Dị ứng với Paracetamol phải làm sao?

Dị ứng paracetamol là một tình trạng hiếm gặp nhưng vẫn có khả năng xảy ra. Dù thuốc được đánh giá là khá an toàn và ít gây ra tác dụng phụ nhưng không phải ai cũng phù hợp để sử dụng. Do đó, khi xuất hiện các triệu chứng bất thường sau khi dùng thuốc, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. 

Được giải đáp bởi Dược sĩ Nguyễn Đỗ Quang Trung - Khoa Dược, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. 

Chào dược sĩ, em bị dị ứng với paracetamol của thuốc hạ sốt. Vậy dược sĩ cho em hỏi dị ứng với paracetamol phải làm sao? Em có thể dùng thuốc gì thay thế thuốc hạ sốt được? Em cảm ơn dược sĩ.

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Dược sĩ Nguyễn Đỗ Quang Trung - Khoa Dược, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Với câu hỏi “Dị ứng với paracetamol phải làm sao?”, dược sĩ xin giải đáp như sau:

Bạn bị dị ứng paracetamol, bạn có thể sử dụng nhóm thuốc chống viêm non steroid (NSAID) như Ibuprofen để hạ sốt. Tuy nhiên, trong bạn chưa đề cập đến mức độ của phản ứng dị ứng bạn gặp phải và vẫn có tỉ lệ nhỏ người bệnh dị ứng paracetamol gặp phản ứng với nhóm NSAID.

Do đó, bạn nên đến bệnh viện để thăm khám về tình trạng sốt, cũng như khám chuyên khoa Miễn dịch - Dị ứng để có thể lựa chọn thuốc điều trị an toàn và hiệu quả.

Dưới đây là các thông tin về tình trạng dị ứng paracetamol và các biện pháp thay thế bạn có thể tham khảo:  

1. Paracetamol là thuốc gì?

Paracetamol là một loại thuốc thường được dùng để giảm đau từ nhẹ đến trung bình, bao gồm các trường hợp như đau đầu, đau răng, đau cơ thể, đau cơ và bong gân. Thêm vào đó, thuốc cũng có tác dụng làm hạ nhiệt độ cơ thể trong các bệnh lý như cảm cúm, cảm lạnh hoặc sốt do các nguyên nhân khác.

Một trong những giải pháp đầu tiên được khuyến cáo để giảm đau mức độ nhẹ và vừa là paracetamol bởi đây là loại thuốc dễ sử dụng, dung nạp tốt, có độ an toàn cao và ít gây tác dụng phụ không mong muốn cho hầu hết các đối tượng.  

Chính vì vậy, paracetamol luôn có mặt trong tủ thuốc của hầu hết các gia đình để dự phòng các tình huống đau và sốt nhẹ. Tuy nhiên, trước khi sử dụng thuốc, người bệnh nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ hoặc dược sĩ để chắc chắn thuốc phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân.

2. Dị ứng paracetamol biểu hiện như thế nào?  

Dị ứng paracetamol cũng giống như các trường hợp dị ứng khác sẽ gây ra những triệu chứng với mức độ từ nhẹ đến nặng. Nếu gặp phải phản ứng dị ứng với thuốc, các triệu chứng dưới đây có thể xảy ra:

  • Nổi ban trên da kèm theo cảm giác ngứa.
  • Sưng tấy ở một số bộ phận trên cơ thể như mặt, mắt, lưỡi, môi...
  • Khó thở, thở gấp, nhịp thở nhanh, đặc biệt ở những người có tiền sử hen suyễn có thể dẫn đến cơn hen.

Trong những trường hợp nghiêm trọng nhất, dị ứng paracetamol có thể gây sốc phản vệ dẫn đến tử vong. Vì lý do này, khi xuất hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào nghi ngờ do sử dụng paracetamol dù là dị ứng hay những tác dụng phụ khác của thuốc, người bệnh cần phải ngừng dùng thuốc và thông báo cho bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.  

Người bệnh nên mang theo tất cả các loại thuốc bản thân đang sử dụng để bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác và kê đơn thuốc phù hợp nhất.

3. Dị ứng paracetamol thì uống thuốc gì thay thế?

Nếu phát hiện bản thân bị dị ứng với paracetamol, người bệnh cần lập tức ngừng sử dụng thuốc. Vậy, khi bị dị ứng paracetamol thì người bệnh nên dùng loại thuốc nào thay thế?  

3.1 Hạ sốt giảm đau bằng ibuprofen

Một trong những lựa chọn khi người bệnh bị dị ứng paracetamolIbuprofen thuộc nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Cơ chế của thuốc là ngăn cản cơ thể sản xuất các chất gây viêm, giúp giảm sưng, đau, viêm và sốt.

Các trường hợp như đau đầu, đau răng, đau cơ, viêm khớp, đau bụng kinh và đau vai gáy có thể được điều trị hiệu quả bằng thuốc ibuprofen. Thêm vào đó, thuốc cũng được sử dụng phổ biến để giảm sốt và đau do cảm lạnh, cảm cúm.

Tuy nhiên, người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ dẫn từ bác sĩ hoặc dược sĩ khi sử dụng để tránh tác dụng phụ không mong muốn và đảm bảo an toàn. 

Khi bị dị ứng paracetamol, người bệnh có thể dùng ibuprofen để thay thế.
Khi bị dị ứng paracetamol, người bệnh có thể dùng ibuprofen để thay thế.

3.2 Hạ sốt giảm đau bằng aspirin

Acetylsalicylic acid hay còn gọi là aspirin thuộc nhóm thuốc NSAID. Thuốc hoạt động bằng cách ức chế enzym cyclooxygenase (COX), từ đó ngừng tổng hợp các chất gây viêm, giúp giảm đau, hạ sốt và chống viêm.

Được sử dụng để giảm đau và hạ sốt ở mức độ nhẹ đến vừa, thuốc hiệu quả trong điều trị các tình trạng như đau răng, đau đầu, đau cơ và cảm lạnh thông thường. Thêm vào đó, thuốc cũng có tác dụng giảm sưng, đau liên quan đến viêm khớp, ngăn ngừa cục máu đông, giúp hạn chế nguy cơ đột quỵ và các cơn đau thắt ngực.

Mặc dù có tác dụng chữa trị nhưng thuốc lại có không ít tác dụng phụ không mong muốn. Do đó, thuốc ít khi được sử dụng với mục đích giảm đau hay hạ sốt thông thường, đặc biệt là cho trẻ em.

3.3 Các thuốc NSAID khác

Ngoài các loại thuốc đã đề cập ở trên, các thuốc giảm đau, chống viêm thuộc nhóm NSAID như piroxicam, meloxicam… cũng có khả năng giảm đau, hạ sốt trong các trường hợp như đau răng, đau đầu, cảm cúm, viêm khớp... Tuy nhiên, hiệu quả lại không cao chỉ thích hợp dùng trong thời gian ngắn và khi không còn phương án nào khác. 

Người bệnh nên đi khám bác sĩ thay vì tự ý mua thuốc điều trị.
Người bệnh nên đi khám bác sĩ thay vì tự ý mua thuốc điều trị.

Trên đây là thông tin về các loại thuốc thay thế khi bị dị ứng paracetamol. Tuy nhiên, người bệnh không nên tự ý mua thuốc vì điều này có thể làm bệnh tình nặng thêm. Trước khi sử dụng thuốc, việc khám và nhận tư vấn từ bác sĩ hoặc dược sĩ để tránh gặp phải tác dụng phụ không mong muốn là rất cần thiết.  

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe