Đánh giá kết quả hai năm hóa xạ trị đồng thời sử dụng kĩ thuật Vmat trong điều trị triệt căn một số ung thư đầu cổ

Tạp chí Y học lâm sàng – Bệnh viện Trung Ương Huế - Số 45/2017, Tr20-26.

Tác giả: Đoàn Trung Hiệp , Trần Bá Bách, Nguyễn Đình Long.

Tóm tắt

Mục tiêu: Đánh giá kết quả hóa xạ trị đồng thời sử dụng kĩ thuật xạ trị điều biến thể tích cung tròn - VMAT (VMAT: Volumetric Modulated Arc Therapy) trong điều trị triệt căn một số ung thư đầu – cổ, kinh nghiệm trong 2 năm đầu tiên tại bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Phương pháp: Dữ liệu 05 bệnh nhân ung thư đầu – cổ có chỉ định điều trị triệt căn từ 1/2015 đến 1/2017 tại bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City được phân tích hồi cứu. Các bệnh nhân đều được hóa xạ trị đồng thời bằng kỹ thuật VMAT tăng liều tích hợp (SIB: Simultaneous Integrated Boost) trong 35 phân liều với tổng tương ứng 70Gy (PTV_70), 63Gy (PTV_63) và 56Gy (PTV_56). Đối với các cơ quan nguy cấp, liều trung bình (Dmean), V50Gy được phân tích. Đối với các thể tích bia, Dmean, D98%, D2%, chỉ số đồng dạng (CI: Confomation index) và chỉ số đồng nhất (HI: Homogeneity index) được tính toán. Tác dụng phụ được phân loại theo tiêu chuẩn CTCAE v.4.0.

Kết quả: Lâm sàng có 4 bệnh nhân đạt đáp ứng hoàn toàn, 01 bệnh nhân đáp ứng 1 phần, độc tính cấp có 1 ca đầu tiên bị viêm niêm mạc miệng, viêm thực quản độ 3 cần nghỉ 1 tuần hồi phục, các bệnh nhân còn lại có độc tính đều mức độ nhẹ. Độc tính muộn chỉ có khô miệng độ 1 thấy 2 bệnh nhân, không có khó nuốt, không có đau do hoại tử xương hàm, không có suy giáp được phát hiện trong quá trình theo dõi. Tất cả 05 bệnh nhân hiện tại vẫn còn sống với thời gian theo dõi trung bình 18 tháng (14 tháng – 29 tháng).

Kết luận: Hóa xạ trị đồng thời sử dụng kỹ thuật xạ trị điều biến thể tích cung tròn cho kết quả điều trị tốt, tác dụng phụ ở mức thấp và toàn bộ 5 bệnh nhân còn sống 2 năm sau điều trị. Tuy nhiên, cần tiếp tục nghiên cứu và thêm số lượng bệnh nhân để khẳng định những kết quả này.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe