Bài viết được viết bởi Bác sĩ Lê Thu Hương - Bác sĩ Phục hồi chức năng, Đơn nguyên Kỹ thuật cao Điều trị bại não và Tự kỷ - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Phục hồi chức năng (PHCN) là một trong những biện pháp được cho là hiệu quả nhất hiện nay với bệnh nhân chấn thương sọ não và được thực hiện rất sớm ngay từ trong đơn vị cấp cứu để cải thiện tình trạng bệnh, rút ngắn thời gian hồi phục và tránh những biến chứng nguy hiểm, bệnh nhân vẫn cần phải được thăm khám toàn diện, tỉ mỉ nhằm đánh giá mức độ tổn thương não, di chứng và các chấn thương kèm theo trước khi lên kế hoạch điều trị để đạt được hiệu quả phục hồi cao nhất.
1. Đánh giá bệnh nhân chấn thương sọ não
Đánh giá tổn thương và di chứng do chấn thương sọ não:
Các bệnh nhân chấn thương sọ não, tùy thuộc vào vùng não bị tổn thương và mức độ tổn thương sẽ có biểu hiện lâm sàng khác nhau.
- Đánh giá ý thức, nhận thức
Đây là một đánh giá quan trọng hàng đầu quyết định mọi kế hoạch điều trị cho người bệnh. Với các mức độ tổn thương não khác nhau, bệnh nhân có thể bị hôn mê, hoặc rối loạn ý thức, nhận thức, giác quan từ nhẹ đến nặng.
Bảng điểm đánh giá mức độ hôn mê Glasgow là một bảng điểm luôn được sử dụng ở các cơ sở y tế không chỉ đánh giá mức độ hôn mê, mà còn đánh giá tiến triển của bệnh nhân chấn thương sọ não.
- Đánh giá khả năng vận động của bệnh nhân
Tình trạng vận động của bệnh nhân CTSN không chỉ bị ảnh hưởng bởi liệt, nó còn bị ảnh hưởng bởi tình trạng gồng cứng cơ, co rút cơ, cứng khớp, rối loạn thăng bằng, rối loạn cảm giác, đau hoặc do chấn thương kèm theo với các mức độ khác nhau, đòi hỏi các phương pháp PHCN khác nhau mới có thể cải thiện được vấn đề.
Vì vậy, các bài đánh giá vận động như bài thử cơ bằng tay MMT (Manual Muscle Test), bài thử tầm vận động khớp, đánh giá mức độ co cứng, đánh giá khả năng thăng bằng, các rối loạn cảm giác nông và sâu cần được thực hiện trước khi lên kế hoạch điều trị.
Cận lâm sàng hỗ trợ: Xquang khớp ở bệnh nhân cứng khớp, Xquang xương ở các bệnh nhân có gãy xương kèm theo, đo mật độ xương ở bệnh nhân bất động lâu ngày để đánh giá tình trạng loãng xương thứ phát là những cận lâm sàng phổ biến được sử dụng để hỗ trợ đánh giá tình trạng bệnh
- Đánh giá rối loạn nuốt và khả năng ngôn ngữ
Bệnh nhân CTSN với rối loạn nhận thức, ý thức kèm theo bị liệt, đặc biệt liệt các cơ vùng hàm mặt và vùng hầu họng làm bệnh nhân dễ dàng bị ăn sặc, viêm phổi do hít sặc.
Để đánh giá tình trạng này, ngoài việc đánh giá ý thức và vận động vùng miệng, hầu họng, bệnh nhân còn được thực hiện các test nuốt để đánh giá khả năng ăn uống, được chỉ định đặt thông dạ dày hoặc ăn với các dụng cụ thích nghi và thực phẩm đặc chế, ví dụ như làm đặc nước với chất làm đặc.
Các bài test nuốt và kiểm tra khả năng ngôn ngữ có thể được tiến hành ở đơn vị ngôn ngữ trị liệu.
- Đánh giá rối loạn cơ tròn
68% bệnh nhân đại tiện không tự chủ và khoảng 70% bệnh nhân có rối loạn tiểu tiện sau chấn thương sọ não. Với các bệnh nhân kèm theo chấn thương ổ bụng, tiểu khung, khung chậu, vấn đề này càng nặng nề hơn.
Với các tình trạng này, bệnh nhân cần được siêu âm ổ bụng, chụp vùng khung chậu để loại trừ nguyên nhân rối loạn cơ tròn do tổn thương thực thể.
Đo niệu động học được thực hiện để xác định vấn đề rối loạn hoạt động của bàng quang và cơ thắt niệu đạo.
Đo áp lực hậu môn trực tràng đánh giá tình trạng rối loạn đại tiện.
2. Đánh giá các vấn đề sức khỏe khác
Bệnh nhân chấn thương sọ não cần phải được kiểm tra tình trạng sức khỏe chung để đánh giá khả năng tham gia luyện tập. Các vấn đề được quan tâm đặc biệt là chức năng tim mạch, chức năng hô hấp, tình trạng thiếu máu, vấn đề tắc mạch... vì các vấn đề ở các cơ quan này rất thường gặp ở bệnh nhân CTSN, ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch điều trị của người bệnh.
- Đánh giá chức năng hô hấp
Các bệnh nhân CTSN hay gặp viêm phổi, có thể do hít sặc, nằm lâu, hạn chế khả năng hô hấp do liệt hoặc do chấn thương lồng ngực. Ngoài việc khám lâm sàng, chụp Xquang phổi hoặc MRI lồng ngực có thể được thực hiện để đánh giá các tổn thương ở phổi; đo chức năng hô hấp có thể được thực hiện để lên kế hoạch phục hồi chức năng hô hấp cho bệnh nhân.
- Đánh giá chức năng tim mạch, nguy cơ tắc mạch
Bệnh nhân CTSN có nguy cơ cao bị tắc mạch chi, tắc mạch phổi do nằm lâu, bất động, do tình trạng tăng đông, hoặc do các chấn thương khác vùng chân, khung chậu, lồng ngực. Các vấn đề này có thể gây nguy hiểm trong quá trình tập vận động nếu không được phát hiện sớm và không được kiểm soát tốt. Với các bệnh nhân nghi ngờ có tắc mạch, có vấn đề bệnh lý tim cần phải được siêu âm tim, siêu âm mạch, chụp mạch khi cần để hỗ trợ chẩn đoán.
Xét nghiệm các yếu tố đông máu có giá trị tiên lượng và theo dõi bệnh nhân có nguy cơ tắc mạch.
- Đánh giá tình trạng thiếu máu
Bệnh nhân chấn thương sọ não có thể kèm theo các chấn thương khác, đặc biệt là gãy xương, chấn thương tạng kín, vỡ khung chậu... làm bệnh nhân bị mất máu, giảm thể tích tuần hoàn. Nếu không phát hiện sớm, hoặc không được đánh giá đúng nguy cơ, có thể làm xuất huyết nặng hơn và bệnh nhân có thể shock, nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, bệnh nhân cần được đánh giá, kiểm soát tình trạng này một cách chặt chẽ suốt quá trình điều trị.
- Đau, rối loạn cảm giác, loét do tì đè
Cũng là các vấn đề phổ biến ở bệnh nhân CTSN. Khi được đánh giá đúng, và được hỗ trợ điều trị thì khả năng hồi phục của bệnh nhân sẽ tốt hơn.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.
Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.
XEM THÊM:
- Triệu chứng chấn thương sọ não nhẹ
- Xử lý chấn thương sọ não nặng
- Các tổn thương do chấn thương sọ não gây nên
- Hướng dẫn chẩn đoán chấn thương sọ não