Dị ứng thời tiết có nguy hiểm không? Câu trả lời là hoàn toàn có thể, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của phản ứng dị ứng và khả năng đáp ứng của cơ thể mỗi người. Trong trường hợp nhẹ, dị ứng thời tiết chỉ gây ra những triệu chứng như sổ mũi, hắt hơi, ngứa mắt. Tuy nhiên, ở những trường hợp nặng hơn, dị ứng có thể dẫn đến các phản ứng nghiêm trọng đe dọa tính mạng.
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Huy Toàn - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
1. Dị ứng thời tiết có nguy hiểm không?
Khi khí hậu thay đổi vào thời điểm giao mùa hoặc trong những ngày thời tiết nóng lạnh thất thường, cơ thể chúng ta thường phải đối mặt với nguy cơ dị ứng thời tiết và thắc mắc dị ứng thời tiết có nguy hiểm không. Mỗi người sẽ có phản ứng khác nhau trước những tác nhân này và biểu hiện của dị ứng sẽ phụ thuộc vào mức độ nhạy cảm của từng cá nhân.
Khi bị dị ứng thời tiết nóng, cơ thể sẽ ra mồ hôi, khiến da luôn ẩm ướt, từ đó dễ gây viêm nhiễm và làm tình trạng dị ứng trở nên nghiêm trọng hơn.
Vào mùa đông, khi nhiệt độ giảm xuống, không khí trở nên khô hanh, dễ gây ra phản ứng dị ứng, đặc biệt là nổi mẩn đỏ. Dị ứng này còn có thể xuất hiện khi trời mưa hoặc có gió lạnh.
Dị ứng thời tiết thường được nhận diện qua các dấu hiệu như nổi mề đay hoặc mẩn đỏ, khi cơ thể phản ứng với sự thay đổi của thời tiết. Bệnh có thể là cấp tính hoặc mãn tính.
Trong trường hợp dị ứng cấp tính, các triệu chứng ngứa ngáy và khó chịu có thể kéo dài từ một ngày đến dưới 6 tuần. Dị ứng thời tiết có nguy hiểm không? Câu trả lời là có. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh sẽ chuyển sang mãn tính, có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như phù nề, nhiễm trùng da, tụt huyết áp, sốc phản vệ và thậm chí dẫn đến tử vong.
2. Biểu hiện của dị ứng thời tiết
Những người có cơ địa dị ứng, khi tiếp xúc với các tác nhân môi trường như thời tiết thay đổi, phấn hoa hay mưa, sẽ gặp phải các triệu chứng dị ứng thời tiết dưới đây:
2.1 Phát ban
Dị ứng thời tiết xuất hiện dưới dạng các mẩn đỏ trên da, thường thấy ở tay, chân và mặt. Những nốt mẩn này gây cảm giác ngứa ngáy, khiến người bị dị ứng gãi và khiến vết phát ban lan rộng hơn, tạo thành từng đám nổi trên da.
2.2 Sưng rộp tấy đỏ
Dị ứng thời tiết có thể khiến da bị mẩn đỏ hay mề đay, đồng thời làm vùng da bị sưng, nhất là những phần tiếp xúc trực tiếp với môi trường ngoài.
2.3 Viêm mũi
Khi bị dị ứng với thời tiết, người bệnh sẽ có các triệu chứng như hắt hơi, chảy nước mũi và đau đầu.
2.4 Nổi mề đay cấp tính
Triệu chứng này đặc trưng cho bệnh dị ứng thời tiết, đặc biệt khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng. Nổi mề đay cấp tính là tình trạng nổi mề đay lan rộng nhanh chóng trên cơ thể, gây khó thở, tụt huyết áp đột ngột, sốc phản vệ và có nguy cơ dẫn đến tử vong.
3. Dị ứng thời tiết bao lâu thì khỏi?
Dị ứng thời tiết bao lâu thì khỏi phụ thuộc rất nhiều vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, từ nhẹ đến mãn tính.
- Dị ứng thời tiết nhẹ: Với các triệu chứng nhẹ và không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày, bệnh thường cải thiện rõ rệt sau 1-2 ngày điều trị đúng cách.
- Dị ứng thời tiết cấp tính: Các triệu chứng nghiêm trọng hơn nhưng chưa để lại biến chứng lâu dài. Thời gian hồi phục thường kéo dài khoảng 1 tuần.
- Dị ứng thời tiết mãn tính: Đây là tình trạng nghiêm trọng nhất, khó điều trị dứt điểm và có nguy cơ tái phát cao. Thời gian hồi phục kéo dài và bệnh nhân thường phải dùng thuốc duy trì.
4. Dị ứng thời tiết kiêng gì?
Ngoài việc sử dụng các loại thuốc điều trị dị ứng thời tiết như thuốc kháng histamin, thuốc ức chế thụ thể H2, doxepin, Prednisolone, Corticoid, thì thay đổi thói quen sinh hoạt và hiểu rõ những điều cần tránh khi bị dị ứng thời tiết cũng góp phần quan trọng trong việc điều trị bệnh hiệu quả. Những thói quen cần duy trì bao gồm:
- Hãy bổ sung nhiều nước ép trái cây vào chế độ ăn uống để nâng cao sức đề kháng của cơ thể, giúp bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân dị ứng từ môi trường bên ngoài.
- Tránh sử dụng thuốc lá và các loại đồ uống có cồn như bia và rượu, đồng thời hạn chế tiếp xúc với khói thuốc, bụi bẩn, phấn hoa.
- Cần giữ cho cơ thể ở nhiệt độ ổn định để tránh bị sốc nhiệt do thay đổi nhiệt độ đột ngột.
- Thực phẩm giàu vitamin C như rau xanh, trái cây là lựa chọn tuyệt vời, kết hợp uống đủ nước để điều hòa cơ thể.
- Tăng cường sức đề kháng bằng các bài tập thể dục hợp lý và đều đặn.
- Ngoài ra, mọi người có thể bổ sung các viên uống bổ sung vitamin B1, B6, B12 để cải thiện sức khỏe.
- Mọi người cần hạn chế làm việc ngoài trời nắng quá lâu để tránh mồ hôi tiết ra nhiều. Trong mùa đông, hãy mặc đủ ấm và bảo vệ những vùng nhạy cảm như đầu.
- Hãy tránh những nơi ồn ào để ngăn ngừa hạ huyết áp và đau đầu.
- Khi da bắt đầu xuất hiện các triệu chứng dị ứng như sẩn ngứa, mọi người cần phải vệ sinh kỹ lưỡng các vùng da bị ảnh hưởng và đến gặp bác sĩ ngay nếu có dấu hiệu bất thường.
- Hạn chế cào hay ma sát mạnh vào vùng da bị dị ứng, vì có thể dẫn đến nhiễm trùng hoặc viêm da.
- Lựa chọn quần áo nhẹ nhàng, mềm mại và thấm mồ hôi để hạn chế việc da bị cọ xát và tránh để tình trạng dị ứng lan rộng.
- Những người bị viêm xoang mũi dị ứng nên đeo khẩu trang khi ra ngoài và tránh tiếp xúc với động vật.
- Ngoài ra, mọi người nên kiêng các thực phẩm có khả năng gây dị ứng như hải sản, nhộng và đậu phộng.
Với những người khi tìm hiểu dị ứng thời tiết có nguy hiểm không thì câu trả lời là có. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, dị ứng thời tiết có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng. Để phòng ngừa tình trạng này, bệnh nhân cần sử dụng thuốc, điều chỉnh thói quen sinh hoạt và tránh các thực phẩm hay chất gây dị ứng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.