Dị ứng bia là phản ứng của cơ thể với các thành phần có trong bia. Bệnh nhân có thể gặp triệu chứng nghiêm trọng và nguy hiểm nếu không được xử lý kịp thời. Tuy nhiên, các phản ứng này cũng là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý khác. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề dị ứng bia và cách cải thiện triệu chứng hiệu quả.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ chuyên ngành Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Nguyên nhân gây ra dị ứng bia
Mặc dù thành phần chính trong bia là nước, nhưng nhiều thành phần khác trong bia có thể gây kích ứng. Nếu bệnh nhân bị dị ứng bia, rất có thể nguyên nhân là do dị ứng với một thành phần cụ thể trong đó.
Tùy thuộc vào thương hiệu bia, các thành phần có thể gây dị ứng bao gồm:
- Lúa mạch, mạch nha hoặc các loại ngũ cốc khác (ví dụ như lúa mì và cao lương)
- Hoa bia
- Men bia
- Các chất phụ gia tạo màu, hương liệu và chất bảo quản
Tại Hoa Kỳ, khoảng 2 đến 3% người lớn bị dị ứng với một số loại thực phẩm và khoảng 5% trẻ em bị dị ứng thực phẩm nhưng cũng có nhiều trẻ đến khi trưởng thành mới bị dị ứng. Theo một nghiên cứu vào năm 2014 tại Trung Quốc ở người bị dị ứng bia, cho thấy sự nhạy cảm với cao lương hoặc loại cao lương đã được mạch nha hóa là nguyên nhân chính gây ra tình trạng dị ứng này.
Gần 1,2% người lớn ở Hoa Kỳ bị dị ứng với lúa mì, một trong 8 chất gây dị ứng thực phẩm hàng đầu. Thông thường, những người bị dị ứng với lúa mì cũng có khả năng dị ứng với đại mạch, mặc dù tình trạng này xảy ra không thường xuyên.
Nếu bị dị ứng với một loại ngũ cốc cụ thể, ngoài bia người bệnh cũng có thể phản ứng khi tiêu thụ các loại thực phẩm và đồ uống khác có chứa chất gây dị ứng đó.
2. Các yếu tố rủi ro của dị ứng bia
Bệnh nhân có nhiều khả năng bị dị ứng bia hơn nếu tiền sử gia đình có thành viên bị dị ứng. Tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc bệnh hen phế quản cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh dị ứng.
Dị ứng thực phẩm là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, yêu cầu bệnh nhân phải rất cẩn thận trong việc đọc nhãn và lựa chọn đồ ăn, thức uống.
3. Các triệu chứng của dị ứng bia
Nếu bị dị ứng với bia, bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng tương tự như các tình trạng dị ứng khác, bao gồm:
- Đỏ bừng mặt
- Hắt hơi liên tục
- Thở khò khè
- Khàn tiếng
- Buồn nôn và nôn mửa
- Tiêu chảy
- Đau bụng và đầy hơi
- Tức ngực
Phản ứng dị ứng với thực phẩm và đồ uống thường xảy ra trong vòng vài giờ sau khi tiêu thụ. Đây là phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với một loại protein mà cơ thể cho là có hại. Các phản ứng như phát ban, đau ngực và thở khò khè có thể xảy ra gần như ngay lập tức, thậm chí nghiêm trọng và đe dọa đến tính mạng. Nếu người bệnh nhận thấy những dấu hiệu này, nên đi khám càng sớm càng tốt.
Trong những trường hợp nghiêm trọng nhất, dị ứng thức ăn hoặc đồ uống có thể dẫn đến sốc phản vệ, một tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Các triệu chứng ban đầu có thể bao gồm phát ban, thở khò khè và đau ngực. Nếu bệnh nhân nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào trong số này, nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế khẩn cấp.
Ngược lại, nếu chỉ xuất hiện những phản ứng rất nhẹ, bệnh nhân có thể bị nhạy cảm với thực phẩm hơn là bị dị ứng thực sự. Đây còn được gọi là chứng không dung nạp thực phẩm, mặc dù gây khó chịu nhưng không quá nghiêm trọng.
4. Phương pháp điều trị dị ứng bia
Nếu gặp các phản ứng khó chịu sau khi uống bia, bệnh nhân có thể thực hiện các bước sau:
- Nếu xuất hiện các triệu chứng nhẹ, hãy thử chuyển sang bia của thương hiệu khác mà bệnh nhân không gặp vấn đề về dị ứng bia.
- Thuốc kháng histamin không kê đơn có thể giúp giảm các triệu chứng nhẹ. Nếu bệnh nhân có phản ứng nghiêm trọng, hãy nhờ bác sĩ kê đơn thuốc kháng histamin mạnh hơn.
- Xét nghiệm dị ứng: Bệnh nhân có thể yêu cầu kiểm tra các thành phần thường có trong bia, chẳng hạn như lúa mì, đại mạch và cao lương. Hãy chú ý xem bệnh nhân có các triệu chứng tương tự sau khi ăn hoặc uống các sản phẩm thực phẩm khác không.
Ngay cả khi bệnh nhân bị dị ứng với một thành phần trong bia vẫn có thể thưởng thức bia bằng cách đọc nhãn cẩn thận và tìm loại bia không chứa chất gây dị ứng đó.
Ngoài ra, nếu người bệnh đã từng bị sốc phản vệ sau khi uống bia cần tránh tuyệt đối các thành phần gây ra dị ứng. Hãy hỏi bác sĩ xem bệnh nhân có cần mang theo bút tiêm epinephrine hay không.
Trong những tình huống khẩn cấp, những công cụ tiêm tự động này có thể giúp cứu mạng bệnh nhân. Nên cân nhắc cai bia hoàn toàn nếu như không thể tìm ra cách xử lý hợp lý hơn.
5. Dấu hiệu của những bệnh lý nguy hiểm khi dị ứng bia
Ngoài việc gây ra các triệu chứng dị ứng thông thường, dị ứng bia cũng cảnh báo các bệnh lý nguy hiểm như:
Không dung nạp histamin: Bệnh nhân có thể mắc chứng không dung nạp histamin do triệu chứng tương tự như dị ứng bia.
- Không dung nạp Sulfites: Đây là hợp chất thường được thêm vào bia để hạn chế sự phát triển của nấm men và duy trì ổn định chất lượng của sản phẩm. Bệnh nhân hen suyễn có thể xuất hiện những cơn hen nghiêm trọng do sự không dung nạp Sulfites. Vì vậy, cần kiểm tra kỹ thành phần và hạn chế sử dụng sản phẩm có chứa cồn để tránh dị ứng.
- Ung thư hạch hodgkin: Ung thư Hodgkin là một loại lymphoma ác tính có thể xâm lấn các hạch bạch huyết khác và gây tổn thương đến lá lách, gan và tủy xương. Khi uống bia rượu, các phản ứng có thể xảy ra và gây đau ở các hạch bạch huyết.
- Một số biến chứng khác: Tùy vào nguyên nhân gây dị ứng bia rượu, bệnh nhân sẽ xuất hiện các biến chứng như lão hóa, kích thích chứng đau nửa đầu, tăng nguy cơ mắc hen suyễn hoặc thậm chí gây sốc phản vệ.
6. Khi nào nên đến gặp bác sĩ?
Nếu người bệnh có các phản ứng dị ứng sau khi uống bia, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa dị ứng. Các bác sĩ có thể giúp xác định xem bệnh nhân dị ứng với thành phần nào có trong bia, từ đó người bệnh có thể tránh được thành phần đó trong các sản phẩm khác.
Thực hiện các loại xét nghiệm dị ứng như xét nghiệm dị ứng trên da và thử máu để xác định loại dị ứng bệnh nhân đang gặp phải, hoặc ít nhất là loại trừ một số nguyên nhân.
Các phản ứng dị ứng cũng có thể do sự tương tác giữa bia, rượu và bất kỳ loại thuốc nào bệnh nhân đang dùng. Hãy trao đổi kỹ với bác sĩ về tất cả các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng người bệnh đang sử dụng. Trong trường hợp bệnh nhân từng bị sưng lưỡi, cổ họng hoặc khó thở sau khi uống bia nên tạm ngừng uống bia và đi khám bác sĩ ngay.
Tóm lại, dị ứng bia nói riêng và dị ứng thực phẩm nói chung rất nguy hiểm. Nếu bệnh nhân thuộc nhóm có nguy cơ cao bị dị ứng thực phẩm, hãy đến các cơ sở y tế, bệnh viện để được kiểm tra và nhận tư vấn từ bác sĩ chuyên môn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Healthline