Bài viết của Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Philippe Macaire - Cố vấn cấp cao về Gây mê Giảm đau, Hệ thống Y tế Vinmec - Khoa Gây mê giảm đau - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Viên cân gan chân là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến đau gót chân. Cơn đau này liên quan tới viêm dải mô dày dọc bàn chân, nối xương gót với các xương ngón chân, gọi là cân gan chân.
1.Triệu chứng viêm cân gan chân
Viên cân gan chân thường gây đau nhói ở vùng dưới của bàn chân, cạnh gót chân, khi mới bước chân vào buổi sáng. Khi đứng dậy và di chuyển, cơn đau thường giảm xuống, nhưng có thể sẽ bị đau lại khi đứng lâu hoặc lúc đứng dậy sau khi ngồi.
2. Nguyên nhân viêm cân gan chân
Cân bàn chân là một dải mô (cân cơ) nối từ xương gót tới phần dưới của xương ngón chân, chịu trách nhiệm nâng đỡ vòm bàn chân và giảm áp lực khi di chuyển.
Áp lực và sức căng trên cân cơ có thể gây đau nhiều. Tình trạng căng và rách cân cơ lặp lại có thể gây khó chịu hoặc gây viêm cân cơ, dù nguyên nhân bị viêm cân gan chân trong nhiều trường hợp vẫn chưa rõ ràng.
3.Các yếu tố nguy cơ dẫn đến viêm cân gan chân
Mặc dù viêm cân gan chân có thể phát triển mà không có lý do rõ ràng, nhưng yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc tình trạng này, bao gồm:
- Tuổi tác: Viêm cân gan chân thường gặp nhất ở độ tuổi từ 40 - 60.
- Tác dụng phụ của một số bài tập: Các hoạt động gây nhiều áp lực lên gót chân và các mô bám dính như chạy xa, múa ballet và thể dục nhịp điệu – có thể kích thích viêm cân gan chân.
- Do đặc điểm cơ học của bàn chân: Bàn chân bẹt, vòm chân cao hoặc thậm chí cả kiểu đi bất thường có thể ảnh hưởng tới sự phân bổ trọng lượng khi đứng hoặc có thể gây áp lực lên cân gan chân.
- Béo phì: Thừa cân gây tăng áp lực lên cân gan chân.
- Đặc thù của công việc phải đứng nhiều: Công nhân, giáo viên và các công việc khác đòi hỏi đi lại hoặc đứng nhiều giờ trên bề mặt cứng có thể tăng nguy cơ bị viêm cân gan chân.
4. Chẩn đoán viêm cân gan chân
Viêm cân gan chân được chẩn đoán dựa trên hỏi các tiền sử bệnh nhân, kết hợp với thăm khám tổng quát. Trong lúc khám, bác sĩ sẽ kiểm tra để tìm các vùng bị đau khi ấn nắn ở bàn chân. Vị trí đau có thể giúp xác định nguyên nhân gây đau.
Siêu âm có thể giúp xác định các nghi ngờ trên lâm sàng. Bệnh nhân có thể được yêu cầu chụp X-quang hoặc cộng hưởng từ loại trừ nguyên nhân rạn xương. Đôi khi trên X-quang hiển thị có mảnh xương (gai xương) trên xương gót chân. Trước đây, những gai xương này thường được cho là nguyên nhân gây đau gót chân và làm phẫu thuật cắt bỏ. Tuy nghiên, nhiều người có gai xương trên gót chân nhưng cũng không bị đau.
5. Điều trị viêm cân gan chân như thế nào?
Xem nhẹ viêm cân gan chân có thể dẫn tới đau gót chân mãn tính, cản trở các hoạt động hàng ngày. Bệnh nhân thường cố gắng tự điều chỉnh cách đi để đỡ đau, nhưng điều này có thể dẫn đến các vấn đề về bàn chân, đầu gối, hông và lưng.
Hầu hết mọi người hồi phục sau viêm cân gan chân sau vài tháng điều trị bảo tồn, như chườm đá ở vùng bị đau, tập giãn cơ, và điều chỉnh hoặc tránh các hoạt động gây đau. Sau đây bác sĩ sẽ nói cụ thể hơn về các phương pháp điều trị viêm cân gan chân:
5.1. Sử dụng thuốc giảm đau
Thuốc giảm đau như ibuprofen hoặc naproxen sodium (Aleve) có thể làm dịu cơn đau và giảm viên cân gan chân.
5.2. Áp dụng các phương pháp vật lý trị liệu
Vật lí trị liệu hoặc sử dụng các thiết bị đặc biệt có thể giúp giảm các triệu chứng:
- Vật lí trị liệu: Bác sĩ vật lý trị liệu có thể hướng dẫn cách tập để làm giãn cân cơ và gân gót chân, đồng thời làm tăng lực cơ chân dưới. Bác sĩ cũng có thể chỉ cách cho bệnh nhân sử dụng bang keo thể thao để hỗ trợ bàn chân.
- Đeo nẹp ban đêm: Bác sĩ vật lý trị liệu hoặc bác sĩ điều trị có thể khuyến nghị bạn đeo nẹp để giữ cân gan chân và gân gót chân theo chiều dọc qua đêm, nhằm hỗ trợ kéo giãn khi ngủ.
- Khí cụ chỉnh hình: Bác sĩ có thể chỉ định đế giày chỉnh hình làm sẵn hoặc theo yêu cầu để phân bố áp lực lên bàn chân cân đối hơn.
- Giày đi bộ, gậy chống hoặc nạng: Bác sĩ có thể khuyến nghị sử dụng một trong những dụng cụ này trong một thời gian ngắn để giữ bạn không cử động bàn chân hoặc để bạn không dồn toàn bộ trọng lượng lên bàn chân.
- Liệu pháp sóng xung kích ngoài cơ thể: Sóng xung kích trực tiếp vào vùng gót chân bị đau để kích thích phục hồi. Đây là biện pháp cho viêm cân gan chân mãn tính không phản hồi với các phương pháp điều trị bảo tồn hơn. Một vài ngiên cứu cho thấy kết quả đáng kì vọng, mặc dù liệu pháp này vẫn chưa được chứng minh mang lại hiệu quả đồng nhất.
5.3. Điều trị bằng các thủ thuật giảm đau
Phương pháp này có thể áp dụng nếu các biện pháp điều trị bảo tồn nói trên không hiệu quả sau vài tháng.
- Tiêm thuốc có steroid vào vùng ấn bị đau có thể giúp giảm đau tạm thời. Không khuyến nghị tiêm nhiều lần, vì có thể làm yếu cân gan chân và có thể gây đứt cân gan chân.
- Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP): Huyết tương giàu tiểu cầu được lấy từ máu tự thân có thể được tiêm vào vùng bị đau khi ấn nhằm hỗ trợ phục hồi và tái tạo. Hình ảnh siêu âm có thể giúp đặt vị trí kim chính xác khi tiêm.
- Siêu âm phục hồi mô: Công nghệ xâm lấn tối thiểu này sử dụng hình ảnh siêu âm để chỉ dẫn, đưa một đầu dò có hình dạng giống kim tiêm đi tới mô cân gan chân bị tổn thương. Đỉnh của đầu dò sau đó sẽ rung nhanh để phá vỡ các mô bị tổn thương, sau đó sẽ hút chúng ra ngoài.
5.4. Phẫu thuật
Rất ít người cần phẫu thuật để bóc tách cân gan chân khỏi xương gót chân. Nhìn chung, lựa chọn này chỉ áp dụng khi đau dữ dội và các trị liệu khác không thành công. Thủ thuật có thể thực hiện dưới dạng mổ mở hoặc qua một vết mổ nhỏ có sử dụng thuốc gây tê tại chỗ.
6.Giảm đau cân gan chân bằng thói quen sống và trị liệu tại nhà
Để giảm đau do viêm cân gan chân, bạn hãy thử một số phương pháp sau đây:
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Thừa cân có thể làm tăng thêm áp lực lên cân gan chân.
- Lựa chọn giày có tác dụng nâng đỡ: Mua giày gót thấp tới trung bình, đế dày, nâng đỡ vòm chân tốt và có đệm thêm. Không mang giày đế bẹt hoặc đi chân trần.
- Không mang giày thể thao đã mòn đế: Đổi giày thể thao khi giày đã mất lực nâng đỡ hoặc đệm bàn chân.
- Thay đổi môn thể thao đang tập: Thử một môn thể thao ít áp lực như bơi hoặc đạp xe, thay cho chạy bộ.
- Chườm lạnh: Giữ một túi chườm lạnh trên vùng bị đau 15 phút từ ba tới bốn lẫn một ngày giúp giảm đau và giảm viêm, hoặc lăn một chai nước đóng đá dưới lòng bàn chân để mát-xa lạnh.
- Giãn vòm bàn chân: Hãy tập một số bài tập đơn giản tại nhà có thể giãn cân gan chân, gân gót chân và bắp chân.
Hi vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn hiểu được tình trạng đau gót chân do viêm cân gan chân và các phương pháp điều trị. Nếu có bất kỳ băn khoăn và thắc mắc nào, bạn háy liên hệ đến Vinmec để được thăm khám và tư vấn cụ thể.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.