Đái tháo đường type 2 đang trở thành vấn đề sức khỏe nhức nhối, ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn cầu. Tuy nhiên, mặc dù di truyền có thể là yếu tố quan trọng gây bệnh, nhưng lối sống và thói quen hàng ngày của mỗi người cũng ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh. Hãy cùng tìm hiểu mối liên hệ giữa đái tháo đường type 2 và tập thể thao trong bài viết này nhé.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của TS.BS Nguyễn Đình Dũng Khối Di truyền y học thuộc Trung tâm Công nghệ cao Vinmec.
1. Mối liên hệ giữa đái tháo đường type 2 và việc luyện tập thể chất
Trong một nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra mối liên quan giữa tập thể dục và nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2.
Nghiên cứu này đã thực hiện khảo sát đối với 60.000 người trưởng thành trung niên khỏe mạnh. Kết quả cho thấy rằng những người thường xuyên tập thể dục - ít nhất 68 phút mỗi ngày - có nguy cơ mắc phải bệnh đái tháo đường type 2 thấp hơn đáng kể so với những người ít tham gia các hoạt động rèn luyện (ít hơn 5 phút mỗi ngày).
Điều này là một tin vui đối với nhóm người có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường do di truyền - nhóm này có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2,4 lần so với người bình thường. Dù có nguy cơ di truyền cao, nhưng nhóm người này cũng có thể giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 nếu thường xuyên tập thể dục.
2. Chế độ tập luyện ngăn ngừa đái tháo đường type 2
Tập thể dục được coi là một phương pháp hàng đầu để ngăn ngừa đái tháo đường type 2 di truyền. Một nghiên cứu mới đã sử dụng máy theo dõi phân tích số lần và cường độ hoạt động thể chất đã cho thấy rằng bất kỳ mức độ hoạt động thể chất nào - thậm chí chỉ từ 5 đến 25 phút mỗi ngày - đều có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, miễn là hoạt động được thực hiện ở cường độ vừa phải.
Khi cơ bắp hoạt động sẽ tiêu thụ glucose (đường) để cung cấp năng lượng, giúp làm giảm lượng đường trong máu và làm tăng sự nhạy cảm của cơ thể với insulin. Các loại hình luyện tập bao gồm đạp xe và chạy có thể tác động đến cách điều hòa hoạt động của hệ gen, đặc biệt là các gen liên quan đến quá trình trao đổi chất.
Ngoài ra, tập thể dục có thể kích thích các gen hoạt động một cách đặc biệt. Các gen có thể thích ứng bằng cách cung cấp nhiều oxy hơn cho cơ bắp hoặc điều chỉnh lượng đường trong máu hiệu quả hơn. Điều này giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường và các bệnh chuyển hóa khác. Thậm chí, việc dành một khoảng thời gian ngắn để luyện tập thể chất cũng tạo nên những thay đổi đáng kể.
3. Dấu hiệu nhận biết bản thân đã tập luyện chăm chỉ
Tập luyện đủ chăm chỉ là chìa khóa để phòng ngừa bệnh tiểu đường loại 2. Nhiều nghiên cứu chỉ ra một số dấu hiệu và tiêu chí giúp nhận biết bản thân đã tập luyện chăm chỉ. Dưới đây là một số phương pháp đơn giản:
Dấu hiệu cho thấy bản thân đang tập luyện ở mức độ vừa phải:
- Hơi khó thở.
- Đổ mồ hôi nhẹ.
Dấu hiệu cho thấy bản thân đang tập luyện ở cường độ mạnh:
- Thở dốc và nhanh.
- Đổ mồ hôi nhiều.
Ngoài ra, việc tập luyện sức mạnh cũng rất quan trọng. Một nghiên cứu cho thấy chỉ sau 12 tuần tập luyện sức mạnh với cường độ vừa phải, những người có nguy cơ cao mắc đái tháo đường type 2 đã cải thiện đáng kể lượng mỡ trong cơ thể, cholesterol và kiểm soát lượng đường trong máu.
Người có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường có thể chọn các hoạt động như đạp xe, bơi lội, tập luyện cường độ cao ngắt quãng (HIIT), rèn luyện sức mạnh, khiêu vũ hoặc yoga. Bằng cách tập luyện đủ chăm chỉ và kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh, mọi người có thể giảm nguy cơ bệnh đái tháo đường và cải thiện sức khỏe tổng thể.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.