất thường.
1.5. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) bao gồm một số vấn đề ở phổi, như viêm phế quản mãn tính và khí thũng phổi (emphysema), khiến bạn bị khó thở. Viêm phế quản mãn tính gây viêm ống phế quản và kích thích sản xuất nhiều chất nhầy, làm ảnh hưởng đến chức năng phổi. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD thường hình thành sau khi tiếp xúc lâu dài với những tác nhân kích thích, chẳng hạn như khói thuốc lá. Tuy nhiên những người mắc bệnh hen suyễn cũng có nguy cơ tiến triển đến COPD.
1.6. Bệnh xơ nang
Đây là một bệnh di truyền khiến các chất nhầy phát triển dày đặc trong phổi và các cơ quan khác. Xơ nang có thể dẫn đến suy giảm chức năng phổi khi người bệnh già đi. Các bác sĩ thường tìm kiếm dấu hiệu xơ nang ở trẻ sơ sinh và 75% người bệnh được chẩn đoán khi được 2 tuổi. Bố mẹ có thể di truyền gen mắc bệnh xơ nang ngay cả khi không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào trong quá trình trưởng thành. Theo thống kê, mỗi năm tại Mỹ chẩn đoán khoảng 1.000 trường hợp mắc u xơ nang.
2. Chất nhầy có phải là dấu hiệu viêm phổi do coronavirus?
Như đã được thông tin phổ biến, dấu hiệu viêm phổi do coronavirus điển hình bao gồm: sốt, ho và khó thở. Tuy nhiên vẫn còn có những triệu chứng bổ sung khác đang được cập nhật từng ngày. Một vài bệnh nhân biểu hiện rất giống với cảm lạnh hoặc cúm, số khác lại có những triệu chứng bất thường hơn, hoặc hoàn toàn không có triệu chứng.
Theo cảnh báo từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), một hoặc tất cả các triệu chứng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong vòng từ 2 - 14 ngày sau khi bạn vô tình tiếp xúc với coronavirus chủng mới - có tên chính thức là SARS-CoV-2.
Vào tháng 02/2020, một báo cáo đưa ra bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, trong số 55.924 người mắc Covid-19 được theo dõi, hơn 33% bệnh nhân có biểu hiện ho ra đờm - chất nhầy dày được sản xuất từ phổi. Triệu chứng ho của bệnh Covid-19 không phải là hiện tượng ngứa cổ họng khiến bạn phải hắng giọng, cũng không chỉ là do kích thích. Ho khan thực sự gây khó chịu, xuất phát từ vùng ức và các ống phế quản bị viêm. Bệnh nhân có thể cảm nhận được từ sâu trong lồng ngực.
Nhìn chung, coronavirus chủng mới gây ra đại dịch Covid-19 thường không làm tăng sản xuất chất nhầy trong ngực. Nhưng các biến chứng có thể bao gồm viêm phổi do coronavirus - tình trạng có liên quan đến tắc nghẽn ngực.
3. Cách giảm chất nhầy trong ngực
Để kiểm soát hoặc giảm bớt chất nhầy trong cơ thể, bạn có thể thử các biện pháp tại nhà sau:
- Uống nhiều nước: Mọi người nên uống nhiều nước lọc và các chất lỏng có lợi khác. Không lạm dụng những loại đồ uống có thể gây mất nước, chẳng hạn như cà phê và rượu;
- Giữ ẩm: Nên dùng máy phun sương làm ẩm và mát không khí, hoặc xông hơi trong phòng tắm để giữ cho đường thở không bị khô và luôn được cấp ẩm;
- Không hút thuốc lá hay bất kỳ thuốc điện tử nào: Bất kể là thuốc lá hay cần sa, khói thuốc chính là chất gây kích thích và khiến cơ thể bạn tiết ra nhiều chất nhầy hơn;
- Dùng mật ong: Mặc dù mật ong không có tác dụng loại bỏ chất nhầy, nhưng một muỗng cà phê mật ong có thể làm dịu cơn ho tạm thời. Lưu ý, không dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi;
- Kiểm tra bộ lọc không khí: Các chất kích thích trong không khí có thể làm tăng sản xuất chất nhầy. Vì vậy hãy đảm bảo bộ lọc của hệ thống sưởi và làm mát tại nhà bạn luôn sạch sẽ và được thay mới định kỳ;
- Dùng thuốc long đờm: Một số loại thuốc ho có chứa guaifenesin sẽ giúp long đờm, loại bỏ chất nhầy khỏi cơ thể bằng cách kích thích người sử dụng ho ra.
Nhìn chung, bản thân chất nhầy không phải là một dấu hiệu đáng lo ngại. Nhưng nếu chất nhầy đi kèm với cơn ho dai dẳng vài tuần, có màu vàng xanh hoặc có máu, hoặc bạn cũng bị sốt hoặc khó thở thì nên gọi bác sĩ để được hướng dẫn thêm. Trên thực tế, nhiều triệu chứng viêm phổi do coronavirus rất giống với các bệnh cảm cúm, mệt mỏi thông thường. Bạn và người thân cần thận trọng theo dõi sức khỏe cơ thể, cũng như tuân thủ các biện pháp phòng ngừa coronavirus để bảo vệ bản thân và gia đình.
Nếu có nhu cầu tư vấn và thăm khám tại các Bệnh viện thuộc hệ thống Y tế trên toàn quốc, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website để được phục vụ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.