Đặc điểm hệ tiết niệu ở trẻ em

Hệ tiết niệu của trẻ cũng có những thành phần tương tự như hệ tiết niệu của người lớn, tuy nhiên những đặc điều của từng phần trong hệ tiết niệu lại có những điểm khác nhau. Vì thế mà đôi khi biểu hiện bệnh lý đường tiết niệu của trẻ có một vài điểm khác so với người trưởng thành.

1. Đặc điểm cấu tạo hệ tiết niệu ở trẻ em

Hệ tiết niệu của trẻ cũng tương tự như ở người lớn gồm các thành phần: Thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo và tổ chức cận cầu thận. Một số đặc điểm giải phẫu và cấu tạo của các thành phần trong hệ tiết niệu của trẻ em như sau:

1.1 Thận

  • Vị trí của thận ở trẻ nhỏ ở vị trí thấp hơn ở trẻ lớn và người lớn. Cực dưới của thận ngang với đốt thắt lưng IV -V.
  • Hình dáng: Thận ở trẻ nhỏ có hình giống hạt đậu và có dạng múi.
  • Khối lượng: Trọng lượng thận tăng dần theo tuổi như trẻ sơ sinh thận nặng khoảng 11 -12g; 6 tháng 24-25g; 1 tuổi 36-37g; tuổi dậy thì nặng khoảng 115-120g.
  • Cấu tạo: Thận gồm phần vỏ và phần tủy thận có tỷ lệ giữa phần vỏ và phần tủy ở trẻ sơ sinh là 1: 4, trẻ bú mẹ là 1: 3, người lớn là 1: 2. Do vậy khi siêu âm thận ở trẻ nhỏ thấy thận giảm âm hơn so với người lớn. Về cấu tạo các đơn vị thận nephron tương tự người lớn gồm thành phần là cầu thận, ống lượn gần, quai Henle, ống lượn xa, ống góp và tổ chức cận cầu thận.
  • Đài bể thận: Mỗi thận thận có khoảng 9 đến 12 đài thận, được chia thành 3 nhóm gồm trên, giữa, dưới. Hình dáng của hệ thống đài bể thận các lứa tuổi khác nhau, do ở đài bể có nhu động co bóp để đẩy nước tiểu xuống phía dưới.

1.2 Niệu quản

Niệu quản ở trẻ em tương đối to và dài cho nên dễ bị gấp khúc hơn, niệu quản nối với thận và đi ra tạo thành một góc vuông, còn ở trẻ lớn và người lớn là góc tù, nên nước tiểu dễ bị ứ đọng tại thận gây ứ nước trong đài bể thận.

1.3 Bàng quang

Vị trí: Bàng quang ở trẻ em nằm cao trên khung chậu, cho nên khi nó chứa đầy nước tiểu thì dễ sờ thấy cầu bàng quang.

Dung tích bàng quang: Dung tích này sẽ tăng theo tuổi.

  • Trẻ sơ sinh: 30 - 60 ml
  • Trẻ bú mẹ: 60 - 100 ml
  • Trẻ trên 5 tuổi: 100 - 200 ml
  • Trẻ trên 10 tuổi: 150 - 350
  • Trẻ 15 tuổi: 200 - 400 ml

1.4 Niệu đạo

Niệu đạo là đường dẫn nước tiểu từ bàng quang ra khỏi cơ thể, ở trẻ nhỏ kích thước của niệu đạo phụ thuộc vào tuổi và giới tính.

  • Trẻ gái: Niệu đạo rộng nhưng ngắn khoảng 2 - 4 cm. Do cấu tạo rộng và ngắn nên dễ bị nhiễm khuẩn ngược dòng hơn so với trẻ nam.
  • Trẻ trai: Niệu đạo hẹp nhưng dài khoảng 6 - 15 cm.

Hệ tiết niệu ở trẻ em cũng có những thành phần tương tự như hệ tiết niệu của người lớn
Hệ tiết niệu ở trẻ em cũng có những thành phần tương tự như hệ tiết niệu của người lớn

2. Đặc điểm chức năng hệ tiết niệu ở trẻ em

2.1 Chức năng lọc của cầu thận

Lọc máu là chức năng quan trọng nhất của cầu thận và bước đầu tiên của quá trình hình thành nước tiểu. Qua màng lọc tại cầu thận sẽ giữ lại những chất có trọng lượng phân tử lớn và thải những chất có trọng lượng thấp. Mức lọc cầu thận là chỉ số để đánh giá hoạt động của thận hay chức năng thận.

Chức năng lọc của cầu thận ở trẻ sơ sinh còn thấp, chỉ đạt khoảng 25% trị số trung bình của trẻ lớn và tăng dần theo tuổi đến khoảng 2-3 tuổi là đã đạt được chỉ số tương tự như người lớn.

2.2 Chức năng tái hấp thu của ống thận

Sau khi máu được lọc ở cầu thận hình thành nước tiểu đầu rồi đi theo ống thận đổ về đài bể thận. Tuy nhiên, trong thành phần của nước tiểu đầu có đầy đủ các chất như các acid amin, glucose, các muối Ca, Mg, K, Na, Cl... Do đó khi nước tiểu đầu qua ống thận sẽ được tái hấp thu những chất cần thiết cho cơ thể chỉ những chất thải thì gần như không được hấp thu hoặc rất ít.

Trẻ < 2 tuổi: Chức năng tái hấp thu ở ống thận còn kém, cho nên tỷ trọng nước tiểu thấp. Do khả năng cô đặc kém, nên nếu trẻ bị mất nước không có khả năng giữ nước cho cơ thể.

Trẻ > 2 tuổi: Chức năng tái hấp thu gần như người lớn.

2.3 Chức năng bài tiết của ống thận

Những chất không cần thiết cho cơ thể, nhưng có trọng lượng phân tử lượng lớn hoặc có cấu trúc liên kết các phân tử với nhau tạo thành mạng lưới sẽ không thể đào thải qua màng lọc qua cầu thận được. Chúng sẽ được đào thải qua bài tiết tại ống lượn xa và một phần ống góp.

Chức năng bài tiết của ống thận ở những trẻ dưới 2 tuổi còn kém hơn so với trẻ trên 2 tuổi và người lớn .

2.4 Chức năng nội tiết

Là chức năng quan trọng của tổ chức cận cầu thận. Tổ chức cận cầu thận hoạt động tốt ngay từ khi trẻ ra đời và tạo ra 2 chất gồm:

  • Erythropoietin: Chất kích thích tủy xương sinh hồng cầu.
  • Renin: Có tác dụng hoạt hóa chất làm co mạch, gây tăng huyết áp.

Trong hệ tiết niệu ở trẻ em thì thận có chức năng quan trọng nhất là lọc máu
Trong hệ tiết niệu ở trẻ em thì thận có chức năng quan trọng nhất là lọc máu

3. Lượng nước tiểu bình thường ở trẻ em

Trong những ngày đầu tiên sau đẻ, trẻ thường tiểu rất ít, có khi vô niệu do tình trạng mất nước sinh lý và do trẻ được cho bú muộn, nhưng thường đái nhiều lần sau đó do dung tích bàng quang nhỏ và khả năng điều khiển của hệ thần kinh trung ương còn kém.

Sau 1 tuổi thì số lần đi tiểu của trẻ giảm xuống nhiều do khả năng lưu trữ của bàng quang tốt hơn và khả năng tái hấp thu của ống thận cũng tốt hơn.

Số lượng nước tiểu của trẻ em phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ tuổi, cân nặng, chế độ ăn uống, thời tiết nóng lạnh và chức năng thận.

Lượng nước tiểu bình thường ở trẻ là khoảng từ 2-2,5ml/kg/h.

Khi trẻ bị thiểu niệu hay vô niệu thì cần tìm nguyên nhân, có thể do trẻ uống ít nước, bị mất nước hay bị mắc bệnh lý của thận.

Đặc điểm cấu tạo hệ tiết niệu của trẻ có những điểm khác so với người lớn cho nên cũng vì đó mà có một số đặc điểm bệnh lý khác. Ngoài ra, chức năng hệ tiết niệu cũng chưa hoàn toàn tốt như người lớn vì vậy mà trẻ dễ bị mắc bệnh hơn, cũng như khả năng giữ nước cho cơ thể kém hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe