Dấu hiệu bị ung thư cổ tử cung thường bị bỏ qua?

Ung thư cổ tử cung là một trong những loại ung thư rất phổ biến ở nữ giới. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu, ung thư cổ tử cung thường gây ra các triệu chứng mang tính “hời hợt” khiến nhiều người bỏ qua. Vậy đâu là những dấu hiệu bị ung thư cổ tử cung mà bạn cần phải lo ngại?

1. Ung thư cổ tử cung là gì? Phát triển thành bao nhiêu giai đoạn?

Ung thư cổ tử cung được biết đến là loại bệnh ung thư phổ biến ở phụ nữ, đặc biệt là đối với nhóm tuổi từ 30 trở lên. Tại Việt Nam vào năm 2018, có đến gần 4200 ca mắc mới bệnh ung thư cổ tử cung và hơn 2400 trường hợp tử vong do loại bệnh “tai quái” này.

Bệnh ung thư cổ tử cung có đến 99.7% nguyên nhân đến từ virus HPV - một loại virus gây u nhú trên cơ thể người - có thể lây lan qua đường tình dục. Virus HPV có khoảng hơn 100 loại và khoảng 14 loại gây ra bệnh ung thư cổ tử cung, đặc biệt là chủng virus HPV 16 và 18. Các chủng virus này được tìm thấy ở 70% trường hợp bệnh nhân mắc ung thư cổ tử cung.

Theo các chuyên gia sức khỏe, ung thư cổ tử cung được chia thành 5 giai đoạn tiến triển, bao gồm:

  • Giai đoạn 0: Ở giai đoạn này, bệnh nhân hầu như không xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào trên cơ thể, chỉ có thể được phát hiện thông qua hoạt động tầm soát ung thư sớm. Bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung khi được điều trị ngay từ giai đoạn 0 có thể đảm bảo tỷ lệ có thời gian sống trên 5 năm lên đến 96%.
  • Giai đoạn 1: Tế bào ung thư ở cổ tử cung trong giai đoạn này đã có sự phát triển tương đối toàn diện, tuy nhiên vẫn khu trú hoàn toàn ở khu vực cổ tử cung. Nếu điều trị ở giai đoạn này, tỷ lệ bệnh nhân sống trên 5 năm dao động từ 80% đến 90%.
  • Giai đoạn 2: Khối u bên trong cổ tử cung sẽ bắt đầu lan rộng dần ra các khu vực khác và xâm lấn xuống 1⁄3 âm đạo bên dưới, tuy nhiên chưa xâm lấn đến tiểu khung. Ở giai đoạn II, bệnh nhân điều trị sẽ có tỷ lệ 50% đến 60% sống trên 5 năm.
  • Giai đoạn 3: Tế bào ung thư trong giai đoạn này đã phát triển vô cùng mạnh mẽ, không chỉ xâm lấn đến âm đạo, chúng còn có thể xâm lấn đến khung chậu và niệu quản, khiến cơ hội sống trên 5 năm của bệnh nhân sau điều trị chỉ ở mức 25% đến 30%.
  • Giai đoạn 4: Đây là giai đoạn cuối cùng của bệnh ung thư cổ tử cung, được chẩn đoán khi các tế bào ung thư đã di căn xa đến bên ngoài khung chậu, thậm chí xâm lấn đến trực tràng, bàng quang... Tỷ lệ sống trên 5 năm của bệnh nhân sau điều trị ở giai đoạn này rất thấp, tối đa là 15%.

Dấu hiệu bị ung thư cổ tử cung cần được phát hiện sớm
Dấu hiệu bị ung thư cổ tử cung cần được phát hiện sớm

2. Ung thư cổ tử cung và những dấu hiệu đáng lo ngại

Ung thư cổ tử cung ở những giai đoạn đầu thường có rất ít triệu chứng, và điều này cũng khiến bệnh nhân phát sinh tâm lý chủ quan về sức khỏe cá nhân. Vì vậy, việc đọc và ghi nhớ các dấu hiệu bị ung thư cổ tử cung là thật sự cần thiết.

  • Bị chảy máu bất thường ở âm đạo dù không có kinh nguyệt

Đây là một trong những dấu hiệu mắc bệnh ung thư cổ tử cung phổ biến: nếu như không phải do bạn đến kỳ kinh nguyệt nhưng thường xuyên bị chảy máu âm đạo, đặc biệt là sau khi quan hệ tình dục, hoặc đang ở giai đoạn mãn kinh... bạn đều có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung.

  • Đau nhiều khi quan hệ tình dục cũng có thể do ung thư cổ tử cung

Việc bị đau và khó chịu trong khi quan hệ có thể đến từ nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu bị ung thư cổ tử cung thường bị bỏ qua nhiều nhất. Nếu như tình trạng đau khi quan hệ thường xuyên tái phát, bạn nên kiểm tra về vấn đề sức khỏe phụ khoa.

  • Vùng xương chậu và lưng dưới thường xuyên đau nhức

Các cơn đau tại khu vực xương chậu, lưng dưới thường diễn ra âm ỉ hoặc đau buốt khó chịu ngay cả khi bạn không đến kỳ kinh nguyệt, đây có khả năng cao là dấu hiệu cho biết bạn đang mắc vấn đề về phụ khoa, trong đó bao gồm ung thư cổ tử cung.

  • Chu kỳ kinh nguyệt có sự rối loạn

Bệnh ung thư cổ tử cung cũng gây ra sự rối loạn và mất cân bằng hàng loạt các hormone liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, vì vậy khiến thời gian rụng trứng diễn ra bất thường. Nếu bạn thường bị trễ kinh hoặc máu kinh có màu đen đậm, bạn nên cảnh giác.

  • Đau và sưng ở chân

Chân bị sưng đau có vẻ như không liên quan đến cổ tử cung, tuy nhiên đây lại là một dấu hiệu bị ung thư cổ tử cung cần chú ý. Nếu như khối u ở cổ tử cung phát triển mạnh, nó sẽ bắt đầu chèn ép lên khu vực các dây thần kinh cũng như mạch máu ở khu vực quanh xương chậu, khiến chân bệnh nhân sưng tấy và có cảm giác đau nhức bất thường.


Rối loạn chu kì kinh nguyệt là một trong các dấu hiệu bị ung thư cổ tử cung
Rối loạn chu kì kinh nguyệt là một trong các dấu hiệu bị ung thư cổ tử cung

3. Vì sao tầm soát ung thư cổ tử cung ngày càng quan trọng hơn?

Hiện nay, ung thư cổ tử cung hoàn toàn có thể được phát hiện ngay cả khi đang ở giai đoạn 0 bởi sự tiên tiến và phát triển vượt trội của Y học. Trên thực tế, bệnh ung thư cổ tử cung rất khó phát hiện sớm thông qua triệu chứng. Hầu hết các ca mắc mới khi phát hiện đều đã ở những giai đoạn sau của bệnh, khiến việc điều trị và khả năng sống của bệnh nhân trở nên hạn chế hơn.

Tầm soát ung thư cổ tử cung có thể giúp bệnh nhân phát hiện sớm bệnh hoặc nguy cơ có thể mắc bệnh, từ đó có biện pháp điều trị hoặc ngăn ngừa thích hợp.

Có thể nói, dấu hiệu mắc bệnh ung thư cổ tử cung tập trung nhiều đối với kinh nguyệt và sức khỏe phụ khoa ở phụ nữ. Bên cạnh việc phát hiện sớm bệnh qua dấu hiệu, bạn nên thực hiện tầm soát ung thư thường xuyên để kiểm soát sức khỏe một cách chắc chắn hơn.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán ung thư cổ tử cung

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe