Đau do sỏi tiết niệu diễn ra như thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Võ Thiện Ngôn - Bác sĩ Ngoại tiết niệu, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Sỏi tiết niệu là sự lắng cặn của muối và chất khoáng bên trong thận hay niệu quản, bàng quang, niệu đạo. Sỏi tiết niệu có thể được tìm thấy ở đường dẫn tiểu từ thận đến niệu quản (đoạn ống nối từ thận đến bàng quang) và sỏi tại bàng quang, đôi lúc trôi ra đến niệu đạo. Ở những nước nhiệt đới nóng ẩm như Việt Nam, sỏi tiết niệu rất phổ biến. Tuy nhiên, rất ít người có thể tự nhận diện được cơn đau do sỏi tiết niệu diễn ra như thế nào?

1. Tìm hiểu chung về bệnh lý sỏi tiết niệu

Sỏi tiết niệu là bệnh lý thường gặp nhất của đường tiết niệu. Sỏi tiết niệu thường gặp ở nam giới nhiều hơn so với nữ giới. Độ tuổi mắc bệnh thường ở người trưởng thành, trung niên, lớn tuổi. Tuy nhiên cũng có trường hợp ngoại lệ, sỏi tiết niệu gặp ở trẻ em.

Các loại sỏi tiết niệu đều có thể thoát ra ngoài một cách tự nhiên nhưng lại khiến người bệnh rất đau đớn. Nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, sỏi tiết niệu sẽ không gây ra các tổn hại cho cơ thể và không để lại các biến chứng sau này.

2. Đau do sỏi tiết niệu diễn ra như thế nào?


Triệu chứng đau do sỏi tiết niệu thường xuất hiện khi sỏi mắc kẹt, sỏi có kích thước lớn
Triệu chứng đau do sỏi tiết niệu thường xuất hiện khi sỏi mắc kẹt, sỏi có kích thước lớn

Sỏi tiết niệu thường không có triệu chứng đau nếu viên sỏi không bị mắc kẹt ở đâu đó trong đường tiết niệu hoặc khi viên sỏi có thể trôi một cách thuận lợi ra ngoài. Triệu chứng đau do sỏi tiết niệu thường xuất hiện khi sỏi mắc kẹt, sỏi có kích thước lớn và có thể đã xuất hiện biến chứng.

Đau sỏi do sỏi tiết niệu có đặc điểm: đau dữ dội ở vùng hông và lưng (nơi sỏi thường bị mắc kẹt), vị trí ở phía dưới của xương sườn, đau lan đến vùng bụng dưới, có khi lan xuống bộ phận sinh dục và mặt trong của đùi. Đau do sỏi tiết niệu bên trái hoặc bên phải đều có thể xảy ra do vị trí của sỏi xuất hiện ở vùng hông trái hoặc hông phải hoặc cả hai. Đau do sỏi tiết niệu thường không có tư thế giảm đau (tư thế mà bệnh nhân cảm thấy cơn đau dịu đi).

Một số bệnh nhân bị sỏi tiết niệu có triệu chứng buồn tiểu và/hoặc có cảm giác đau buốt khi đi tiểu. Đôi khi nước tiểu có màu hồng, màu đỏ hoặc ngả nâu, tính chất của nước tiểu đục hoặc có mùi hôi. Một số trường hợp sỏi tiết niệu kèm theo buồn nôn và nôn mửa, sốt và ớn lạnh. Đây là các dấu hiệu nguy hiểm, có thể bạn đang bị nhiễm trùng đường tiết niệu kèm theo sỏi.

3. Điều trị bệnh sỏi tiết niệu như thế nào?


Sử dụng thuốc giảm đau để điều trị sỏi tiết niệu
Sử dụng thuốc giảm đau để điều trị sỏi tiết niệu

Có nhiều phương pháp điều trị sỏi tiết niệu, tùy theo loại, kích thước sỏi, vị trí sỏi trên đường tiết niệu và tình trạng nhiễm trùng kèm theo mà lựa chọn phương pháp phù hợp.

Đối với sỏi nhỏ, ít triệu chứng, bệnh nhân có thể điều trị nội khoa bằng thuốc giảm đau hoặc uống nhiều nước để loại thải sỏi ra ngoài.

  • Sử dụng thuốc giảm đau: Thuốc kháng viêm không Steroid như Diclofenac (Voltaren ống 75mg) tiêm tĩnh mạch, không có hiệu quả có thể cân nhắc sử dụng Morphin.
  • Sử dụng thuốc giãn cơ: Tiêm tĩnh mạch thuốc Buscopan, Drotaverin...
  • Sử dụng thuốc kháng sinh Khi có dấu hiệu nhiễm trùng: Nhóm Cephalosporin thế hệ 3, Quinolon và các Aminosid.

Trong trường hợp sỏi có kích thước lớn hơn hoặc trường hợp sỏi gây đau đớn hoặc gây tắc/giảm chức năng thận, gây chảy máu hoặc nhiễm trùng cần áp dụng những phương pháp điều trị tích cực hơn:

  • Kỹ thuật điều trị không xâm lấn: kỹ thuật tán sỏi ngoài cơ thể
  • Kỹ thuật điều trị ít xâm lấn: nội soi tán sỏi qua da (PCNL), nội soi tán sỏi qua da siêu nhỏ (Mini PCNL), nội soi mềm tán sỏi, nội soi bằng ống bán cứng tán sỏi, ...Hiện tại ở hệ thống Vinmec, tất cả đếu được thực hiện bằng nguồn Laser công suất cao, an toàn, hiệu quả.

Bệnh sỏi tiết niệu cũng giống như các bệnh lý khác, phương pháp điều trị tốt nhất trong y học luôn là phòng ngừa. Một số thay đổi về lối sống đơn giản nhưng lại rất có hiệu quả trong phòng ngừa cũng như ngăn sỏi tăng kích thước:

  • Nên uống đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày, tốt nhất nên chọn nước tinh khiết hoặc nước thảo dược.
  • Hạn chế thức ăn chứa nhiều oxalat.
  • Hạn chế ăn mặn (thức ăn chứa nhiều muối) và protein từ động vật
  • Tham vấn ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng các loại thực phẩm bổ sung canxi

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe