Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Thanh Bình - Bác sĩ Phục hồi chức năng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Các đốt sống cụt nằm ngay phía dưới xương cùng. Các đốt sống cụt dính liền với nhau tạo nên xương cụt hình tháp. Cơ thể người có từ 4-6 đốt sống cụt, các đốt sống cụt được coi là di tích của đuôi ở các loài động vật.
1. Đặc điểm của đốt sống cụt
Các đốt sống cụt là phần xương thấp nhất trong hệ thống xương cột sống của cơ thể với các đốt sống nhỏ. Có từ 4 đến 6 đốt sống cụt dính lại với nhau tạo nên xương cụt. Xương cụt hình tháp có 4 mặt là mặt chậu hông, hai mặt bên và mặt lưng, có một nền và một đỉnh.
- Mặt chậu hông: Lõm
- Mặt lưng: Lồi
- Mặt nền quay lên trên và khớp với đỉnh xương cùng.
Hai xương cụt nối với hai xương cùng bởi một dây chằng.
2. Chức năng đốt sống cụt
Mặc dù các đốt sống cụt rất bé nhưng lại có tác dụng rất quan trọng phối hợp với khung chậu nâng đỡ trọng lực của toàn cơ thể, giúp giữ cân bằng khi ngồi, tạo đường cong cho các hoạt động linh hoạt của cơ thể và được cố định bởi các nhóm cơ, dây chằng xung quanh và gân. Đốt sống cụt giúp nâng đỡ và ổn định cột sống, có vai trò trong các hoạt động đi, ngồi và đứng. Khi ngồi ngửa người ra sau, áp lực đè lên xương cụt sẽ tăng lên. Theo ước tính phụ nữ đau xương cụt gấp 5 lần nam giới, nguyên nhân có thể do chấn thương xương cụt trong khi sinh.
3. Những bệnh liên quan
3.1 Đau đốt sống cụt
Đặc trưng bởi tình trạng viêm các mô liên kết của xương cụt, làm cho xương cụt đau nặng hơn ở tư thế ngồi. Phụ nữ rất hay mắc bệnh đau xương cụt.
Nguyên nhân đau đốt sống cụt có thể do ngồi lâu hoặc phụ nữ bị đau đốt sống cụt là do các bệnh phụ khoa như: viêm cơ quan sinh dục, vị trí tử cung bất thường, khối u khoang chậu gây kích thích đau vùng xương cụt.
3.2 Rạn nứt xương cụt, gãy xương cụt do chấn thương
Là hiện tượng rạn, nứt, vỡ, gãy 1 trong 4 đốt sống hoặc cả 4 đốt sống cụt, có thể có di lệch hay không di lệch xương. Thường ảnh hưởng rất nhiều đến chức năng hoạt động, khiến bệnh nhân khó khăn trong vận động di chuyển vì đau.
Rạn nứt xương cụt thường do té ngồi đập mông xuống đất. Đau thường xuất hiện ở vùng xương cụt, đau khi đứng dậy sau khi ngồi, đau khi đi vệ sinh, bớt đau khi ngồi trên một mông hay trên đùi.
4. Làm gì khi bị đau xương cụt
Khi bị đau đốt sống cụt cần nghỉ ngơi và kết hợp với chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Bổ sung thêm canxi cho cơ thể, đặc biệt lưu ý hạn chế ngồi lâu, vận động mạnh, không chơi thể thao trong thời gian này.
Trong trường hợp gãy xương cụt có di lệch, cần đến khám bác sỹ ngoại chấn thương để xem xét có cần thiết phẫu thuật loại bỏ xương cụt bị gãy hay không. Tránh hoạt động mạnh trong 8-12 tuần, không rặn nhiều khi đi đại tiện
Có thể chườm đá vùng xương cụt giúp giảm đau, quấn túi đá trong khăn tắm đặt lên vùng đau chườm trong 15-20 phút, 3 lần mỗi ngày
Có thể dùng các thuốc giảm đau
Đau đốt sống cụt thường tự biến mất trong vòng vài tuần hoặc vài tháng. Tuy nhiên, để hạn chế cơn đau bùng phát trong thời gian đó, cần lưu ý:
- Hơi ngả người về trước khi ngồi.
- Ngồi lên gối hay nệm hình chữ V.
- Chườm nóng hay lạnh vào khu vực đau.
Các đốt sống cụt có vai trò rất quan trọng trong việc nâng đỡ và ổn định cột sống. Sử dụng thuốc giảm đau nếu cơn đau không dứt. Nếu cơn đau không cải thiện và biến thành mạn tính, cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời. Bác sĩ sẽ tiến hành chụp X-quang và chụp cộng hưởng từ để phát hiện dấu hiệu tổn thương như gãy nứt xương hay khối u đè lên xương.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là bệnh viện đa khoa có chức năng thăm khám và điều trị các bệnh lý cơ xương khớp như viêm khớp, thoái hóa, thoát vị, đau nhức xương khớp,.... Tại Vinmec cũng đã thực hiện chẩn đoán, điều trị bằng các phương pháp y học hiện đại với các bệnh lý cơ xương khớp, không chỉ đem lại hiệu quả cao mà còn hạn chế tối đa biến chứng bệnh tái phát. Có được thành công lớn là bởi Vinmec luôn trang bị đầy đủ cơ sở vật chất hiện đại, các quy trình thăm khám, điều trị được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ giàu chuyên môn, kinh nghiệm sẽ đem lại kết quả điều trị bệnh tối ưu cho Quý khách hàng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.