Hiện tượng khớp gối bị sưng đau, cảm giác co thắt hoặc co cứng ở một hoặc cả hai bên đầu gối là vấn đề phổ biến xuất hiện ở nhiều nhóm đối tượng, không chỉ riêng những người lớn tuổi. Triệu chứng này gọi chung là khô khớp gối. Nếu không được theo dõi và điều trị, bệnh khô khớp gối có thể dẫn đến nguy cơ bị biến dạng khớp gối, dễ tàn tật.
1. Tổng quan về khô khớp gối
Khô khớp gối là tình trạng khớp bị giảm hoặc không thể tiết dịch nhầy khiến đầu gối co cứng, khó vận động, thường xuyên phát ra tiếng lục cục hay lạo xạo khi co duỗi. Dịch khớp tiết ra ít còn khiến bệnh nhân bị đau nhức, hạn chế vận động hoặc bị sưng to khi đi lại.
Bệnh khô khớp gối chủ yếu xảy ra ở những người lớn tuổi do quá trình lão hóa, ở nhân viên văn phòng và những người ít vận động, ngồi liên tục trong thời gian dài. Để cải thiện bệnh khô khớp gối bệnh nhân cần thường xuyên vận động, kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh và dùng thuốc khi cần thiết.
Xem ngay: Khớp gối kêu lạo xạo: Cảnh giác khô khớp
2. Vì sao bị khô khớp gối?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khô khớp, chẳng hạn như gặp chấn thương, mắc bệnh lý hay tăng trọng lượng, ít rèn luyện thể chất. Bên cạnh đó, bệnh khô khớp gối cũng thường xảy ra do các nguyên nhân sau:
- Có mô sẹo xơ cứng, dày ở xung quanh khớp gối. Tình trạng này thường xuất hiện ở những người mắc bệnh viêm khớp đã phẫu thuật đầu gối (ví dụ như thay khớp gối nhân tạo hoặc phẫu thuật chấn thương dây chằng chéo trước);
- Chấn thương đứt dây chằng và rách sụn chêm có thể khiến vùng đầu gối dễ bị tổn thương hơn, có nguy cơ mắc chứng viêm khớp sau chấn thương (PTA);
- Bệnh viêm khớp dạng thấp và viêm màng hoạt dịch thường ảnh hưởng đến cả hai đầu gối của bệnh nhân, khiến khớp dễ bị khô cứng, gây đau;
- Viêm xương khớp (bao gồm viêm khớp do thoái hóa hoặc thoái hóa sụn khớp) xảy ra do sự hao mòn của lớp sụn giữa xương. Khi hai đầu xương cọ xát vào nhau và ít dịch nhầy sẽ gây đau đớn cho người bệnh;
Xem ngay: Bị bệnh khô khớp gối nên ăn gì?
3. Các dấu hiệu nhận biết khô khớp gối
Một số triệu chứng phổ biến của khô khớp gối là:
- Sưng khớp gối;
- Đau nhức đầu gối, cơn đau tăng dần đặc biệt khi đi lại, cử động khớp gối;
- Cảm giác nóng đỏ quanh đầu gối (do viêm);
- Đầu gối bị cong khi đi bộ;
- Đầu gối lỏng lẻo kém ổn định;
- Cảm giác co cứng hoặc co thắt trong khớp gối;
- Đầu gối thường xuyên phát ra tiếng lục cục hay lạo xạo khi co duỗi khớp hoặc khi di chuyển;
- Khả năng chịu lực của đầu gối giảm;
- Khả năng vận động, co duỗi khớp gối kém.
4. Chẩn đoán khô khớp gối
Để chẩn đoán bệnh khô khớp gối, thông thường bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra lâm sàng kết hợp với các xét nghiệm để củng cố kết quả chẩn đoán.
4.1. Chẩn đoán lâm sàng
Đầu tiên bệnh nhân được kiểm tra bệnh sử, những dấu hiệu ngoài khớp và yêu cầu mô tả triệu chứng. Sau đó bác sĩ kiểm tra vị trí đau, mức độ nghiêm trọng, phạm vi ảnh hưởng để đánh giá sơ nét về nguyên nhân gây đau.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần co duỗi khớp gối, thực hiện thao tác đứng lên, đi lại và nâng cao chân để bác sĩ đánh giá sức cơ, phạm vi mở rộng khớp, khả năng vận động và những biểu hiện đặc trưng của bệnh khô khớp gối như: cứng khớp, phát ra tiếng kêu khi di chuyển...
4.2. Chẩn đoán cận lâm sàng
Chẩn đoán cận lâm sàng chứng khô khớp gối bao gồm xét nghiệm máu và xét nghiệm hình ảnh (chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI)...). Dựa trên những kết quả thu được bác sĩ sẽ xác định được những bộ phận tổn thương và mức độ ảnh hưởng, từ đó chẩn đoán phân biệt là áp dụng phác đồ điều trị thích hợp.
Những thông trên đã tổng hợp các nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết của chứng khô khớp gối. Nếu người bệnh cảm thấy có bất kỳ triệu chứng nào bất thường ở vùng đầu gối nên chủ động đi thăm khám để chủ động kiểm soát diễn tiến và ngăn ngừa bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.