Đái tháo đường tự miễn tiềm ẩn ở người lớn thường bị nhầm lẫn với đái tháo đường type 2 do khởi phát sau tuổi 25-30 và những biểu hiện ban đầu giống triệu chứng của đái tháo đường type 1 với dạng trẻ của đái tháo đường type 1.
1. Vì sao gọi là đái tháo đường tự miễn tiềm ẩn ở người lớn?
Đái tháo đường tự miễn tiềm ẩn ở người lớn hay còn gọi là đái tháo đường LADA. Ở giai đoạn sớm, đái tháo đường tự miễn tiềm ẩn ở người lớn biểu hiện như đái tháo đường type 2, nhưng lại giống dạng trẻ của đái tháo đường type 1, nên cũng có thể gọi là đái tháo đường type 1,5.
Gọi là đái tháo đường tự miễn tiềm ẩn ở người lớn là do sự đan xen trong bệnh sinh, biểu hiện lâm sàng, sinh học, diễn biến bệnh, yêu cầu điều trị không theo các khuyến cáo.
Đây là một bệnh lý tự miễn di truyền do cơ thể nhận dạng tuyến tụy là một bộ phận lạ và phản ứng bằng cách tấn công tiêu huỷ những tế bào sản xuất insulin ở đảo beta của tuyến tụy.
2. Các đặc điểm bệnh đái tháo đường tự miễn tiềm ẩn ở người lớn
2. 1. Đặc điểm di truyền
- Đái tháo đường type 1,5 có liên quan đến các gen HLA-DRB1, INS-VNTR, PTPN22 (giống type 1) và gen TCF7L2 (giống type 2).
- Người bệnh đái tháo đường type 1,5, các genotype HLA có nguy cơ liên quan đến sự tiến triển phụ thuộc insulin so với các genotype HLA có nguy cơ thấp. Tuy nhiên, khuynh hướng tiến triển đến sự phụ thuộc insulin ở bệnh nhân đái tháo đường type 1,5 phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
- Các tự kháng thể, bệnh nhân có mức độ các tự kháng thể càng cao thì sự tiến triển càng nhanh hơn và ngược lại.
- Một số yếu tố khác như chỉ số khối cơ thể thấp, các nhóm kháng nguyên bạch cầu, tự kháng thể Thyroid peroxidase antibody (anti-TPO) (+) tính và nữ giới làm tăng nguy cơ tiến triển đến phụ thuộc insulin.
2.2. Đặc điểm về miễn dịch
- Đái tháo đường tự miễn type 1,5 mất các tế bào β do bị hủy hoại ít hơn so với đái tháo đường tự miễn type 1 khởi phát ở trẻ em.
- Sự biểu hiện về gen có liên quan đến HLA ít hơn và sự có mặt của các loại tự kháng thể cũng ít hơn.
- Người được chẩn đoán là đái tháo đường type 2 không béo phì có thể bị đái tháo đường type 1,5.
- Các tự kháng thể GADA, IA-2A thường gặp ở đái tháo đường type 1,5. Ở trẻ em, tự kháng thể GADA thường xuất hiện chậm hơn (ở 5 tuổi) so với tự kháng thể IAA (ở 2 tuổi).
2.3. Đặc điểm về chuyển hóa
- Người bệnh đái tháo đường type 1,5 sau khi được chẩn đoán thường phải điều trị insulin sớm hơn so với đái tháo đường type 2. Càng về sau sự giảm chức năng của tế bào β càng càng trở nên rõ rệt.
- Người bệnh đái tháo đường type 1,5 thường có khả năng chuyển hóa mức độ triglyceride thấp hơn, mức độ HDL-C cao hơn; chỉ số khối cơ thể BMI, tỷ lệ vòng eo trên vòng mông và huyết áp thấp hơn.
- Người bệnh đái tháo đường type 1,5 có mức độ GADA cao hơn sẽ có hội chứng chuyển hóa ít hơn so với người bệnh có mức độ GADA thấp hơn.
- Sự kháng insulin ở người bệnh đái tháo đường type 1,5 cao hơn ở những người khỏe mạnh nhưng bằng hoặc thấp hơn ở người bệnh đái tháo đường type 2 và còn phụ thuộc vào chỉ số khối cơ thể.
2.4. Các đặc điểm về lâm sàng và cận lâm sàng
Đái tháo đường type 1,5 có đặc điểm lâm sàng tương tự với đái tháo đường type 2 trong giai đoạn khởi phát. Tuy nhiên, ở người bệnh đái tháo đường type 1,5 có một số điểm khác với người bệnh đái tháo đường tuýp 2 gồm:
- Thường khởi phát <50 tuổi
- Uống nhiều nước nên dẫn đến đái nhiều và giảm cân không chú ý
- Chỉ số khối cơ thể (BMI) <25 kg / m2
- Người bệnh thường có bệnh tự miễn hoặc gia đình có bệnh tự miễn (HLA liên quan đến DR3/ DR4)
Để được tư vấn chi tiết, quý khách vui lòng đến trực tiếp hệ thống y tế Vinmec hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.