Carbotenol là thuốc được chỉ định trong điều trị ung thư buồng trứng, phổi cùng một số bệnh lý ung thư thường gặp khác. Do thuốc có nguy cơ gây ra những tác dụng phụ không mong muốn ảnh hưởng đến các chức năng khác của cơ thể như thận, gan, tim... Vì thế, trước khi dùng Carbotenol người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và thực hiện theo đúng chỉ định bác sĩ chuyên môn.
1. Carbotenol công dụng thế nào?
Thuốc Carbotenol có chứa thành phần chính là Carboplatin với hàm lượng 150mg/15ml. Tác dụng của Carboplatin là chống ung thư và thuộc loại chất alkyl hoá. Hoạt chất này có khả năng tạo thành liên kết chéo trong cùng một sợi hoặc giữa hai sợi của phân tử DNA để từ đây làm thay đổi cấu trúc của DNA dẫn đến sự ức chế sự tổng hợp DNA.
Trước khi có tác dụng chống ung thư, Carboplatin cũng phải được hoạt hoá thông qua phản ứng thuỷ phân. Điểm đáng chú ý của Carboplatin là một hợp chất ổn định hơn và được hoạt hoá chậm hơn cisplatin.
Về mặt lâm sàng, carboplatin được cơ thể dung nạp tương đối tốt, phát huy hiệu quả cao đối với các bệnh như ung thư buồng trứng, phổi, đầu - cổ. Đặc biệt, thuốc phù hợp với những bệnh nhân mắc suy thận hoặc có nguy cơ cao bị nhiễm độc tai hoặc thần kinh.
2. Chỉ định và chống chỉ định thuốc Carbotenol
2.1. Chỉ định
Carbotenol được chỉ định cho bệnh nhân mắc các bệnh lý sau:
- Ung thư buồng trứng ở bệnh nhân trong giai đoạn Ic đến IV, sau phẫu thuật, tái phát, di căn sau điều trị.
- Ung thư phổi bao gồm cả ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ).
- Ung thư đầu và cổ, người mắc U Wilms, u não, u nguyên bào thần kinh.
- Bệnh nhân ung thư tinh hoàn, ung thư bàng quang, u nguyên bào võng mạc tiến triển và tái phát ở đối tượng trẻ nhỏ.
2.2. Chống chỉ định
Không sử dụng Carbotenol cho những trường hợp sau:
- Người mắc suy tủy nặng, suy thận nặng.
- Phụ nữ mang thai, đang trong thời kỳ cho con bú hoặc có tiền sử dị ứng nặng với thuốc có platin.
3. Cách dùng và liều dùng thuốc Carbotenol
3.1. Cách dùng
- Pha loãng thuốc với dung dịch glucose 5% hoặc NaCl 0,9% để tạo nên thuốc có nồng độ 0,5 mg/ ml.
- Carbotenol thường được truyền tĩnh mạch trong 15 phút hoặc truyền liên tục trong 24 giờ, sử dụng để tiêm màng bụng.
3.2. Liều dùng thuốc Carbotenol
Liều dùng Carbotenol thông thường
- Người lớn có chức năng thận bình thường và chưa từng sử dụng phương pháp điều trị nào dùng Carbotenol tiêm IV 400 mg/m2, sau đó tiếp tục 1 liệu trình khác sau 4 tuần.
- Bệnh nhân đã điều trị suy thận, suy tủy, chiếu tia dùng Carbotenol với liều 300 - 320 mg/m2.
Liều dùng Carbotenol cho bệnh nhân bị suy thận
- Bệnh nhân có độ thanh thải Creatinin 41-59 ml/phút: Sử dụng với liều khởi đầu 250g/m2.
- Bệnh nhân có độ thanh thải Creatinin 16-40 ml/phút: Sử dụng với liều khởi đầu 200 mg/m2.
Liều dùng Carbotenol điều trị ung thư buồng trứng theo từng giai đoạn
- Ung thư tiến triển (bệnh nhân ở giai đoạn III và IV)
Sử dụng với liều khởi đầu là 300 mg/m2. Tiếp tục sử dụng thuốc sau 4 tuần hoặc lâu hơn nếu độc tính trên máu phục hồi chậm cũng như điều chỉnh liều dùng tùy theo mức giảm huyết cầu trong lần điều trị trước. Chú ý tổng 1 đợt điều trị là 6 lần.
- Ung thư tái phát
Sử dụng với liều khởi đầu là 360 mg/ m2, thời gian 4 tuần 1 lần. Cần tiến hành điều chỉnh liều tùy theo mức độ giảm huyết cầu của lần dùng trước cụ thể:
Trường hợp độc tính trên máu không đáng kể (Kiểm tra cho thấy tiểu cầu trên 100.000/mm3 và bạch cầu trung tính ở mức trên 2.000/mm3) cần tăng liều Carbotenol lên 25%.
Trường hợp độc tính trên máu ở mức nhẹ đến vừa (Kiểm tra cho thấy tiểu cầu 50.000 - 100.000/mm3 và bạch cầu trung tính ở mức 500 - 2000/mm3) cần duy trì liều dùng lần sau bằng liều dùng lần trước.
Trường hợp độc tính trên máu ở mức vừa đến nặng (Kiểm tra cho thấy tiểu cầu dưới 50.000/mm3 và bạch cầu trung tính dưới 500/mm3) cần chú ý giảm liều dùng lần sau xuống khoảng 25%.
Trong trường hợp đã có 2 lần giảm liều chỉ còn bằng 50% liều ban đầu mà các huyết cầu vẫn giảm từ vừa đến nặng, lúc này bệnh nhân cần được có thay Carbotenol bằng cisplatin vì cisplatin có độc tính trên tủy xương thấp hơn.
Điều trị các bệnh ung thư khác sử dụng Carbotenol tương tự ung thư buồng trứng.
4. Tác dụng phụ thuốc Carbotenol
Carbotenol có nguy cơ gây ra một số tác dụng phụ như:
- Tác dụng phụ thường gặp: Buồn nôn và nôn, mẫn cảm, ban da, mày đay, đau bụng, tiêu chảy, táo bón, loét tiêu hóa do thuốc, ngứa mệt mỏi, suy tủy xương.
- Tác dụng phụ ít gặp và hiếm gặp: Chán ăn, sốc phản vệ, suy tim, tai biến mạch não, tắc động mạch, tăng urê huyết, tán huyết, rối loạn huyết áp, gây co thắt phế quản,...
5. Tương tác thuốc Carbotenol
Dùng phối hợp Carbotenol với một số loại thuốc khác có thể sẽ gây suy tủy hoặc điều trị tia xạ sẽ làm gia tăng độc tính trên máu. Trong trường hợp cần dùng kết hợp, người bệnh cần được theo dõi thận trọng và liều dùng, thời gian dùng thuốc phải điều chỉnh sao cho độc tính ở mức chấp nhận được.
Với những bệnh nhân đã dùng thuốc chống ung thư trước đó, do độc tính trên máu thường nặng hơn nên việc sử dụng Carbotenol có thể khiến độc tính trên tiêu hoá, thần kinh, trên thính giác và thị giác đều tăng lên.
Không phối hợp với aminoglycosid sẽ gây độc cho thận.
Khi phối hợp với các thuốc như aminoglycosid, furosemid, ifosfamide sẽ làm tăng tác dụng độc trên thính giác của Carbotenol.
Dùng chung với thuốc Warfarin sẽ tăng tác dụng của thuốc dễ gây chảy máu.
Dùng Carbotenol với thuốc phenytoin có thể khiến nồng độ thuốc này giảm thấp.
6. Thận trọng khi dùng Carbotenol
Bệnh nhân khi điều trị bằng thuốc phải được xét nghiệm huyết học hàng tuần do Carbotenol dễ gây suy tuỷ. Từ đây hiện tượng bạch cầu giảm dễ dẫn đến nhiễm khuẩn, tiểu cầu giảm dễ dẫn đến xuất huyết. Đặc biệt những bệnh nhân trước đây đã dùng thuốc ức chế tủy xương hoặc được xạ trị, người mắc suy thận rất dễ bị suy tủy.
Phải theo dõi chặt chẽ chức năng thận qua xác định độ thanh thải creatinin, không dùng Carbotenol cho người suy thận nặng.
Thận trọng khi dùng Carbotenol cho người cao tuổi (trên 65 tuổi) bởi thuốc dễ gây độc thần kinh, gây ra bệnh thần kinh ngoại biên, suy thận và dẫn đến chứng suy tủy.
Trên đây là một số thông tin về thuốc Carbotenol. Do đây là thuốc chống ung thư nên người bệnh chỉ sử dụng Carbotenol khi có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa ung thư, phải có các phương tiện để xử lý các tai biến do phản ứng phản vệ có thể xảy ra gồm bình thở oxy, epinephrin, corticosteroid, thuốc kháng histamin....