Dấu hiệu và biến chứng của thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ

Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ là vấn đề sức khỏe ngày càng tăng trong những năm gần đây, gây đau nhức dai dẳng ở cổ, vai gáy, lan xuống cánh tay, kèm theo tê bì hoặc mất cảm giác. Cơn đau có thể trở nên dữ dội, khiến người bệnh bị hạn chế vận động, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và công việc.  

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ là gì?

1.1 Tổng quan về thoát vị đĩa đệm

Cấu tạo cột sống người bao gồm 24 đốt sống xếp từ vùng cổ đến thắt lưng. Giữa các đốt sống này là các đĩa đệm giúp nâng đỡ cột sống và cơ thể dễ dàng vận động, giảm bớt rung xóc, đồng thời bảo vệ cột sống khỏi chấn thương.

Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi các bao xơ bị yếu đi, khiến nhân nhầy thoát ra và đĩa đệm lệch khỏi vị trí trong các đốt sống, chèn ép tủy sống hoặc rễ thần kinh xung quanh, khiến người bệnh đau đớn.

1.2 Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ

Do đặc thù vận động thường xuyên và chịu áp lực lớn, cột sống cổ là nơi dễ tổn thương và xảy ra tình trạng thoát vị đĩa đệm. Trong số các vị trí, đốt sống cổ C5 C6 là nơi thường gặp hiện tượng này nhất, dẫn đến đau nhức vùng cổ gáy. 


Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ gây nên tình trạng đau cổ gáy.
Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ gây nên tình trạng đau cổ gáy.

Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ xuất phát từ nhiều yếu tố, bao gồm:

  • Chấn thương.
  • Ngồi, nằm hoặc làm việc sai tư thế.
  • Theo thời gian, sợi collagen bị lão hóa.
  • Vận động quá sức.
  • Tư thế làm việc gò bó, rung lắc thường xuyên.

Theo cơ chế sinh học, đĩa đệm sau khi thoát vị sẽ không thể phục hồi hoàn toàn về trạng thái ban đầu kể cả sau phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu được điều trị đúng cách, người bệnh hoàn toàn có thể phục hồi chức năng lên đến 80-90%.

2. Dấu hiệu thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ

2.1 Dấu hiệu lâm sàng

  • Đau nhức diện rộng bắt đầu từ một hoặc hai đốt sống cổ, sau đó lan ra vai, cánh tay hoặc lên sau đầu và hốc mắt.
  • Cảm giác tê ngứa ở tay và chân do thoát vị có thể xuất hiện theo hai dạng chính, tùy thuộc vào vị trí chèn ép: Thoát vị chèn ép vào tủy sống sẽ gây tê ngứa lan tỏa từ cổ xuống toàn thân, gồm cả tay và chân. Khi khối thoát vị chỉ chèn ép dây thần kinh, cảm giác tê ngứa sẽ chỉ xuất hiện ở cánh tay, bàn tay và ngón tay.
  • Hạn chế vận động:  
    • Cổ và cánh tay: Hạn chế cử động, không thể đưa tay ra sau lưng hoặc giơ cao, gặp khó khăn khi cúi ngửa hoặc quay cổ.
    • Đi lại: Khó khăn khi đi bộ, cảm giác căng cứng ở bắp chân.
  • Yếu cơ do chèn ép tủy sống bởi khối đĩa đệm thường ảnh hưởng đến cơ chân trước cơ tay. Biểu hiện ban đầu là đi lại mất thăng bằng, dáng đi xiêu vẹo. Khi tình trạng nặng hơn, cơ đùi và bắp chân run lên khi vận động gắng sức.
  • Một số người có thể gặp các triệu chứng như đau một bên lồng ngực, táo bón, khó tiểu và khó thở, tuy nhiên đây chỉ là những biến chứng nhẹ của thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ.  
Dấu hiệu lâm sàng thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ là đau một bên lồng ngực.
Dấu hiệu lâm sàng thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ là đau một bên lồng ngực.

Do dấu hiệu bệnh không phải lúc nào cũng rõ ràng. Để chẩn đoán chính xác, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế uy tín để chụp cộng hưởng từ MRI.

2.2 Triệu chứng cận lâm sàng

Kết quả chụp MRI cho thấy các vấn đề sau ở cột sống cổ:

  • Đĩa đệm bị lệch vị trí, có thể chèn ép ra trước, sau hoặc vào thân đốt sống.
  • Khối nhân nhầy bên trong đĩa đệm bị thoát ra khỏi vị trí bình thường.
  • Cột sống cổ bị cong vẹo, dẫn đến tình trạng tam chứng Barr (chiều cao đốt sống giảm).
  • Rễ dây thần kinh hoặc tủy sống bị chèn ép.

2.3 Dấu hiệu tăng theo cấp độ

Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ biểu hiện theo 3 cấp độ, tương ứng với mức độ và tần suất triệu chứng tăng dần theo diễn biến bệnh.

  • Cấp độ 1: Bệnh nhân khởi phát với triệu chứng cổ cứng, xoay chuyển khó khăn, đau nhẹ khi cúi xuống. Cơn đau sau đó lan xuống vai, tăng nặng khi vận động mạnh và tiếp tục tiến triển theo thời gian.
  • Cấp độ 2: Nguyên nhân không rõ ràng. Cơn đau nhức xuất hiện ở vùng gáy, lan ra sau đầu và tai. Bệnh nhân cảm thấy vướng víu, khó khăn khi vận động cổ, thậm chí có thể bị vẹo cổ.
  • Cấp độ 3: Đau nhức ở vùng chẩm, trán, lan từ gáy xuống bả vai. Một bên hoặc cả hai cánh tay đau nhức và tê bì, kèm theo mất cảm giác linh hoạt của bàn tay. Thỉnh thoảng bệnh nhân bị nấc cụt, chảy nước mắt khi ngáp và chóng mặt khi vận động.

3. Biến chứng nguy hiểm có thể gặp

Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ gây ảnh hưởng đến khả năng xoay cổ, khiến đầu cử động kém linh hoạt. Đau cánh tay do bệnh lý này thường được điều trị bằng thuốc và các biện pháp điều trị bảo tồn không phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu bỏ qua giai đoạn đầu điều trị, người bệnh có thể gặp biến chứng nguy hiểm.

  • Tàn phế suốt đời: Thoát vị đĩa đệm cổ chèn ép tủy sống có thể dẫn đến di chứng liệt vĩnh viễn.
  • Hẹp ống sống: Hẹp ống sống do thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ dẫn đến nhiều triệu chứng, từ nhẹ đến nặng, bao gồm: đau đốt sống cổ dữ dội, đau hoặc tê ở vai, bả vai, cánh tay, yếu cơ. Các triệu chứng này tương tự như đau thần kinh tọa. Cơn đau thường giảm bớt khi người bệnh cúi gập người hoặc nằm xuống, giúp giảm áp lực lên vùng cổ vai. Tuy nhiên, khi trở lại tư thế thẳng, cơn đau sẽ quay trở lại.
  • Thiếu máu não, thiểu năng tuần hoàn não: Khi đĩa đệm cột sống bị thoái hóa và di chuyển ra khỏi vị trí bình thường, chúng có thể chèn ép lên hệ thống động mạch đốt sống thân, gây thiếu máu lên não.
  • Chèn ép rễ thần kinh cánh tay: Các rễ thần kinh cổ bắt nguồn từ tủy sống và đi qua các lỗ liên hợp. Khi đĩa đệm bị lệch khỏi vị trí bình thường, chúng có thể chèn ép lên tủy sống hoặc các lỗ liên hợp, dẫn đến chèn ép các rễ thần kinh ở đây. Điều này gây ra triệu chứng đau mỏi vai gáy, co cơ lan truyền xuống một hoặc cả hai bên cánh tay, kèm theo tê bì hoặc teo cơ cánh tay.
  • Hội chứng chèn ép tủy: Rối loạn vận động, rối loạn cảm giác dù chỉ đau nhẹ hoặc không đau.
  • Hội chứng rối loạn thần kinh thực vật: Chóng mặt, ù tai, mất thăng bằng, đau hốc mắt, mờ mắt theo cơn, đột ngột bị đỏ mặt vã mồ hôi, hạ huyết áp, tăng nhu động ruột, đau ngực theo cơn, khó nuốt do thực quản bị chèn ép.
  • Đau lan rộng: Đau nhức dữ dội khởi phát từ cột sống, lan dọc theo toàn bộ lưng xuống tận mông, đùi và cẳng chân, khiến các bộ phận này trở nên yếu ớt và hạn chế vận động. 
Khi đĩa đệm thoát ra khỏi vị trí bình thường sẽ chèn ép lên hệ thống động mạch đốt sống thân nên gây ra thiếu máu cho não.
Khi đĩa đệm thoát ra khỏi vị trí bình thường sẽ chèn ép lên hệ thống động mạch đốt sống thân nên gây ra thiếu máu cho não.

Để tránh những biến chứng nguy hiểm trong tương lai, việc điều trị bệnh cần được thực hiện kịp thời và dứt điểm. Do đó, người bệnh nên lựa chọn khám và điều trị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ tại các bệnh viện uy tín để đảm bảo chất lượng và hiệu quả.

4. Biện pháp điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

4.1 Thuốc giảm đau

Nhóm thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), bao gồm các loại phổ biến như naproxen, ibuprofen và thuốc ức chế men COX-2, được bác sĩ chỉ định để giảm đau, giảm viêm hiệu quả cho các cơn đau nhức dai dẳng ở khu vực cổ, vai gáy và đầu.

4.2 Trị liệu thần kinh cột sống

Mặc dù thuốc giảm đau giúp giảm bớt cảm giác khó chịu tạm thời nhưng nếu lạm dụng, sử dụng thuốc thường xuyên và kéo dài sẽ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, nhất là gan, thận, dạ dày và các cơ quan nội tạng quan trọng khác do tác dụng phụ đi kèm.

Trị liệu thần kinh cột sống được xem là phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ hiệu quả nhất ở các nước châu Âu và Hoa Kỳ, được đánh giá cao bởi tính chuyên sâu và hiệu quả.

Hơn 80% bệnh nhân sau liệu trình cho biết chất lượng cuộc sống được cải thiện rõ rệt. Bác sĩ chuyên khoa sẽ thực hiện các thao tác nắn chỉnh bằng tay nhẹ nhàng để điều chỉnh cấu trúc sai lệch của khớp và đĩa đệm, giảm chèn ép dây thần kinh, đồng thời giúp cơ thể tự phục hồi và cân bằng.

4.3 Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu phục hồi chức năng sử dụng các thiết bị hiện đại như Vertetrac, Shockwave, DTS để hỗ trợ quá trình chữa lành và phục hồi các mô bị tổn thương hiệu quả hơn.

4.4 Phẫu thuật

Như đã nói ở trên, bệnh nhân có thể cải thiện thoát vị đĩa đệm cột sống cổ bằng các phương pháp điều trị bảo tồn như thuốc giảm đau, chống viêm, vật lý trị liệu,... Chỉ khi các biện pháp này không hiệu quả sau 6-12 tuần, phẫu thuật mới được xem xét. Tuy nhiên, cần lưu ý là đây chỉ là giải pháp cuối cùng, chỉ chiếm tỷ lệ 5% trong tổng số ca điều trị.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ uy tín để khám và điều trị các vấn đề về cột sống. Với đội ngũ bác sĩ cơ xương khớp được đào tạo bài bản, giàu chuyên môn, trang thiết bị hiện đại, cùng chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp, Vinmec mang đến hiệu quả chẩn đoán và điều trị cao cho bệnh nhân.

Bệnh viện sở hữu hệ thống máy móc tiên tiến như MRI 3.0, CT 640 slices, chụp mạch máu não,... giúp chẩn đoán chính xác các bệnh lý về não và cột sống. Vinmec còn áp dụng các phương pháp điều trị tiên tiến nhất trên thế giới, kết hợp với phòng phục hồi chức năng đạt chuẩn quốc tế, giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng và hiệu quả. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe