Thuốc Zolbera 20 là thuốc kê đơn thuộc nhóm thuốc đường tiêu hóa, có tác dụng điều trị viêm loét dạ dày tá tràng. Sản phẩm có nguồn gốc từ Ấn Độ với thành phần chính là Rabeprazole - dược tính khá mạnh nên thuốc được chỉ định dùng trong các trường hợp bao gồm trào ngược dạ dày thực quản, hội chứng Zollinger-Ellison, loét miệng, viêm thực quản hồi lưu. Trong quá trình dùng thuốc , người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ, do đó cần thận trọng và dùng đúng theo đơn kê.
1. Thuốc Zolbera 20 là gì?
Thuốc Zolbera 20 là thuốc chữa bệnh dùng trong các trường hợp viêm loét dạ dày, loét miệng, trào ngược dạ dày,...
Thông tin về thuốc:
Dạng bào chế: Viên nén
Đóng gói: Hộp 3 vỉ x 10 viên
Thành phần cấu tạo thuốc:
- Thành phần chính: Rabeprazol natri hàm lượng 20mg
- Tá dược: Mannitol, heavy magnesium oxide, low hydroxypropyl! cellulose LHPC-21,ready mix, ethyl cellulose, seal coat white, magnesium stearat, magnesium oxide light, enteric coat red oxide of iron.
Nhà sản xuất: Baroque Pharmaceuticals Pvt. Ltd
Thông tin khác: Xem trên vỏ hộp và hướng dẫn kèm theo.
2. Tác dụng của thuốc Zolbera 20
Thuốc Zolbera 20 thuộc nhóm thuốc đường tiêu hóa. Với thành phần chính là Rabeprazol - dược chất có tác dụng chống tiết dịch vị không có đặc tính đối kháng thụ thể với histamin H2 hoặc kháng tiết dịch acetylcholin. Thế nên, cơ chế tác dụng của thuốc đó là:
Rabeprazol ức chế H+, K+-ATPase dạ dày ở bề mặt tiết của các tế bào thành dạ dày để ngăn cản và bất hoạt sự tiết dịch vị của enzym này. Từ đó làm giảm sản xuất acid và tăng pH trong dạ dày.
Ngoài ra, Rabeprazol còn ngăn chặn giai đoạn cuối của sự tiết dịch vị bằng cách nhận thêm một proton trong thành dạ dày để tích lũy và biến đổi thành sulfenamid có hoạt tính, nhờ vậy mà Rabeprazol có khả năng ức chế cả sự tiết acid cơ bản và kích thích.
Mặt khác, hoạt chất Rabeprazole còn có tác dụng chống viêm loét mạnh đối với nhiều loại vết loét do tổn thương niêm mạc dạ dày thực nghiệm.
3. Chỉ định và chống chỉ định thuốc Zolbera 20
3.1 Chỉ định
Thuốc Zolbera 20mg được dùng trong các trường hợp sau:
- Loét tá tràng.
- Trào ngược dạ dày thực quản và sau khi đã khỏi vẫn tiếp tục duy trì.
- Phối hợp kháng sinh khác để tiêu diệt vi khuẩn HP để giảm nguy cơ tái phát loét tá tràng.
- Cải thiện tình trạng tăng tiết dịch vị acid bệnh lý và hội chứng Zollinger-Ellison.
3.2 Chống chỉ định
Thuốc Zolbera 20mg chống chỉ định dùng cho các trường hợp bao gồm:
- Người mẫn cảm với dược chất Rabeprazol hoặc thành phần tá dược khác có trong thuốc.
- Mẹ đang mang thai hoặc đang nuôi con bằng sữa mẹ.
4. Cách dùng và liều dùng thuốc Zolbera 20
4.1 Cách dùng
Thuốc Zolbera 20mg được bào chế dạng viên nén được chỉ định bằng đường uống. Uống trực tiếp với nước lọ, không cần nhai hoặc hòa vào nước vì có thể làm thay đổi dược lý của thuốc.
Uống trước và sau ăn đều được, tuy nhiên để tăng khả năng hấp thụ thuốc nên uống trước bữa ăn sáng 30 phút - 1 giờ.
4.2 Liều dùng
Sản phẩm là thuốc chữa bệnh được bán và sử dụng theo đơn kê. Vậy nên, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể tham khảo thêm liều dùng được khuyến cáo đó là:
Trào ngược dạ dày thực quản:
- Liều ban đầu: 1 viên/lần/ngày. Liên tục dùng thuốc trong 4 - 8 tuần. Nếu sau 8 tuần không cải thiện có thể tiếp tục dùng thêm 8 tuần nữa.
- Liều duy trì sau khi khỏi: 1 viên/lần/ngày.
Loét tá tràng: 1 viên/lần/ngày, liên tục dùng thuốc trong 4 tuần. Nếu sau 4 tuần vẫn chưa lành vết loét thì cần tiếp tục bổ sung thêm 1 đợt điều trị trong 4 tuần nữa.
Diệt vi khuẩn HP để giảm nguy cơ loét tá tràng tái phát: Dùng đồng thời Rabeprazol 20mg, Amoxicillin 1000mg và Clarithromycin 500mg x 2 lần/ngày, liên tục dùng thuốc trong 7 ngày.
Tăng tiết acid: Liều ban đầu: 3 viên/lần/ngày. Một số trường hợp đặc biệt có thể phải chia liều hoặc tăng liều lên 5 viên/lần/ngày hoặc 3 viên/lần x 2 lần/ngày.
Người bệnh suy thận, suy gan từ nhẹ đến trung bình, người cao tuổi, suy nhược: Không cần điều chỉnh liều, dùng như liều thông thường.
5. Tương tác thuốc thuốc Zolbera 20
Các tương tác giữa thuốc Zolbera 20 khi dùng chung thuốc khác có thể xảy ra, cụ thể là:
- Amoxicillin và Clarithromycin: Dùng đồng thời có thể khiến tăng nồng độ của dược chất Rabeprazol.
- Ketoconazol: Làm giảm 30% hiệu quả kháng nấm Azol.
- Warfarin: Tăng INR và kéo dài thời gian prothrombin.
- Digoxin: Có thể khiến nồng độ đạt đỉnh của Digoxin trong máu tăng cao và dễ dẫn đến ngộ độc Digoxin.
Để đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa các phản ứng tương tác bất lợi, người bệnh cần thông báo ngay với bác sĩ về tất cả các loại thuốc đang dùng.
6. Tác dụng phụ thuốc Zolbera 20
Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc Zolbera 20:
- Phản ứng toàn thân: Sốt, khó chịu, dị ứng, nhạy cảm ánh sáng, suy nhược, đau ngực dưới xương ức.
- Tim mạch: Cao huyết áp, đau thắt ngực, ngất, hồi hộp, tim đập nhanh,...
- Tiêu hóa: Buồn nôn, khó tiêu, nôn, đau bụng, khô miệng, đầy hơi,...
- Nội tiết: Nhược giáp hoặc cường giáp.
- Máu: Bầm tím da, thiếu máu,...
- Hô hấp: Nấc cụt, hen, viêm thanh quản, chảy máu cam, khó thở, tăng thông khí.
- Tiết niệu - sinh dục: Viêm bàng quang, xuất huyết tử cung, tiểu dắt, khó tiểu, đa niệu.
- Thần kinh: Chóng mặt, co giật, buồn ngủ, mất ngủ, lo âu, căng thẳng, hoa mắt, ...
- Ngoài ra, thuốc có thể làm sai lệch một số chỉ số xét nghiệm như nước tiểu, đường huyết hoặc cholesterol máu...
Vì vậy, trong quá trình điều trị nếu người bệnh nhận thất bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy thông báo cho bác sĩ hoặc cán bộ y tế có chuyên môn để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất.
7. Lưu ý dùng thuốc Zolbera 20
Thuốc Zolbera 20 là thuốc chữa bệnh theo đơn, vậy nên người dùng cần lưu ý một số điều sau:
- Dùng đúng liều, đúng thời gian và đúng cách theo hướng dẫn.
- Không dùng thuốc cho người đang mắc u ác tính trong đường ruột.
- Không lạm dụng hoặc sử dụng thuốc Zolbera 20 trong một lộ trình dài hạn, ngoại trừ trường hợp chỉ định cho hội chứng Zollinger-Ellison.
- Mẹ đang có thai và cho con bú là đối tượng không thuộc khuyến cáo sử dụng trong bất kì trường hợp nào.
- Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ nguy hiểm cho người lái xe hoặc vận hành như là buồn nôn, buồn ngủ, đau đầu, tiêu chảy, hoa mắt,...
8. Xử trí quá và quên liều
Quá liều: Hiện nay chưa có giải pháp điều trị lâm sàng khi uống quá liều. Tuy nhiên, nếu uống quá liều mà cơ thể xuất hiện dấu hiệu bất thường như buồn nôn, khó thở, chóng mặt, đau đầu,... hãy nhanh chóng đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí.
Quên liều: Uống bổ sung ngay, tuy nhiên có thể bỏ qua liều quên để uống liều sau nếu thời gian nhớ ra quá gần với thời gian uống liều kế tiếp. Không uống chồng liều để bù vì có thể khiến cơ thể gặp nguy hiểm.
Thuốc Zolbera 20 là thuốc kê đơn thuộc nhóm thuốc đường tiêu hóa, có tác dụng điều trị viêm loét dạ dày tá tràng. Sản phẩm có nguồn gốc từ Ấn Độ với thành phần chính là Rabeprazole - dược tính khá mạnh nên thuốc được chỉ định dùng trong các trường hợp bao gồm trào ngược dạ dày thực quản, hội chứng Zollinger-Ellison, loét miệng, viêm thực quản hồi lưu. Trong quá trình dùng thuốc , người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ, do đó cần thận trọng và dùng đúng theo đơn kê.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.