Canxi là một khoáng chất thiết yếu giúp cho xương và răng khỏe mạnh. Ngoài ra, canxi cũng đóng một vai trò chính yếu trong các quá trình chuyển hóa của cơ thể, điều chỉnh nhịp tim và vận động cơ bắp. Vì vậy, để thực hiện những chức năng quan trọng hàng này, cơ thể phải làm việc để giữ một lượng canxi ổn định trong máu và các mô. Việc thiếu canxi hay thừa canxi đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.
1. Canxi là gì?
Canxi là một khoáng chất quan trọng với vai trò chủ yếu đối với sức khỏe của hệ xương trong cơ thể. Ngoài ra, canxi ở dạng ion cũng là một chất có chức năng về mặt dẫn truyền tính hiệu điện học, giúp duy trì nhịp tim, vận động cơ.
Chính vì những lợi ích sức khỏe nói trên, canxi là một trong những chất khoáng, vitamin được bổ sung bán chạy nhất trong các loại thực phẩm chức năng.
2. Lợi ích sức khỏe của canxi
Canxi là đóng vai trò như “cửa ngõ mấu chốt” để phát triển mô xương mới và giữ cho xương luôn được chắc khỏe. Thuốc bổ sung canxi là thành phần chủ lực trong điều trị và ngăn ngừa loãng xương, chứng bệnh làm cho xương yếu đi và dễ gãy, thường gặp ở nữ giới từ sau tuổi mãn kinh.
Ngoài ra, canxi còn có nhiều công dụng khác, bởi đây là một thành phần trong nhiều loại thuốc kháng axit. Các bác sĩ cũng sử dụng canxi để kiểm soát nồng độ cao quá mức của magiê, phốt pho và kali trong máu. Nhiều bằng chứng xác thực rằng canxi có thể giúp ngăn ngừa hoặc kiểm soát tình trạng huyết áp cao. Đồng thời, cũng có một số dữ liệu cho thấy canxi còn có thể đóng một vai trò trong việc ngăn ngừa một số bệnh lý ung thư. Ví dụ, một số nghiên cứu cho thấy rằng canxi khi kết hợp cùng với vitamin D có thể giúp bảo vệ phụ nữ tiền mãn kinh khỏi ung thư vú. Ngoài ra, canxi cũng đã được nghiên cứu như một chất hỗ trợ giảm cân, dù kết quả này chỉ mới được tìm ra trong số ít các nghiên cứu.
Những người có nồng độ canxi thấp trong cơ thể, nhất là phụ nữ sau mãn kinh là những đối tượng cần được chủ động bổ sung canxi. Theo đó, các sản phẩm từ sữa là một trong những nguồn cung cấp canxi phổ biến nhất, những người không dung nạp lactose hoặc ăn chay trường cũng có thể có nguy cơ thiếu canxi do không nhận đủ lượng canxi cần thiết trong ngày.
3. Liều lượng canxi thiết yếu
Nhiều hướng dẫn đã được đưa ra nhằm khuyến cáo tiêu chuẩn canxi cho phép dung nạp hàng ngày trong chế độ ăn uống thông thường. Đây chính là nguồn canxi tự nhiên được khuyến khích để giúp cho xương luôn khỏe mạnh. Tuy nhiên, tùy vào từng đối tượng, các bác sĩ có thể đề nghị liều bổ sung canxi cao hơn.
Theo đó, mức tiêu thụ có thể chấp nhận được đối với bổ sung canxi theo tuổi như sau:
- Trẻ sơ sinh 0-6 tháng: 1.000 mg / ngày
- Trẻ nhũ nhi 7-12 tháng: 1.500 mg / ngày
- Trẻ em 1-8 tuổi: 2.500 mg / ngày
- Trẻ em / thiếu niên 9-18 tuổi: 3.000 mg / ngày
- Người lớn 19-50 tuổi: 2.500 mg / ngày
- Người lớn trên 51 tuổi: 2.000 mg / ngày
Phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú là đối tượng nên bổ sung canxi tích cực, tuy nhiên lượng canxi không cần lượng vượt quá các khuyến nghị ở trên.
Tốt nhất bạn nên bổ sung từ các thực phẩm giàu canxi. Để hấp thu tốt hơn, không nên dùng quá 500 miligam canxi cùng một lúc, thay vào đó bạn nên chia nhỏ liều lượng trong ngày. Để cơ thể sử dụng canxi hợp lý, bạn cũng cần bổ sung đủ vitamin D và magie.
4. Dấu hiệu của thiếu canxi
Nồng độ canxi trong máu được điều chỉnh chặt chẽ, sau đó xương sẽ giải phóng canxi vào máu nếu chế độ ăn uống không cung cấp đủ nên người bệnh thường không có triệu chứng. Tuy nhiên, khi sự thiếu hụt canxi trở nên nghiêm trọng hơn, người bệnh sẽ rơi vào tình trạng hạ canxi máu. Đây có thể là hệ quả của các bệnh lý như suy thận, phẫu thuật đường tiêu hóa như cắt dạ dày hoặc các loại thuốc như thuốc lợi tiểu làm cản trở sự hấp thu canxi.
Theo đó, các triệu chứng của thiếu canxi làm hạ canxi máu biểu hiện như sau:
- Chuột rút hoặc yếu cơ
- Tê hoặc ngứa ran ở các ngón tay
- Nhịp tim bất thường
- Kém ăn
Sự thiếu hụt canxi sẽ bắt đầu từ từ rồi tăng dần, có thể xảy ra ở những người không có đủ canxi trong chế độ ăn và trong thời gian dài hoặc những người mất khả năng hấp thụ canxi. Giai đoạn đầu tiên của quá trình mất xương được gọi là chứng loãng xương, nếu không được điều trị sẽ dẫn đến loãng xương. Ví dụ cụ thể về những người có nguy cơ bao gồm:
- Phụ nữ sau mãn kinh: Mãn kinh làm giảm lượng estrogen trong cơ thể, một loại hormone giúp tăng hấp thu canxi và giữ lại khoáng chất trong xương. Đôi khi bác sĩ có thể kê đơn liệu pháp thay thế hormone bằng estrogen và progesterone tổng hợp để ngăn ngừa loãng xương.
- Vô kinh: Tình trạng kinh nguyệt ngừng sớm hoặc bị gián đoạn thường gặp ở phụ nữ trẻ mắc chứng chán ăn tâm thần hoặc các vận động viên tập luyện thể chất ở mức độ rất cao.
- Dị ứng sữa hoặc không dung nạp lactose: Xảy ra khi cơ thể không thể tiêu hóa đường trong sữa, lactose hoặc các protein trong sữa, casein hoặc whey. Không dung nạp lactose có thể do di truyền hoặc mắc phải (không tiêu thụ lactose trong thời gian dài có thể làm giảm hiệu quả của enzym lactase).
5. Dấu hiệu của ngộ độc canxi
Khi có quá nhiều canxi trong máu được gọi là tăng canxi huyết. Giới hạn trên đối với canxi là 2.500 mg mỗi ngày từ thực phẩm và chất bổ sung. Những người trên 50 tuổi không nên dùng quá 2.000 mg mỗi ngày, đặc biệt là từ các chất bổ sung canxi. Nguyên nhân là vì có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh như sỏi thận, ung thư tuyến tiền liệt và táo bón.
Ngoài ra, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng ở một số người, canxi có thể tích tụ trong mạch máu với liều lượng cao lâu dài và có thể gây ra các vấn đề về tim. Bên cạnh đó, canxi cũng là một khoáng chất lớn có thể ngăn chặn sự hấp thụ các khoáng chất khác như sắt và kẽm.
Một số các triệu chứng của tăng canxi máu hay ngộ độc canxi như sau:
- Suy nhược, mệt mỏi
- Buồn nôn, ói mửa
- Hụt hơi
- Đau ngực
- Tim đập nhanh, nhịp tim không đều
Tóm lại, cơ thể nhận được lượng canxi cần thiết theo hai cách. Một là từ các loại thực phẩm hoặc chất bổ sung có chứa canxi, hai là lấy canxi từ trong chính các mô giàu canxi trong cơ thể. Vì canxi có sẵn trong nhiều loại thực phẩm như sữa, chế phẩm từ sữa, rau xanh, trái cây, ngũ cốc,... nên chế độ ăn giàu canxi luôn được khuyến khích cho mọi người. Duy trì chế độ dinh dưỡng phù hợp vừa đảm bảo bổ sung canxi một cách tự nhiên, vừa tránh nguy cơ ngộ độc canxi nếu tự bổ sung quá liều.
Việc thiếu hay thừa canxi đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý. Vì thế, để tránh tình trạng thiếu hay ngộ độc canxi bạn chỉ nên bổ sung với liều lượng thích hợp theo đúng khuyến cáo hoặc theo chỉ định của bác sĩ.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ thăm khám, điều trị và phòng ngừa các bệnh lý, trong đó có chuyên khoa Dinh dưỡng. Khi thực hiện quy trình thăm khám tại Vinmec, Quý khách hàng sẽ được đón tiếp và sử dụng cơ sở vật chất, hệ thống máy móc hiện đại đi kèm với các dịch vụ y tế hoàn hảo dưới sự chỉ dẫn, tư vấn của các bác sĩ giỏi, được đào tạo bài bản ở cả trong và ngoài nước.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: hsph.harvard.edu, webmd.com