Thuốc Zantagel 10ml được chỉ định điều trị các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa chẳng hạn như: Chứng đau dạ dày, khó tiêu trong liệu pháp xạ trị, ngộ độc các chất acid, kiềm hay chất ăn mòn gây xuất huyết. Vậy công dụng thuốc Zantagel chính là gì?
1. Thuốc Zantagel 10ml là thuốc gì?
Zantagel là dạng hỗn dịch đóng gói 10ml có ba thành phần bao gồm Oxethazaine 20 mg, Magnesium hydroxide 196 mg, Nhôm hydroxyde 582mg (tương đương 291 mg nhôm oxyd). Thuộc nhóm thuốc chống đầy hơi và kháng viêm, điều hoà tiêu hoá.
Thuốc Zantagel thường được các bác sĩ chỉ định trong các trường hợp :
- Viêm loét dạ dày - tá tràng cấp và mạn tính.
- Triệu chứng tăng tiết acid dạ dày (nóng rát, ợ chua, ...), hội chứng dạ dày kích thích.
- Trào ngược dạ dày - thực quản (GERD)
- Ðau cấp và mạn tính trong bệnh viêm dạ dày, loét dạ dày, tá tràng, viêm thực quản.
- Cảm giác rát bỏng, ợ nóng, khó tiêu, nấc cụt.
- Chứng đau dạ dày, khó tiêu trong liệu pháp xạ trị.
- Ngộ độc các chất acid, kiềm hay chất ăn mòn gây xuất huyết.
2. Công dụng thuốc Zantagel 10ml
2.1. Dược lực học của hỗn dịch Zantagel
Hỗn dịch Zantagel có ba thành phần Magnesium hydroxide + Aluminum oxide + Oxethazaine. Trong đó có chứa Oxethazaine là tác nhân gây tê tác dụng trực tiếp lên niêm mạc đường tiêu hóa. Tác động này làm giảm triệu chứng của cơn đau dạ dày do các bệnh niêm mạc đường tiêu hóa như: loét đường tiêu hóa, viêm dạ dày và các triệu chứng thực thể như: nôn hay những khó chịu ở dạ dày.
Hỗn dịch Oxethazaine + Aluminum oxide + Magnesium hydroxide còn chứa Mg(OH)2 và AI(OH)3 là các chất làm trung hòa acid trong dạ dày và có tác dụng kháng acid nhanh chóng. Thuốc đặc biệt có hiệu quả rất tốt trong điều trị viêm dạ dày và loét dạ dày tá tràng.
Cơ chế tác dụng của hỗn dịch Zantagel:
- Magnesi hydroxyd và Nhôm hydroxyd tan trong acid dịch vị, giải phóng các anion đóng vai trò trung hòa acid dạ dày, hoặc làm chất đệm cho sự hoạt động của các acid dạ dày, nhưng lại không tác động đến quá trình sản sinh ra dịch dạ dày. Hỗn dịch Zantagel làm giảm triệu chứng khó chịu do tăng acid dạ dày, giảm nồng độ acid trong thực quản và gây ức chế men pepsin tiêu protid đây cũng chính là tác dụng rất quan trọng ở người bệnh loét dạ dày. Ngoài ra, Magnesi hydroxid còn có tác dụng nhuận tràng nên cũng làm giảm phần lớn tác dụng gây táo bón của nhôm hydroxyd
- Tác động vô cảm tại chỗ: Theo như nghiên cứu, trên giác mạc thỏ hiệu lực của oxetacaine như là một thuốc vô cảm tại chỗ lớn gấp 500 lần so với hiệu quả cocaine và lớn gấp 400 lần so với hiệu quả của procaine. Giác mạc của những con thỏ nghiên cứu được gây tê bằng dung dịch 0,005% oxetacaine kéo dài trong hơn 4 giờ. Kết quả cho thấy Oxetacaine duy trì được tác động vô cảm ngay cả trong môi trường acid mạnh (pH 1-2).
- Ức chế quá trình tiết dịch vị: Các thử nghiệm lâm sàng trên cho thấy hoạt chất Oxetacaine đóng vai trò ức chế đáng kể việc bài tiết gastrin phụ thuộc acetylcholine. Đồng thời Oxetacaine cũng làm giảm quá trình tiết dịch vị phụ thuộc pentagastrin hoặc khi được kích thích bởi thức ăn. Khi các đối tượng tình nguyện được cho sử dụng các viên nang gắn thiết bị đo từ xa để đo độ pH dịch vị ở các bệnh nhân gặp phải tình trạng loét đường tiêu hóa, độ pH tăng lên hơn 3 ở mỗi trường hợp sau khi dùng Polymigel + Oxetacaine bằng đường uống trong vòng 1 giờ.
- Gây ức chế nhu động đường tiêu hóa : Thử nghiệm lâm sàng trên chuột nhắt cho thấy, trên đoạn ruột được phân lập Oxetacaine gây ức chế việc co thắt gây ra bởi barium chloride. Tác động ức chế của oxetacaine trên nhu động ruột cũng được quan sát thấy trong trường hợp co thắt do barium chloride trên dạ dày tá tràng của chó được vô cảm.
2.2. Dược động học của thuốc zantagel 10ml
Oxethazaine: Oxethazaine được chuyển hóa sinh học rất nhanh và mạnh, do vậy thời gian bán thải trong huyết thanh của thuốc ngắn. Dưới 0,1% của oxethazaine được phát hiện trong nước tiểu dưới dạng không biến đổi trong vòng 24 giờ. Chất chuyển hóa chính của oxethazain là beta - hydroxy - mephentermine và beta - hydroxy - phentermine.
Gel nhôm hydroxyd khô: Nhôm hydroxyd tan chậm trong dạ dày và phản ứng với acid hydrocloric dạ dày tạo thành nhôm clorua và nước. Ở ruột non, nhôm clorua chuyển nhanh thành muối nhôm kiềm không tan, kém hấp thu. Nhôm có trong các thuốc kháng acid (trừ nhôm phosphat) phối hợp với phosphat ăn vào tạo thành nhôm phosphat không tan trong ruột và được thải trừ qua phân.
Magnesium hydroxide: Magnesi hydroxyd phản ứng với acid hydrocloric tạo thành magnesi clorid và nước. Khoảng 15 - 30% lượng magnesi clorid vừa tạo ra được hấp thu, sau đó được thải trừ qua nước tiểu ở người có chức năng thận bình thường. Lượng magnesi hydroxyd còn lại chưa được phản ứng tạo thành magnesi clorid thì có thể được chuyển hóa ở ruột non và được hấp thu không đáng kể.
2.3. Chống chỉ định của thuốc zantagel 10ml
Thuốc Zantagel chống chỉ định trong các trường hợp sau:
- Dị ứng với bất kỳ thành phần nào của hỗn dịch
- Đang trong thời gian sử dụng kháng sinh tetracyclin.
- Bệnh nhân có triệu chứng của viêm ruột thừa cấp tính, do thuốc làm tăng mức độ nguy hiểm của thoát vị hoặc chứng rò bởi có hai thành phần nhôm hydroxyd gây táo bón và magnesi hydroxyd gây tiêu chảy.
- Bệnh nhân bị chứng giảm phosphat máu do thành phần muối nhôm làm tăng giữ phosphat.
- Bệnh nhân bị suy thận nặng do hỗn dịch làm tăng nguy cơ tăng magnesi.
- Trẻ em dưới 6 tuổi vì nguy cơ tăng magnesi huyết hoặc nguy cơ nhiễm độc nhôm, đặc biệt ở những trẻ bị mất nước hoặc bị suy thận.
- Phụ nữ có thai và đang trong thời gian cho con bú.
Cần thận trọng khi sử dụng với những bệnh nhân bị phù, suy tim sung huyết, bệnh nhân xơ gan, người có chế độ ăn ít natri và với người mới bị chảy máu đường tiêu hóa.
Do tác dụng phụ của hỗn dịch gây chóng mặt, tinh thần lơ mơ nên cần thận trọng khi lái xe, vận hành máy móc hay các công việc cần tập trung cao độ.
2.4. Tác dụng phụ của thuốc Zantagel 10ml
Tác dụng phụ của thuốc đối với mỗi cá nhân là khác nhau do cơ địa mỗi người, tình trạng bệnh lý. Tuy nhiên các tác dụng phụ hay gặp phải như
- Táo bón, tiêu chảy (do hai thành phần là nhôm hydroxyd và magnesi hydroxyd)
- Chướng bụng
- Chóng mặt, nhức đầu, uể oải
- Phát ban trên da, viêm lưỡi.
- Triệu chứng thiếu hụt phosphate, dùng liều cao có thể gây tăng magnesi huyết và giảm chức năng thận, giảm vị giác, khô miệng.
Thông báo cho bác sĩ nếu những triệu chứng trên đây nặng hơn.
3. Cách sử dụng Zantagel thuốc hiệu quả
Zantagel là thuốc được điều chế dưới dạng hỗn dịch uống chứ không phải là dung dịch. Chính vì vậy, khi sử dụng, người bệnh chỉ cần hòa tan với nước và không để vón cục là được. Tuy nhiên, tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà lượng nước pha với thuốc ở mỗi người thường khác nhau. Để tỷ lệ pha giữa nước và thuốc đúng theo quy định, người bệnh nên đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ. Để đạt được kết quả điều trị cao, mỗi ngày bệnh nhân nên uống 4 lần. Mỗi lần uống khoảng 1/2 đến 1 gói.
Lưu ý: Thuốc Zantagel chỉ cho phép sử dụng ở người lớn và trẻ em trên 14 tuổi. Riêng đối với trẻ dưới 14 tuổi không nên dùng thuốc này. Bởi tác dụng phụ của thuốc đối với trẻ cho đến nay vẫn chưa được xác định rõ. Vì vậy, để giảm thiểu rủi ro, cha mẹ nên liên hệ trực tiếp với bác sĩ trước khi cho con uống thuốc. Mặt khác, bệnh nhân cũng nên hết sức lưu ý, không được để thuốc đã pha quá lâu sau lại đem ra dùng. Bởi các thành phần chứa trong Zantagel có thể biến tính và gây ra các phản ứng không mong muốn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.