Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Viêm đường tiết niệu có thể gặp ở bất kỳ ai, nhưng sẽ là vấn đề nghiêm trọng nếu viêm đường tiết niệu khi mang thai gây biến chứng sinh non, sinh con nhẹ cân.
1. Tại sao khi mang thai lại hay viêm đường tiết niệu
Lý do đầu tiên chính là sự thay đổi hormone. Khi mang thai, sự thay đổi hormone tác động lên hệ tiết niệu, khiến người phụ nữ khi mang thai dễ bị viêm tiết niệu.
Nguyên nhân thứ hai là do sự phát triển của tử cung. Tử cung lớn lên về kích thước, đè lên bàng quang, tăng áp lực lên bàng quang. Điều này dẫn tới khó giải phóng hết lượng nước tiểu trong bàng quang khi đi tiểu, và nước tiểu tồn dư chính là yếu tố thuận lợi cho nhiễm khuẩn.
2. Triệu chứng viêm đường tiết niệu khi mang thai
Nếu bị viêm đường tiết niệu khi mang thai, các triệu chứng có thể xuất hiện là:
- Cảm giác muốn đi tiểu ngay lập tức, không thể nhịn tiểu, buồn tiểu và đi tiểu liên tục.
- Tiểu khó.
- Cảm giác bỏng rát hoặc đau buốt ở khu vực lưng dưới hoặc bụng dưới.
- Cảm giác bỏng rát khi đi tiểu.
- Nước tiểu sẫm màu hoặc có mùi bất thường.
3. Làm thế nào để phòng tránh viêm đường tiết niệu khi mang thai?
Phòng tránh viêm đường tiết niệu khi mang thai khá đơn giản, hãy làm theo những hướng dẫn sau:
- Uống ít nhất 8 ly nước mỗi ngày.
- Khi vệ sinh khu vực sinh dục luôn nhớ lau từ phía trước ra phía sau, không được làm ngược lại để tránh đưa vi khuẩn từ khu vực gần hậu môn tới gây viêm nhiễm.
- Nếu cần sử dụng chất bôi trơn khi quan hệ tình dục, hãy nhớ chọn chất bôi trơn gốc nước.
- Không thụt rửa.
- Tránh sử dụng các chất khử mùi hoặc xà bông gây kích thích.
- Vệ sinh khu vực sinh dục với nước ấm trước khi quan hệ tình dục.
- Mặc đồ lót rộng, thoáng mát, thấm mồ hôi tốt, như đồ lót chất liệu cotton.
- Khi tắm nên sử dụng vòi hoa sen, không nên dùng bồn tắm.
- Không mặc quần quá chật.
4. Làm gì khi không may bị viêm đường tiết niệu khi mang thai?
Nếu bị viêm đường tiết niệu khi mang thai, hãy tới thăm khám bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu để xác định mức độ viêm nhiễm cũng như tìm ra nguyên nhân gây viêm.
Việc điều trị cũng khá đơn giản, thông thường chỉ cần uống kháng sinh từ 3 - 7 ngày theo chỉ định của bác sĩ. Có rất nhiều kháng sinh có thể sử dụng an toàn trong thai kỳ như: amoxicillin, erythromycin, hay penicillin, và chắc chắn bác sĩ sẽ không chỉ định những thuốc ảnh hưởng tới thai nhi. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể kê thêm những thuốc giúp giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu.
Nếu tuân thủ điều trị, các triệu chứng sẽ giảm dần trong 3 ngày. Tuy nhiên cần uống thuốc đúng và đủ theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự dừng thuốc dù đã hết triệu chứng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com