Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Phúc Liên - Bác sĩ Ngoại tiết niệu - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang. Bác sĩ đã có hơn 12 năm kinh nghiệm trong trong lĩnh vực tiết niệu và tiết niệu chuyên sâu.
Thông tiểu ở nữ giới là sử dụng ống thông tiểu đưa vào bàng quang thông qua niệu đạo để đưa nước tiểu ra ngoài cơ thể. Ống thông tiểu nữ có thể được đặt tạm thời để giải quyết tình trạng bí tiểu cấp hoặc lưu lại trong một khoảng thời gian, khi đó được gọi là thông tiểu nữ liên tục.
1. Mục đích thông tiểu nữ
Kỹ thuật đặt thông tiểu nữ là một trong những thao tác rất phổ biến trong y khoa với nhiều mục đích:
- Giải quyết tình trạng bí tiểu cấp gây căng bàng quang quá mức và khó chịu cho người bệnh.
- Theo dõi lượng nước tiểu chính xác trong ngày, đặc biệt ở những bệnh nhân nặng như sốc, bỏng nặng, ...
- Đánh giá các tính chất của nước tiểu như màu sắc, cặn lắng, máu cục,...
- Lấy mẫu nước tiểu trong ngày, hạn chế sự vấy bẩn khi làm xét nghiệm.
- Làm rỗng bàng quang trước khi tiến hành phẫu thuật.
2. Khi nào cần đặt thông tiểu nữ?
Tuy đơn giản và có nhiều lợi ích nhưng không được tùy ý đặt ống thông tiểu nữ. Việc thực hiện thao tác này cần tuân theo các chỉ định hợp lý bao gồm:
- Bệnh nhân bí tiểu cấp và vẫn không đi tiểu được sau khi đã thực hiện các biện pháp kích thích đi tiểu như chườm nóng xoa bóp.
- Trước khi thực hiện các loại phẫu thuật khác nhau.
- Cần thực hiện các xét nghiệm với các mẫu nước tiểu vô khuẩn giúp chẩn đoán các bệnh lý hệ tiết niệu.
- Cần bơm thuốc vào niệu đạo, bàng quang và hai thận để thực hiện các phương tiện chẩn đoán hình ảnh hay điều trị bệnh lý của hệ tiết niệu.
Ngoài ra, cần lưu ý chống chỉ định đặt ống thông tiểu nữ khi nghi ngờ chấn thương niệu đạo, không cố gắng đưa vào sâu. Đây là chống chỉ định chung cho cả trường hợp đặt thông tiểu ở bệnh nhân nam. Tuy nhiên chấn thương niệu đạo ở nữ không thường gặp như ở nam.
3. Quy trình đặt thông tiểu cho bé gái
Nhìn chung, quy trình đặt thông tiểu không quá phức tạp, nhưng để an toàn cho bệnh nhân, người thực hiện cần lưu ý hoàn thành tốt từng bước một.
3.1 Chuẩn bị bệnh nhân
Chuẩn bị bệnh nhân là bước đầu tiên cần làm đối với mọi thao tác trên người bệnh, trong đó gồm:
- Xem hồ sơ bệnh án và kiểm tra lại y lệnh của bác sĩ đúng với tên bệnh nhân.
- Lựa chọn ống thông tiểu với kích cỡ và chất liệu phù hợp.
- Giải thích sơ bộ cho người bệnh hiểu được các bước cần làm.
- Thông báo một số thông tin về cảm giác khó chịu và các biến chứng có thể xảy ra.
3.2 Chuẩn bị dụng cụ
Bộ dụng cụ dành cho thủ thuật đặt thông tiểu ở nữ giới bao gồm:
- Mũ, khẩu trang, găng tay sạch.
- Săng lỗ, bông, gạc, tấm nilon, băng keo.
- Khay quả đậu.
- Kelly, phẫu tích.
- Ống thông đã chọn lựa, loại thường dùng là ống thông foley hoặc nelaton. Trường hợp thông tiểu nữ liên tục hay lưu ống thông tiểu trong một khoảng thời gian người ta thường chọn lựa thông foley.
- Túi đựng nước tiểu vô khuẩn, ống nghiệm đựng mẫu nước tiểu.
- Đèn chiếu.
- Vaselin bôi trơn và dung dịch sát khuẩn.
3.3 Các bước thực hiện thông tiểu nữ
- Cho bệnh nhân nằm ở tư thế sản khoa: Nằm ngửa, hai chân gập và mở rộng. Người bệnh cần cởi bỏ áo quần bộc lộ phần dưới cơ thể. Trải săng che phủ đùi và chân. Lót tấm nilon dưới mông người bệnh, giữ khu vực âm hộ và hậu môn khô ráo.
- Nhân viên y tế thực hiện cần rửa tay sạch theo nguyên tắc rửa tay ngoại khoa, sau đó mang găng vô khuẩn.
- Âm hộ bệnh nhân cần được rửa sạch bằng nước muối sinh lý và dung dịch sát khuẩn.
- Bôi trơn đầu ống thông bằng vaselin. Xác định lỗ niệu đạo ngoài và đưa ống thông vào từ từ. Ống niệu đạo ở nữ ngắn hơn nam, chỉ dài khoảng 4-6 cm. Đuôi ống thông tiểu đặt vào khay quả đậu cho đến khi nước tiểu chảy ra giúp giải quyết được tình trạng tắc nghẽn cấp tính. Trường hợp cần đặt ống thông tiểu nữ liên tục, đuôi ống thông sẽ được gắn với túi đựng nước tiểu trong suốt có vạch chia giúp dễ theo dõi lượng và tính chất nước tiểu hằng ngày.
Đặt thông tiểu là một thao tác đơn giản mà người bệnh có thể tự thực hiện tại nhà nếu được hướng dẫn kỹ lưỡng. Cần nhấn mạnh với bệnh nhân phải tuyệt đối tuân thủ theo nguyên tắc vô khuẩn, rửa sạch tay trước và sau khi thực hiện thủ thuật.
4. Cách theo dõi người bệnh có đặt ống thông tiểu
Khi theo dõi, cần đánh giá đầy đủ các tính chất của nước tiểu, bao gồm:
- Số lượng: Thể tích nước tiểu của bé gái trung bình khoảng 200 - 450 ml. Thể tích nước tiểu thải ra phụ thuộc và thay đổi theo nhiều yếu tố như lượng nước uống vào và lượng dịch thải ra bằng các đường khác.
- Màu sắc: Thông thường nước tiểu có màu vàng nhạt, đôi khi nước tiểu đậm màu hơn như vàng nâu. Nước tiểu có máu sẽ có màu đỏ, có thể quan sát được cả máu cục.
- Cặn lắng: Nước tiểu ở người khỏe mạnh có màu vàng trong, không có cặn lắng. Trong những trường hợp nhiễm trùng hệ tiết niệu, nước tiểu thường trở nên đục, để lâu sẽ xuất hiện cặn lắng.
- Mùi: Thức ăn và thuốc điều trị có thể làm thay đổi mùi nước tiểu. Tình trạng nhiễm trùng hoặc nước tiểu cô đặc cũng làm mùi nước tiểu trở nên khó chịu hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.