Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là tình trạng nhân nhầy đĩa đệm thoát ra ngoài bao xơ, chèn ép rễ thần kinh hoặc tủy sống, gây đau nhức vùng cổ, vai gáy, tê bì lan xuống cánh tay, ngón tay, thậm chí liệt nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh lý này có thể gặp ở mọi lứa tuổi nên mọi người cần thăm khám sớm khi có các dấu hiệu bất thường để phòng ngừa biến chứng nguy hiểm.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là gì?
Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ xảy ra khi phần nhân nhầy của đĩa đệm bị trồi ra khỏi bao xơ, chèn ép vào rễ thần kinh và tủy sống ở vùng cổ, khiến bệnh nhân thấy đau nhức, cơn đau lan tỏa dọc theo dây thần kinh, ảnh hưởng đến cả cánh tay, bàn tay và ngón tay.
Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ không chỉ gặp ở người trên 40 tuổi mà có thể xuất hiện ở bất kỳ ai. Do hệ thống thần kinh và mạch máu đĩa đệm tại các đốt sống cổ kém phát triển, ít được nuôi dưỡng, lão hóa sớm dẫn đến nhân nhầy thoát ra ngoài bao xơ nên bệnh thường diễn ra sớm.
2. Nguyên nhân gây bệnh
Thoát vị đĩa đệm cổ xảy ra do 3 nguyên nhân chính:
- Do tuổi tác, lão hóa tự nhiên theo thời gian, hoặc do chịu áp lực quá mức từ phần đầu của cột sống.
- Do các bệnh lý chuyển hóa, bệnh lý miễn dịch, và các vấn đề cơ học.
- Do di truyền trong gia đình.
3. Dấu hiệu thoát vị đĩa đệm cột sống cổ
Dấu hiệu thoát vị đĩa đệm cột sống cổ thường gặp:
- Bệnh khởi đầu bằng cảm giác đau nhức mỏi vùng cổ, khiến người bệnh vận động khó khăn, nhất là sau khi ngủ dậy.
- Bệnh nhân cảm thấy đau nhức và co cứng cơ vùng cổ, cơn đau tăng mạnh khi giữ nguyên tư thế cổ thẳng hoặc cúi người lâu.
- Thấy đau khi ấn vào các điểm cạnh cột sống cổ.
- Cơn đau dữ dội lan khắp vùng gáy, có thể lan lên đầu hoặc xuống vai gáy, kèm theo cảm giác rát bỏng. Đau có thể nông hoặc sâu, mức độ đau tăng khi vận động, khiến người bệnh hạn chế các cử động xoay, gập, duỗi hay nghiêng cổ.
- Bệnh nhân có biểu hiện đau kiểu rễ thần kinh vùng cổ, cơn đau tăng khi gắng sức, kèm theo tê bì ở bàn tay và ngón tay, có thể xuất hiện một hoặc cả hai bên.
- Bệnh nhân mắc hội chứng động mạch đốt sống với biểu hiện nhức đầu, đặc biệt ở vùng chẩm, thái dương, trán và 2 bên hốc mắt, kèm theo chóng mặt, ù tai, giảm thị lực, khó nuốt, đau tai và vùng sau tai.
- Bệnh nhân mắc hội chứng chèn ép tủy với biểu hiện đi không vững, dị cảm, teo cơ chi trên, yếu liệt chi trên hoặc chi dưới. Ngoài ra, rối loạn cơ tròn và tăng phản xạ gân xương cũng thường gặp ở những bệnh nhân này.
4. Phương pháp chẩn đoán
Ngoài các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ có thể sử dụng các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cổ. Một số xét nghiệm thường được sử dụng bao gồm:
- Hình ảnh X-quang cột sống cổ tư thế thẳng, nghiêng hoặc chếch 3/4 cho thấy cột sống cổ mất đường cong sinh lý tự nhiên, xuất hiện gai xương đốt sống cổ, hình ảnh đặc xương dưới sụn - biểu hiện của áp lực đè ép lên xương, lỗ liên hợp bị thu hẹp.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT) cột sống cổ nhằm đánh giá chính xác tình trạng chèn ép rễ thần kinh và các tổ chức trong ống sống.
- Kết quả chụp cộng hưởng từ MRI cột sống cổ cho thấy chiều cao các đĩa đệm bị thấp hơn so với đĩa đệm bình thường, đồng thời có dấu hiệu bất thường ở xương dưới sụn. Nhờ kỹ thuật này, bác sĩ có thể xác định chính xác vị trí thoát vị đĩa đệm cổ, từ đó hỗ trợ việc phẫu thuật lấy nhân đệm khi cần thiết.
5. Bệnh thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ có nguy hiểm không?
Thoát vị đĩa đệm cổ ngày càng phổ biến, nhưng lại có nhiều người chủ quan và không điều trị kịp thời, càng trì hoãn điều trị thì càng có nguy cơ dẫn đến biến chứng nghiêm trọng. Các biến chứng thường gặp bao gồm:
- Thiếu máu não: Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ có thể ảnh hưởng đến hệ động mạch đốt sống, làm cản trở quá trình lưu thông máu lên não, dẫn đến thiếu máu não.
- Hẹp ống sống cổ: Biểu hiện qua tình trạng đau mỏi vai gáy, tê yếu tay chân. Cơn đau thường có xu hướng giảm khi nằm hoặc thả lỏng cơ thể, nhưng sẽ tăng lên khi bệnh nhân thẳng lưng lâu.
- Liệt vĩnh viễn: Việc tiếp tục để đĩa đệm chèn ép tủy sống cổ sẽ khiến các triệu chứng như đau nhức, tê bì tứ chi và suy giảm sức mạnh cơ bắp không chỉ diễn ra dai dẳng mà còn có nguy cơ gia tăng mức độ nghiêm trọng, dẫn đến liệt vĩnh viễn.
6. Biện pháp điều trị
- Thuốc giảm đau: Nhóm thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) bao gồm naproxen, ibuprofen và thuốc ức chế men COX-2 được bác sĩ kê đơn để giúp bệnh nhân giảm đau nhức dai dẳng ở vùng cổ, vai gáy và đầu.
- Trị liệu thần kinh cột sống: Phương pháp này sử dụng tay tác động lực, điều chỉnh cấu trúc sai lệch của khớp và đĩa đệm, giảm chèn ép dây thần kinh.
- Vật lý trị liệu phục hồi chức năng: Vật lý trị liệu phục hồi chức năng kết hợp cùng các thiết bị hiện đại như Vertetrac, Shockwave, DTS không chỉ thúc đẩy quá trình chữa lành mà còn nâng cao hiệu quả phục hồi tổn thương mô.
- Phẫu thuật: Phẫu thuật sẽ thích hợp với các trường hợp nghiêm trọng, khi các biện pháp điều trị bảo tồn không hiệu quả và thường được áp dụng khi bệnh nhân có triệu chứng đau nhức dai dẳng từ 6 đến 12 tuần.
7. Cách phòng ngừa
Thoát vị đĩa đệm tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm, quá trình phục hồi cũng rất khó khăn và có khả năng tái phát cao, ngay cả sau khi điều trị thành công. Do đó, để bảo vệ sức khỏe bản thân khỏi căn bệnh này, hãy chủ động phòng ngừa ngay từ đầu bằng cách xây dựng lối sống lành mạnh, bao gồm:
- Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên với cường độ vừa phải.
- Giữ cho cân nặng ở mức độ phù hợp.
- Ngồi, nằm và di chuyển đúng tư thế.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học.
- Hãy từ bỏ thói quen hút thuốc lá và hạn chế tối đa việc sử dụng các thức uống có cồn như bia, rượu.
- Hãy dành thời gian cho việc khám sức khỏe định kỳ.
Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ tiềm ẩn nguy cơ biến chứng nặng nề hơn so với thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, do ảnh hưởng trực tiếp đến cả rễ thần kinh và tủy sống, có nguy cơ gây yếu liệt tứ chi nếu không phát hiện sớm. Do vậy, người bệnh nên tránh chủ quan khi có dấu hiệu thoát vị đĩa đệm cổ và hãy đến ngay cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
XEM THÊM