Các thuốc điều trị ung thư hoạt động theo nhiều cơ chế khác nhau, một trong số đó là thông qua quá trình alkyl hóa để hỏng DNA tế bào ung thư. Thuốc Zepzelca chứa hoạt chất Lurbinectedin hoạt động theo cơ chế này.
1. Thuốc Zepzelca có tác dụng gì?
Zepzelca chứa hoạt chất Lurbinectedin, là một thuốc chống ung thư nhờ quá trình alkyl hóa để làm hỏng DNA của tế bào, ngăn cản chúng phân chia và chết đi. Tế bào ung thư nhìn chung tốc độ phân chia nhanh hơn và ít sửa lỗi hơn các tế bào khỏe mạnh nên tế bào ung thư nhạy cảm hơn với tổn thương do thuốc Zepzelca gây ra.
2. Cách sử dụng thuốc Zepzelca (Lurbinectedin)
Zepzelca dùng qua đường truyền tĩnh mạch với liều lượng phụ thuộc vào cân nặng của bệnh nhân. Tần suất sử dụng thuốc Zepzelca do bác sĩ điều trị xác định. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể được chỉ định sử dụng các thuốc chống buồn nôn trước khi bắt đầu dùng Zepzelca.
Nồng độ Lurbinectedin trong máu có nguy cơ bị ảnh hưởng khi dùng thuốc Zepzelca cùng lúc với một số loại thực phẩm hoặc thuốc, bao gồm: bưởi, nước ép bưởi, Verapamil, Ketoconazol, Rifampin, Phenytoin... Do đó người bệnh hãy chắc chắn đã cung cấp cho bác sĩ danh sách tất cả các loại thuốc và chất bổ sung đang sử dụng.
3. Tác dụng phụ của thuốc Zepzelca
3.1. Giảm số lượng bạch cầu
Tế bào bạch cầu (WBC) rất quan trọng để bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng. Trong quá trình điều trị ung thư bằng thuốc Zepzelca, số lượng bạch cầu của bệnh nhân có thể giảm thấp nên nguy cơ nhiễm trùng cơ hội sẽ tăng lên. Bệnh nhân hãy thông báo cho bác sĩ hoặc y tá ngay lập tức nếu có biểu hiện sốt cao, đau họng hoặc cảm lạnh, khó thở, ho, nóng rát khi tiểu hoặc loét không chữa lành.
3.2. Mệt mỏi
Mệt mỏi là triệu chứng rất phổ biến ở bệnh nhân đang trong quá trình điều trị ung thư. Mệt mỏi thường không thuyên giảm khi nghỉ ngơi. Trong thời gian dùng thuốc Zepzelca và một khoảng thời gian sau đó, bệnh nhân cần điều chỉnh lịch sinh hoạt hằng ngày, dành nhiều thời gian trong ngày để nghỉ ngơi và cố gắng hạn chế năng lượng để dùng cho các hoạt động quan trọng hơn. Tập thể dục vừa sức như đi bộ cũng là một biện pháp kiểm soát tình trạng mệt mỏi do bệnh ung thư gây ra.
3.3. Thiếu máu
Các tế bào hồng cầu của bệnh nhân sẽ vận chuyển oxy đến nuôi các cơ quan trong cơ thể bạn. Thuốc Zepzelca có thể làm số lượng hồng cầu giảm thấp, do đó bệnh nhân thường cảm thấy mệt mỏi, yếu sức hay thậm chí khó thở. Khi số lượng hồng cầu quá thấp bệnh nhân cần được xem xét truyền máu bổ sung.
3.4. Vấn đề về thận
Yhuốc Zepzelca có thể gây ra các vấn đề về thận, bao gồm tăng nồng độ creatinin máu. Các bác sĩ điều trị có thể theo dõi tác dụng phụ này thông qua các xét nghiệm máu. Bệnh nhân hãy thông báo cho bác sĩ nếu nhận thấy triệu chứng tổn thương thận như giảm số lượng nước tiểu, tiểu máu, phù mắt cá chân hoặc chán ăn.
3.5. Độc tính gan
Zepzelca có thể gây tổn thương chức năng gan. Bác sĩ sẽ giám sát vấn đề này thông qua các xét nghiệm chức năng gan. Nếu có các triệu chứng như vàng da, vàng mắt, nước tiểu màu sẫm hoặc đau hạ sườn phải... bệnh nhân hãy thông báo cho bác sĩ vì đây có thể là dấu hiệu nhiễm độc gan.
3.6. Tăng đường huyết
Thuốc Zepzelca có thể làm tăng lượng đường trong máu ở những bệnh nhân có và không mắc bệnh đái tháo đường. Bác sĩ sẽ theo dõi lượng đường trong máu của bệnh nhân định kỳ. Nếu có những biểu hiện bất thường như tăng cảm giác khát, tiểu nhiều, đói bụng, nhìn mờ, đau đầu hoặc hơi thở có mùi hoa quả, bệnh nhân hãy thông báo cho bác sĩ điều trị. Đồng thời bệnh nhân đái tháo đường nên theo dõi chặt chẽ đường huyết và báo cáo mức tăng cho bác sĩ.
3.7. Giảm số lượng tiểu cầu
Tiểu cầu là thành phần của quá trình đông máu, vì vậy khi số lượng quá thấp sẽ khiến bệnh nhân có nguy cơ chảy máu cao hơn. Bệnh nhân hãy thông báo cho bác sĩ ung thư nếu đột ngột bị vết bầm tím hoặc chảy máu quá mức nào, bao gồm chảy máu mũi, chảy máu răng, có máu trong nước tiểu hoặc phân.
3.8. Nôn ói
Bệnh nhân hãy trao đổi với bác sĩ ung thư để được kê đơn các thuốc giúp bạn kiểm soát tác dụng phụ này của thuốc Zepzelca. Ngoài ra, việc thay đổi chế độ ăn uống có thể hữu ích, đặc biệt tránh xa các nguyên nhân làm nôn ói trầm trọng thêm, có thể bao gồm hạn chế ăn quá nhiều, tránh đồ ăn dầu mỡ, nêm nếm nhiều gia vị hoặc có tính axit.
3.9. Giảm cảm giác thèm ăn hoặc thay đổi khẩu vị
Dinh dưỡng là một phần quan trọng trong quá trình điều trị và chăm sóc bệnh nhân ung thư. Các thuốc điều trị ung thư, như thuốc Zepzelca, có thể ảnh hưởng đến cảm giác thèm ăn của bệnh nhân và trong một số trường hợp có thể gây khó khăn cho việc ăn uống. Bệnh nhân hãy thử chia nhỏ bữa ăn trong ngày thành 5-6 bữa nhỏ hoặc bữa ăn nhẹ trong ngày. Nếu ăn không đủ, người bệnh có thể sử dụng các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng.
Một số bệnh nhân dùng thuốc Zepzelca than phiền cảm thấy vị kim loại trong miệng hoặc không cảm nhận được mùi vị món ăn. Một số thay đổi khẩu vị, không thích món ăn hoặc đồ uống mà trước đó rất thích. Các triệu chứng này có thể kéo dài vài tháng hoặc lâu hơn sau khi điều trị kết thúc.
3.10. Đau cơ hoặc khớp
Bác sĩ điều trị có thể giới thiệu một số loại thuốc và các chiến lược khác để giúp giảm đau trong thời gian dùng thuốc Zepzelca.
3.11. Ho, khó thở
Một số người dùng thuốc Zepzelca có thể thở hụt hơi hoặc ho. Nếu khó thở trầm trọng hơn, bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ ngay lập tức.
3.12. Rối loạn điện giải
Thuốc Zepzelca có thể ảnh hưởng đến nồng độ các chất điện giải (như natri, magie...) trong cơ thể bệnh nhân. Nồng độ các chất điện giải sẽ được theo dõi bằng các xét nghiệm máu. Nếu nồng độ điện giải quá thấp, bác sĩ có thể kê đơn các thuốc bổ sung theo đường truyền đường tĩnh mạch hoặc uống.
3.13. Một số tác dụng phụ ít gặp
- Tiêu cơ vân: Trong một số trường hợp hiếm hoi, thuốc Zepzelca có thể gây tiêu cơ vân khi mô cơ bị tổn thương giải phóng protein và chất điện giải vào máu gây ra đau và yếu cơ nghiêm trọng. Bác sĩ sẽ theo dõi nồng độ creatine phosphokinase của bệnh nhân để quản lý tác dụng phụ này;
Thoát mạch: Ngay cả khi được nhân viên y tế truyền thuốc cẩn thận và đúng cách thì Zepzelca vẫn có thể gây ra cảm giác bỏng và đau. Có nguy cơ là thuốc này có thể bị rò rỉ ra ngoài tĩnh mạch tại vị trí tiêm, dẫn đến tổn thương mô có thể nghiêm trọng. Nếu khu vực tiêm trở nên đỏ, sưng hoặc đau bất cứ lúc nào trong hoặc sau khi truyền thuốc Zepzelca, người bệnh hãy thông báo cho nhân viên y tế ngay lập tức.
4. Ảnh hưởng chức năng sinh sản của thuốc Zepzelca
Việc cho thai nhi tiếp xúc với thuốc Zepzelca có thể dẫn đến các dị tật bẩm sinh, vì vậy bệnh nhân không nên mang thai hoặc làm bố khi đang sử dụng thuốc này. Thực hiện các hình thức kiểm soát sinh sản hiệu quả là vô cùng cần thiết trong quá trình điều trị và ít nhất 6 tháng sau khi điều trị đối với phụ nữ và 4 tháng đối với nam giới.
Bệnh nhân không nên cho con bú khi đang dùng thuốc Zepzelca và duy trì việc này tối thiểu 2 tuần sau liều cuối cùng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: oncolink.org