Dẫn lư­u ổ bụng trong viêm tuỵ cấp

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Hồng Chiến - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Can thiệp - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Dẫn lưu ổ bụng qua da là thủ thuật điều trị hỗ trợ viêm tụy cấp, giúp dẫn lưu hiệu quả các ổ dịch chứa các chất gây viêm, chất độc tế bào, đồng thời làm giảm thể tích dịch ổ bụng. Dẫn lưu ổ bụng làm giảm số ca viêm tụy cấp cần can thiệp phẫu thuật.

1. Tổng quan về viêm tụy cấp

Viêm tụy cấp là một bệnh cảnh thường gặp ở nước ta. Bệnh có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân như: do sỏi mật, giun đũa; do uống nhiều rượu; chấn thương vùng bụng từ ngoài hoặc do thủ thuật điều trị có xâm lấn; do dị ứng thức ăn, thuốc uống, hóa chất; nhiễm khuẩn... Người bị viêm tụy cấp thường có các triệu chứng như:

● Đau bụng xuất hiện đột ngột sau một bữa ăn lớn, uống nhiều rượu. Người bệnh đau dữ dội ở vùng thượng vị, sau đó lan ra sau lưng hoặc lên ngực.

● Nôn, buồn nôn, sau nôn không đỡ đau; một số trường hợp có đại tiện phân lỏng.

Khi khám bệnh nhân viêm tụy cấp có bụng chướng, co cứng thành bụng do dịch tụy gây tình trạng viêm phúc mạc; phù nề, xuất huyết ở trong ổ bụng và sau phúc mạc; điểm sườn thắt lưng đau,... Người bệnh da nhợt nhạt, hạ huyết áp, sốt vừa hoặc cao, rối loạn chức năng tiết niệu, hô hấp, tuần hoàn.

Viêm tụy cấp có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng người bệnh như:

Sốc: do biến chứng xuất huyết, nhiễm độc các chất kinin, nhiễm trùng

● Xuất huyết tại tuyến tụy, trong ống tiêu hóa hoặc các cơ quan nội tạng ở xa do men tụy làm tổn thương các mạch máu

● Nhiễm trùng tại tuyến tụy, ổ nhiễm trùng có thể khu trú vùng dưới cơ hoành hoặc lan tỏa thành viêm phúc mạc toàn thể.

Suy hô hấp cấp

● Nang giả tụy: nang có thể tự biến mất nhưng cũng có thể tồn tại lâu dài, dẫn đến biến chứng bội nhiễm khuẩn, áp xe hóa.

Về điều trị, nguyên tắc chung trong điều trị viêm tụy cấp là điều trị nội khoa tích cực, theo dõi sát bệnh nhân để có chỉ định can thiệp phẫu thuật kịp thời. Dẫn lưu ổ bụng qua da là kỹ thuật điều trị hỗ trợ hiệu quả, giúp dẫn lưu các ổ dịch chứa các chất gây viêm, chất độc tế bào, đồng thời làm giảm thể tích dịch ổ bụng. Dẫn lưu ổ bụng làm hạn chế hiện tượng hoại tử lan tràn sau phẫu thuật, hạn chế nhiễm trùng. Việc giảm áp lực ổ bụng do dẫn lưu dịch ổ bụng cũng giúp cải thiện chức năng các tạng. Dẫn lưu dịch ổ bụng qua da đã làm giảm số ca viêm tụy cấp cần can thiệp phẫu thuật.


Viêm tụy cấp có thể gây suy hô hấp cấp
Viêm tụy cấp có thể gây suy hô hấp cấp

2. Kỹ thuật dẫn lưu ổ bụng trong viêm tụy cấp.

2.1. Chỉ định dẫn lưu ổ bụng trong viêm tụy cấp

Dẫn lưu ổ bụng trong viêm tụy cấp được thực hiện khi siêu âm hoặc CT ổ bụng phát hiện dịch tự do hoặc khu trú ở vị trí có thể tiến hành dẫn lưu qua da thuận lợi. Ổ dịch tiếp xúc trực tiếp với thành bụng, có thể dễ dàng đưa kim vào ổ dịch.

Dẫn lưu ổ bụng cân nhắc thực hiện cẩn trọng ở những bệnh nhân bị rối loạn đông máu chưa được điều chỉnh (tiểu cầu <50 G/l, INR >1.5).


Bệnh nhân rối loạn đông máu cần được sự chỉ định của bác sĩ khi dẫn lưu ổ bụng
Bệnh nhân rối loạn đông máu cần được sự chỉ định của bác sĩ khi dẫn lưu ổ bụng

2.2. Chuẩn bị thực hiện dẫn lưu ổ bụng trong viêm tụy cấp

● Ê-kíp thực hiện thủ thuật rửa tay, mặc áo, đeo găng.

● Bệnh nhân được hướng dẫn nằm ngửa, đầu cao hơn chân, thở oxy và sử dụng thuốc an thần giảm đau. Sau đó, điều dưỡng tiến hành mắc monitor theo dõi các chỉ số mạch, huyết áp, SPO2 và các thông số thở máy. Bệnh nhân được lau sạch da bụng, sát khuẩn lại bằng cồn và betadine.

● Máy siêu âm để bên đối diện vị trí chọc dịch. Bác sĩ siêu âm để xác định lại vị trí cần dẫn lưu. Sát khuẩn lại vị trí chọc bằng dung dịch Betadine 10%, trải ga vô khuẩn.

● Bác sĩ sử dụng kim 22 hoặc 25 guage, gây tê tại chỗ bằng thuốc lidocain 1%. Tiến hành gây tê từ nông đến sâu, gây tê từ từ từng lớp một, vừa gây tê vừa hút.

● Tay trái bác sĩ làm thủ thuật siêu âm lại để xác định chính xác vị trí, sau đó chuyển sang cho bác sĩ phụ giữ cố định đầu dò máy siêu âm. Tay phải bác sĩ làm thủ thuật cầm kim dẫn lưu chọc dưới hướng dẫn đầu dò siêu âm, giữ kim vuông góc với thành bụng. Vừa đưa kim vào vừa hút chân không cho đến khi đầu kim qua thành bụng, qua lớp phúc mạc và hút ra dịch.

● Bác sĩ phụ giữ nguyên đầu dò máy siêu âm. Trong khi đó, bác sĩ làm thủ thuật chuyển kim từ tay phải sang tay trái. Tay phải bác sĩ cầm dây dẫn của catheter luồn vào kim. Quan sát màn hình siêu âm, khi thấy dây dẫn vào trong ổ bụng thì rút kim ra và giữ nguyên dây dẫn.

● Bác sĩ dùng dao rạch da ở vị trí chọc. Đưa dụng cụ nong thành bụng nhẹ nhàng qua dây dẫn, rút nong ra và luồn catheter đến khi thấy dịch chảy ra thì rút dây dẫn.

● Nối catheter với hệ thống dẫn lưu áp lực âm, khâu cố định, lấy dịch làm xét nghiệm vi sinh vật, sinh hóa.

3. Các tai biến có thể gặp khi dẫn lưu ổ bụng

Các tai biến có thể gặp khi dẫn lưu ổ bụng gồm: chảy máu, chọc vào ruột, tắc dẫn lưu, nhiễm trùng, rò dịch ổ bụng,... Tùy theo tai biến gặp phải, ê-kíp thực hiện sẽ có hướng xử lý phù hợp. Trong đó, chảy máu thường ít gặp và có thể do bản thân viêm tụy hơn là do thủ thuật dẫn lưu. Đối với tổn thương ruột do catheter xuyên qua, tổn thương thường tự liền mà không cần can thiệp.

Chân ống dẫn lưu sẽ được thay băng, vệ sinh hàng ngày. Khi số lượng dịch ổ bụng dưới 30ml/ngày thì rút ống dẫn lưu. Trong trường hợp viêm tụy cấp nặng cần đo áp lực ổ bụng trước và sau đặt ống dẫn lưu.


Bệnh nhân được gây tê trước khi tiến hành dẫn lưu ổ bụng
Bệnh nhân được gây tê trước khi tiến hành dẫn lưu ổ bụng
Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe