Chất nhầy là dịch tiết cơ thể mà bất kỳ ai cũng có. Chúng đảm bảo chức năng và rất nhiều hoạt động trong cơ thể. Thực chất, chúng được ví như một lớp bảo vệ và giữ ấm giúp cho các cơ quan quan trọng không bị khô. Vậy vì sao cơ thể lại tiết ra chất nhầy?
1. Chất nhầy là gì?
Theo các chuyên gia, chất nhầy cực kỳ quan trọng đối với cơ thể chúng ta. Nếu cơ thể chúng ta được ví như động cơ thì chất nhầy nhầy được ví như dầu, chất bôi trơn. Không có chất nhầy, động cơ sẽ không thể hoạt động một cách trơn tru.
Vậy vì sao cơ thể tiết ra chất nhầy? Bao nhiêu chất nhầy được tiết ra thì coi là bình thường, bao nhiêu là quá nhiều.....và rất nhiều câu hỏi liên quan khác. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu thông qua bài viết sau đây:
Chất nhầy là một chất lỏng bình thường, trơn và do nhiều mô lót trong cơ thể tiết ra. Chất nhầy rất cần thiết cho các chức năng và hoạt động trong cơ thể, nó được xem như một lớp bảo vệ và giữ ấm nhằm giúp cho các cơ quan quan trọng không bị khô. Bên cạnh đó, chất nhầy cũng hoạt động như một cái bẫy đối với các chất kích thích như bụi, khói hoặc vi khuẩn. Trong chất nhầy có chứa các kháng thể và enzym tiêu diệt vi khuẩn để giúp chống lại nhiễm trùng.
Cơ thể chúng ta sản xuất rất nhiều chất nhờn - khoảng 1-1,5 lít mỗi ngày. Chúng ta thường không nhận thấy sự xuất hiện của chất nhầy trừ khi lượng chất nhầy được tiết ra tăng lên hoặc chất lượng của chất nhầy đã thay đổi, có thể xảy ra với các bệnh và tình trạng khác nhau.
Mô sản xuất chất nhầy bao gồm miệng, mũi, xoang, họng, phổi và đường tiêu hóa. Chất nhầy đóng vai trò như một tấm chăn bảo vệ trên các bề mặt này, ngăn mô bên dưới bị khô. Vì thế, bạn phải giữ ấm những cơ quan này, nếu không chúng sẽ bị khô và nứt, khiến bạn có cảm giác vô cùng khó chịu. Ngoài ra, chất nhầy cũng hoạt động như một tấm bảo vệ, chúng có độ dính và đặc, những thứ như vi khuẩn và bụi bẩn sẽ bám lại ở đó.
2. Vì sao cơ thể lại tiết ra chất nhầy?
Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi sẽ khiến bạn vô cùng khó chịu, nhưng chất nhầy tăng thêm đó sẽ giúp cơ thể bạn khỏe mạnh. Theo Philip Chen, MD, bác sĩ tai mũi họng tại UT Health San Antonio cho biết: “Chất nhầy là một chất quan trọng mà cơ thể sản sinh ra để bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của vi rút và vi khuẩn”.
Theo đó, chất nhầy cũng có các protein và kháng thể đặc biệt chống lại vi trùng. Thực tế, cơ thể bạn tạo ra rất nhiều chất nhờn dính này, ngay cả khi bạn không bị bệnh. Chất nhầy hiện ở trong miệng, mũi và xoang giúp các bộ phận của cơ thể không bị khô.
Mỗi ngày cơ thể chúng ta sản xuất 1-1,5 lít chất nhầy mỗi ngày. Phần lớn chúng bị nuốt và chúng ta thậm chí không biết tới sự xuất hiện của nó. Nhưng khi bạn cảm thấy không khỏe, bạn sẽ dễ nhận thấy chất nhầy hơn. Tuy nhiên, đôi khi bạn cũng có thể nhận thấy chất nhầy của mình, thường không phải vì bạn tiết ra nhiều hơn, mà vì độ đặc của nó đã thay đổi.
Thông thường, chất nhầy thay đổi tính chất, nó trở nên đặc hơn. Một số người chỉ tự nhiên có chất nhầy đặc hơn và dính hơn những người khác. Trong trường hợp bị cảm lạnh, dị ứng hoặc tiếp xúc với vật gì đó gây khó chịu khiến việc sản xuất chất nhầy của cơ thể trở nên quá mức.
Ví dụ, trong một phản ứng dị ứng với một tác nhân gây khó chịu, chẳng hạn như dị ứng phấn hoa hoặc cỏ phấn hương, các tế bào trong cơ thể của bạn sẽ tiết ra một chất gọi là histamine gây hắt hơi, ngứa và nghẹt mũi. Mô của màng nhầy bắt đầu rò rỉ chất lỏng và nước mũi bắt đầu chảy.
Uống sữa cũng có thể khiến một số người tiết nhiều chất nhầy hơn. Theo các chuyên gia đó là do viêm mũi chảy mủ, một phản ứng phản xạ được kích hoạt khi ăn. Viêm mũi chảy mủ cũng là nguyên nhân khiến bạn chảy nước mũi khi ăn ớt cay. Protein trong sữa gây ra phản ứng tương tự ở một số người. Mặc dù bạn có thể cảm thấy lượng chất nhầy được tiết ra nhiều hơn, nhưng tình trạng tiết chất nhầy do cảm lạnh sẽ không trở nên trầm trọng hơn khi bạn uống một ly sữa.
3. Tại sao chất nhầy lại thay đổi màu sắc?
Nếu bạn đã từng quan sát chất nhầy có trong khăn giấy sau khi xì mũi, bạn có thể nhận thấy rằng chất nhầy của bạn không phải lúc nào cũng trong suốt. Nó có thể có màu vàng, xanh lá cây, hoặc có một chút đỏ hoặc nâu. Vậy những màu của chất nhầy có ý nghĩa gì?
Bạn có thể đã nghe nói rằng chất nhầy màu vàng hoặc xanh lá cây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy bạn bị nhiễm trùng, tuy nhiên trên thực tế không phải như vậy, màu vàng hoặc xanh lục của chất nhầy không phải do vi khuẩn gây ra.
Khi bạn bị cảm lạnh, hệ thống miễn dịch của bạn sẽ gửi các tế bào bạch cầu gọi là bạch cầu trung tính đến khu vực đó. Những tế bào này chứa một loại enzyme có màu xanh lục, và với số lượng lớn, chúng có thể biến chất nhầy có màu giống nhau. Bạn có thể nhận thấy chất nhầy hoàn toàn trong suốt khi bị viêm tai và viêm xoang. Nếu bị nhiễm trùng, bạn cũng sẽ có các triệu chứng khác, chẳng hạn như nghẹt mũi, sốt và xuất hiện nhiều chất nhầy lên các xoang.
Chất nhầy có nhiều màu cũng liên quan đến nồng độ của chất nhầy. Theo chuyên gia, chất nhầy đặc quánh thường có màu xanh lục.
Dịch nhầy cũng có thể có lẫn máu hơi đỏ hoặc nâu, đặc biệt nếu mũi bạn bị khô hoặc bị kích ứng do cọ xát, xì mũi hoặc ngoáy quá nhiều. Phần lớn máu đến từ khu vực ngay bên trong lỗ mũi, đây là nơi tập trung hầu hết các mạch máu trong mũi. Một lượng máu nhỏ trong chất nhầy không phải là điều đáng lo ngại, nhưng nếu bạn thấy sự xuất hiện của lượng máu lớn, hãy gọi ngay cho bác sĩ để được tư vấn cụ thể.
Theo đó, chất nhầy có thể chuyển sang các màu khác như là:
- Trắng: Chất nhầy trong mũi có thể đặc hơn và có màu trắng. Đó có thể là một dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang sản xuất ra các tế bào bạch cầu để chống lại nhiễm trùng.
- Màu xanh lá cây hoặc màu vàng: khi chất nhầy chuyển sang màu này thường là dấu hiệu cho thấy bạn đang bị nhiễm trùng như cảm lạnh hoặc cúm. Màu xanh xuất phát từ một loại protein được giải phóng từ các tế bào viêm nhiễm. Đó là một chất độc hại giết chết vi trùng cố gắng xâm nhập vào.
- Đỏ hoặc hồng: Nếu bạn bị ốm và ho nhiều, bạn có thể nhận thấy chất nhầy có màu đỏ hoặc hồng. Điều này có thể là do các mạch máu trong mũi hoặc cổ họng bị vỡ. Trong một số trường hợp, nó cũng có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư. Bác sĩ có thể tiến hành thực hiện các xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân.
- Màu nâu hoặc đen: Chất nhầy màu sẫm có thể báo hiệu cơ thể đang bị nhiễm trùng. Tình trạng này thường xảy ra với những người nghiện hút thuốc hoặc những người xung quanh hít phải khói hoặc bụi than tại nơi làm việc của họ. Loại chất nhầy này cũng xuất hiện ở những người bị bệnh phổi mãn tính. Màu sắc đến từ sự pha trộn giữa máu và tình trạng viêm nhiễm trong phổi.
Chất nhầy màu trắng, xanh lá cây hoặc vàng có thể tự hết, nhưng nếu bạn bị đau họng, sốt hoặc ớn lạnh, hãy liên hệ ngay với bác sĩ. Hãy cho bác sĩ biết nếu chất nhầy của bạn có chuyển sang màu khác hoặc rất đặc.
4. Làm thế nào để loại bỏ chất nhầy?
Những người có vấn đề về xoang mãn tính thường xuyên xì mũi, có thể sử dụng thuốc kháng histamine không kê đơn và thuốc thông mũi. Thuốc thông mũi làm cho các mạch máu trong niêm mạc mũi thu hẹp lại, làm giảm lưu lượng máu đến khu vực này, do đó bạn sẽ ít bị nghẹt mũi hơn và tiết ra ít chất nhầy hơn.
Thuốc thông mũi rất tốt khi bạn cảm thấy khó thở do cảm lạnh, nhưng chúng không tốt cho chất nhầy đặc nói chung. Theo các chuyên gia, nguyên nhân là do chất thông mũi làm khô mũi và làm cho chất nhầy đặc lại. Vì vậy, nếu bạn sử dụng nhiều thuốc thông mũi hơn và rơi vào một chu kỳ sản xuất chất nhầy luẩn quẩn. Thuốc thông mũi cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ, bao gồm chóng mặt, căng thẳng và huyết áp cao.
Thuốc kháng histamine ngăn chặn hoặc hạn chế hoạt động của histamine, những chất này được kích hoạt bởi phản ứng dị ứng khiến mô trong mũi sưng lên và tiết ra nhiều hơn, chất nhầy loãng hơn (chảy nước mũi). Buồn ngủ là tác dụng phụ chính của thuốc kháng histamine cũ khi sử dụng. Bên cạnh đó, thuốc cũng có thể gây khô miệng, chóng mặt và đau đầu.
Bạn cũng có thể làm loãng chất nhầy bằng guaifenesin, một loại thuốc được gọi là thuốc long đờm. Chất nhầy sẽ dễ dàng thoát ra khỏi cơ thể hơn khi chúng trở nên loãng hơn. Các tác dụng phụ có thể xảy ra khi bạn sử dụng guaifenesin là chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn và nôn. Bên cạnh đó bạn có thể áp dụng các giải pháp thay thế khác để loại bỏ chất nhầy bằng cách rửa mũi.
Mọi phương pháp rửa rửa mũi đều hoạt động theo cùng một nguyên tắc cơ bản như sau: Bạn nhỏ dung dịch nước muối sinh lý (nước mặn) lên một lỗ mũi để làm lỏng tất cả chất nhầy tích tụ trong khoang mũi, sau đó thoát ra bên lỗ mũi còn lại. Nó tương tự như việc làm sạch thức ăn dính trên đĩa ăn trong máy rửa bát.
Theo CDC, nếu bạn rửa mũi, hãy sử dụng nước cất, vô trùng hoặc nước đã đun sôi trước đó để tạo dung dịch rửa. Điều quan trọng nữa là phải rửa sạch thiết bị rửa mũi sau mỗi lần sử dụng và để ngoài trời khô ráo.
Rửa mũi là một điều tốt, nhưng bạn không nên quá lạm dụng. Việc rửa sạch xoang sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn xấu, khó chịu và các sinh vật khác có thể gây nhiễm trùng. Tuy nhiên, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi rửa mũi thường xuyên sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, vì nó cũng làm trôi đi một số chất bảo vệ giúp ngăn ngừa bệnh. Vì vậy, bạn nên sử dụng bình rửa mũi hoặc dụng cụ rửa mũi khác khi thực sự cần thiết, hãy tạm dừng khi bạn cảm thấy tình trạng đã tốt hơn.
XEM THÊM: Mẹo giúp loãng đờm cho trẻ
5. Sự khác biệt giữa chất nhầy và đờm
Đờm là thuật ngữ dùng để chỉ chất nhầy do hệ hô hấp tiết ra, đặc biệt là khi chất nhầy dư thừa được sản xuất và ho ra. Trong quá trình nhiễm trùng, chất nhầy có chứa các vi rút hoặc vi khuẩn gây ra nhiễm trùng cũng như các tế bào chống nhiễm trùng của hệ thống miễn dịch của cơ thể (tế bào bạch cầu).
Bản thân đờm không nguy hiểm nhưng khi xuất hiện với lượng lớn có thể làm tắc nghẽn đường thở. Đờm thường được đẩy ra ngoài khi ho và điều này thường đi kèm với các triệu chứng như nghẹt mũi, chảy nước mũi và đau họng.
Chất nhầy là dịch tiết quan trọng của cơ thể, chúng rất cần thiết cho các chức năng và hoạt động sống của con người.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: medicinenet.com, symptoms.webmd.comm, webmd.com