Dị vật đường thở bỏ quên ở trẻ em

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Huy Toàn - Bác sĩ Nhi - Sơ Sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Dị vật đường thở bỏ quên là tai nạn không hiếm gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là ở trẻ em. Các dị vật hay gặp nhất mà trẻ em dễ hóc phải như các mẩu xương, đốt xương cá, mảnh đồ chơi, các loại hạt,... Đây là tình trạng hóc rất nguy hiểm bởi nó có thể gây tử vong nếu không được xử trí cấp cứu kịp thời.

1. Dị vật đường thở bỏ quên ở trẻ em là gì?

Dị vật đường thở là cụm từ chỉ ca bệnh xuất hiện tình trạng có vật lạ xâm nhập trong thanh, khí hay phế quản của người bệnh. Dị vật được chia làm hai loại là vô cơ và hữu cơ.

Dị vật đường thở được phân vào nhóm bệnh cấp cứu trong tai mũi họng, dù có thể bắt gặp ở bất cứ độ tuổi nhưng phổ biến, nhất là ở trẻ em từ 10 đến 24 tháng tuổi (chiếm xấp xỉ 80%). Đây là một tai nạn sinh hoạt thường gặp và đặc biệt nguy hiểm bởi nó có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề ở trẻ nếu không được thăm khám kịp thời.


Dị vật đường thở có thể gây biến chứng nặng nề cho trẻ
Dị vật đường thở có thể gây biến chứng nặng nề cho trẻ

2. Nguyên nhân của dị vật đường thở bỏ quên ở trẻ em

Dị vật đường thở bỏ quên ở trẻ em bị gây ra từ rất nhiều nguyên nhân, việc hóc dị vật không chỉ ở thể rắn (như đồ chơi, một số loại hạt,...) mà còn ở thể lỏng (như cháo, sữa,...). Một số tình huống sau đây có thể là nguyên nhân đưa dị vật vào cơ thể trẻ:

  • Trẻ đang ăn hoặc ngậm thức ăn hoặc đồ chơi trong miệng, do tác động nào đó khiến trẻ hít mạnh sâu và đột ngột khiến dị vật theo luồng không khí rơi vào đường thở;
  • Dị vật bị lẫn vào trong quá trình trẻ ăn uống;
  • Các hành động như khóc, cười, vấp ngã,... khi miệng có thức ăn;
  • Bố mẹ cho trẻ uống thuốc không đúng quy cách, thay vì nghiền nát lại để con em uống nguyên viên;
  • Trẻ bị sặc khi ăn.

XEM THÊM: Sơ cấp cứu dị vật đường thở - nghẹt thở


Ngậm đồ chơi có thể khiến trẻ bị dị vật trong đường thở
Ngậm đồ chơi có thể khiến trẻ bị dị vật trong đường thở

3. Những triệu chứng nhận biết dị vật đường thở bỏ quên ở trẻ

Tùy thuộc vào thay đổi vị trí của dị vật trong đường hô hấp của trẻ mà các triệu chứng có thể thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, nếu dị vật bị kẹt lại ở thanh quản hay khí quản thì trẻ thường có các biểu hiện sau:

  • Trẻ có biểu hiện suy hô hấp hoặc thở rít;
  • Những cơn ho sặc sụa, ho ra máu dai dẳng kéo dài;
  • Một số biểu hiện có thể kèm theo khác như trẻ hoảng loạn, kích động. Bên cạnh đó, phụ huynh cần chú ý nếu trẻ ôm cổ và ra dấu hiệu rằng mình đang bị nghẹn.

Trẻ ho ra máu là dấu hiệu của dị vật đường thở bỏ quên ở trẻ
Trẻ ho ra máu là dấu hiệu của dị vật đường thở bỏ quên ở trẻ

4. Chẩn đoán dị vật đường thở bỏ quên ở trẻ

4.1. Khám lâm sàng

Xác định hội chứng xâm nhập:

  • Hội chứng xâm nhập là do phản xạ co thắt chặt thanh quản ngăn không cho dị vật xuống dưới và phản xạ ho liên tiếp để tống dị vật ra ngoài.
  • Bác sĩ có thể khai thác được hội chứng xâm nhập ở khoảng 93% bệnh nhân.

Xác định các triệu chứng toàn thân như: mức độ khó thở, sốt.

Xác định triệu chứng cơ năng và thực thể, từ đó xác định vị trí dị vật mắc lại:

  • Dị vật ở thanh quản;
  • Dị vật ở khí quản;
  • Dị vật ở phế quản.

4.2. Cận lâm sàng

Các xét nghiệm máu tuy có ít giá trị trong việc chẩn đoán dị vật đường thở bỏ quên ở trẻ nhưng có thể cung cấp thông tin về tình trạng viêm nhiễm khi có sự tăng cao trong tỉ lệ bạch cầu đa nhân trung tính.

Chụp X-quang cổ nghiêng hoặc chụp X-quang phổi thẳng cho phép phát hiện dị vật bỏ quên trong đường thở. Tuy nhiên, đối với các dị vật không phải là dị vật có cản quang như kim loại, xương, răng,... thì tương đối khó phát hiện.


Xét nghiệm máu là một chẩn đoán cận lâm sàng được thực hiện
Xét nghiệm máu là một chẩn đoán cận lâm sàng được thực hiện

4.3. Chẩn đoán xác định

Đầu tiên, hội chứng xâm nhập chính là dấu hiệu vàng trong việc chẩn đoán dị vật đường thở bỏ quên ở trẻ.

Hỏi bệnh và khám thực thể: nhằm đánh giá tình trạng cũng như chẩn đoán định vị được khu vực mà dị vật mắc lại. Nghe phổi cho biết vị trí của dị vật và mức độ viêm nhiễm ở phổi:

  • Dị vật ở thanh quản: Ở cả hai bên phổi sẽ nghe thấy tiếng rít, ngáy lan từ trên xuống, do tình trạng kém thông khí nên đôi khi thấy rì rào phế nang giảm ở cả hai phổi.
  • Dị vật ở khí quản: Nghe thấy tiếng rít ở cả hai phổi cùng tiếng lật phật.
  • Dị vật ở phế quản: Nghe thấy rì rào phế nang giảm hoặc mất một bên. Nếu đã có tình trạng viêm nhiễm thì có thể nghe thấy ran ẩm, ran nổ.

4.4. Chẩn đoán phân biệt

  • Viêm phổi: Triệu chứng thường thấy là ho từng cơn, nghe phổi có ran ẩm. Hình ảnh viêm nhiễm cả hai bên phổi trên phim phổi.
  • Xẹp phổi: Khối u, viêm nhiễm là các nguyên nhân gây xẹp phổi.

XEM THÊM: Hướng dẫn sơ cứu trẻ bị hóc dị vật đường thở

5. Điều trị dị vật đường thở bỏ quên ở trẻ

5.1. Nguyên tắc điều trị

  • Lấy dị vật cấp cứu.
  • Hỗ trợ hô hấp.
  • Điều trị các biến chứng.

Lấy dị vật cấp cứu là một nguyên tắc điều trị
Lấy dị vật cấp cứu là một nguyên tắc điều trị

5.2. Cấp cứu ban đầu

Khi phát hiện thấy trẻ bị dị vật đường thở bỏ quên hoặc nghi ngờ hóc dị vật thì cần căn cứ vào các biểu hiện triệu chứng sau đây của trẻ để xử trí.

5.2.1 Trẻ xuất hiện triệu chứng khó thở hoặc khó thở nhẹ

Trong trường hợp này cần tránh can thiệp vì có thể khiến trẻ ngừng thở đột ngột do dị vật di chuyển trong đường thở. Trẻ cần ngay lập tức được đưa đến đến chuyên khoa Tai mũi họng để bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.

5.2.2 Trẻ xuất hiện triệu chứng khó thở nặng hoặc ngừng thở

Đối với trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi: thổi ngạt (như hô hấp nhân tạo) để giúp trẻ khai thông đường thở, sau đó thực hiện phương pháp vỗ lưng ấn ngực.

Đối với trẻ trên 12 tháng tuổi và trẻ lớn: sử dụng thủ thuật Heimlich

  • Trẻ vẫn còn tỉnh: Cấp cứu viên đứng sau lưng bệnh nhân hoặc quỳ tựa gối vào lưng trẻ, sau đó vòng hai tay đặt ngang thắt lưng người bệnh. Một bàn tay nắm lại đặt ở vị trí vùng thượng vị, bàn tay còn lại phủ lên trợ lực. Đột ngột ép mạnh vùng thượng vị theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên trên khoảng 5 lần liên tục.
  • Trẻ trong tình trạng hôn mê: Cấp cứu viên ngay lập tức đặt trẻ nằm ngửa, đầu thấp và nghiêng sang một bên. Hai bàn tay chồng lên nhau đặt ở vùng dưới xương ức của trẻ, ấn mạnh theo hướng đầu bệnh nhân khoảng 4-5 nhịp/1 lần.

Thủ thuật Heimlich được sử dụng nhằm giúp không khí trong phổi được tống ra ngoài, đồng thời đẩy theo dị vật ra ngoài thanh môn. Tuy nhiên, nếu thủ thuật Heimlich không có hiệu quả sau 6-10 lần thử nghiệm thì có thể áp dụng kĩ thuật chọc kim qua màng nhẫn giáp hoặc mở khí quản cấp cứu.


Thủ thuật Heimlich có tác dụng đẩy theo dị vật ra ngoài thanh môn
Thủ thuật Heimlich có tác dụng đẩy theo dị vật ra ngoài thanh môn

5.3. Cấp cứu chuyên khoa

  • Nếu bệnh nhân có dấu hiệu ngạt thở thì thực hiện hô hấp nhân tạo, mở khí quản cấp cứu.
  • Soi thanh khí phế quản gắp dị vật
  • Phương pháp điều trị hiệu quả: Nội soi phế quản gắp dị vật.
  • Chỉ định dùng kháng sinh, corticoid sau soi.

Dị vật đường bỏ quên ở trẻ em là một bệnh lý rất nguy hiểm nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời. Người lớn nên đặc biệt chú ý, nhất là trong quá trình ăn uống cũng như vui chơi để tránh cho trẻ không may bị hóc dị vật đường thở. Bên cạnh đó, việc nắm vững kiến thức phòng ngừa và xử trí dị vật đường thở ở trẻ em cũng cần được chú ý để sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp, các nhân viên y tế chưa tới can thiệp.

Nếu trong quá trình trẻ hóc dị vật đường thở nghiêm trọng, các bậc cha mẹ cần chú ý lựa chọn các cơ sở Nhi khoa có chuyên môn Y tế tốt để xử trí nhanh, đúng, kịp thời, đảm bảo tiên lượng sống cho trẻ.

Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hoạt động 24/24 vào tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ 7 và Chủ nhật cũng như các ngày lễ trong năm. Theo đó, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng cấp cứu tại Khoa được đào tạo chuyên sâu, bài bản, có thể tiếp nhận và xử lý khẩn cấp các trường hợp bệnh nhân, đồng thời luôn có sự phối hợp với tất cả các chuyên khoa một cách nhanh chóng.

Với trang thiết bị hiện đại cùng với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, khoa Cấp cứu đã tiến hành cấp cứu và cứu sống những bệnh nhân nặng, phức tạp, các bệnh Nhi có dị vật đường thở tiên lượng kém. Đồng thời, người bệnh tại Khoa Cấp cứu luôn được chăm sóc phối hợp bởi nhiều chuyên khoa chuyên sâu khác (chăm sóc theo nhóm chuyên khoa - Team Base Care). Chính vì vậy, tại Khoa Cấp cứu, người bệnh sẽ được khám, chẩn đoán, chính xác, nhanh chóng mức độ tin cậy cao và được điều trị chuyên sâu ngay từ giai đoạn cấp cứu giúp người bệnh nhanh chóng qua khỏi giai đoạn nguy kịch và ổn định.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe