Xotagout 80 thuộc nhóm giảm đau, kháng viêm không steroid. Thuốc được chỉ định trong điều trị tăng acid uric máu. Vậy cơ chế tác dụng, cách dùng và các lưu ý khi sử dụng thuốc là gì?
1. Xotagout 80 là thuốc gì?
- Xotagout 80 có thành phần chính là Febuxostat - chất ức chế enzyme xanthine oxidase (enzyme chuyển hóa Purin thành acid uric), khiến nồng độ axit uric trong máu giảm xuống.
- Cơ chế tác dụng của thuốc là ức chế có chọn lọc enzyme xanthine oxidase (XO) - enzyme có vai trò xúc tác phản ứng trong quá trình chuyển hóa nhân purin ở người thành acid uric. Từ đó giảm lượng acid uric trong huyết thanh.
- Xotagout 80 hấp thu tốt qua đường uống, gắn với protein huyết tương sau khi vào hệ tuần hoàn đạt khoảng 82 đến 91%; cuối cùng thải trừ qua nước tiểu (49%) và phân (45%).
2. Chỉ định của thuốc Xotagout 80
Thuốc Xotagout 80 được chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau
- Giảm lượng acid uric trong máu ở bệnh nhân được chẩn đoán gout.
- Bệnh lý tăng acid uric máu mạn tính do sự ứ đọng urat (tăng acid uric máu, hạt tophi, sạn urate).
- Dự phòng tăng acid uric ở các bệnh nhân đang làm hóa trị liệu cho các bệnh lý ác tính của hệ huyết học có nguy cơ ly giải khối u nguy cơ trung bình đến cao.
Không sử dụng Xotagout 80 cho bệnh nhân có các bệnh lý sau:
- Dị ứng với thành phần febuxostat hay bất cứ thành phần nào khác của thuốc.
- Bệnh nhân có nồng độ acid uric trong máu ổn định hoặc thấp.
- Bệnh nhân có nồng độ acid uric máu cao nhưng không được chẩn đoán gout như trong hội chứng Lesch-Nyhan, bệnh nhân ghép tạng, điều trị ung thư.
- Bệnh nhân đang điều trị bằng các thuốc có chứa azathioprine, didanosine, hoặc mercaptopurine không có chỉ định dùng Xotagout 80.
3. Lưu ý khi sử dụng thuốc Xotagout 80
- Bệnh nhân có các bệnh lý tim mạch nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, đau thắt ngực không ổn định không nên dùng thuốc Xotagout 80. Trường hợp bắt buộc phải sử dụng cần thận trọng và theo dõi nghiêm ngặt suốt quá trình dùng thuốc để đề phòng các biến cố tim mạch.
- Khi dùng thuốc với mục đích phòng ngừa tăng acid uric ở những bệnh nhân có nguy cơ lý giải khối u cần theo dõi chức năng tim mạch trước và trong suốt quá trình điều trị.
- Xotagout 80 có khả năng làm bùng phát cơn gout cấp do thay đổi nồng độ acid uric trong huyết thanh dẫn đến sự huy động urate từ mô lắng đọng. Vì vậy, chỉ sử dụng thuốc khi cơn guot cấp bắt đầu thuyên giảm triệu chứng và trước khi bắt đầu điều trị cần dự phòng bằng các thuốc nhóm NSAID hoặc colchicine ít nhất 6 tháng.
- Kiểm tra chức năng gan, chức năng tuyến giáp trước và trong suốt quá trình điều trị bằng Xotagout 80 do nguy cơ rối loạn chức năng gan, tăng nồng độ TSH trong máu của thuốc.
- Thuốc qua được nhau thai, sữa mẹ và chưa có đầy đủ bằng chứng về tính an toàn của thuốc đối với phôi thai hay trẻ em. Vì vậy phụ nữ có thai và đang cho con bú không nên sử dụng thuốc Xotagout 80.
- Xotagout 80 có thể gây các tác dụng phụ là buồn ngủ, chóng mặt, mờ mắt. Vì vậy tài xế, người vận hành máy móc hay người làm công việc đòi hỏi sự tập trung và tỉ mỉ nên thận trọng khi dùng thuốc do nguy cơ ảnh hưởng đến công việc.
4. Tương tác thuốc của Xotagout 80
Một số tương tác thuốc có thể gặp khi phối hợp Xotagout 80 và các thuốc khác như sau
- Xotagout 80 làm thay đổi chuyển hóa, từ đó làm thay đổi sinh khả dụng của thuốc Theophylline, tăng nồng độ thuốc trong huyết tương có thể dẫn đến ngộ độc.
- Azathioprine và Mercaptopurine chống chỉ định sử dụng chung với Xotagout 80 do làm thay đổi sinh khả dụng của cả hai và tăng nguy cơ độc cho cơ thể.
- Các chất cảm ứng mạnh enzyme UGT (glucuronid hóa) làm tăng chuyển hóa và giảm tác dụng của Xotagout 80 khi sử dụng kết hợp. Do đó, cần theo dõi nồng độ acid uric khi bắt đầu điều trị với các thuốc cảm ứng glucuronid hóa mạnh.
- Một số tương tác khác của Xotagout 80 chưa được chứng minh rõ ràng. Vì vậy, trước khi dùng thuốc người bệnh phải thông báo cho bác sĩ tất cả các loại thuốc đang điều trị.
5. Liều dùng và cách dùng
Cách dùng: Xotagout 80 được bào chế dưới dạng viên nén bao phim hàm lượng 80mg. Uống nguyên viên thuốc với nước ngay sau khi ăn. Không tách rời hay nghiền nát viên thuốc.
Liều dùng
- Điều trị tăng acid uric ở bệnh nhân gout: 1⁄2 - 1 viên (40 - 80mg)/ ngày.
- Ở những bệnh nhân suy giảm chức năng gan và chức năng thận mức độ nhẹ đến trung bình không cần điều chỉnh liều Xotagout 80.
- Liều dùng chỉ mang tính chất tham khảo, tùy từng đối tượng bệnh nhân mà bác sĩ có chỉ định liều khác nhau.
6. Tác dụng phụ của thuốc Xotagout 80
Một số tác dụng không mong muốn có thể xảy ra khi sử dụng thuốc Xotagout 80
Tác dụng phụ thường gặp
- Bùng phát cơn gout cấp.
- Đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt, ngất.
- Buồn nôn, nôn, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy.
- Tăng men gan (SGOT, SGPT), rối loạn chức năng gan.
- Phản ứng dị ứng, phát ban, ngứa da, phù ngoại vi.
Tác dụng phụ ít gặp
- Tăng hormon tuyến giáp (TSH), tăng đường máu, tăng lipid máu.
- Giảm vị giác, chán ăn, tăng cân.
- Giảm ham muốn tình dục.
- Loạn cảm, mất ngủ hoặc buồn ngủ.
- Hạ hoặc tăng huyết áp, bốc hỏa, rối loạn nhịp tim, rung nhĩ,...
- Sỏi thận, suy thận.
Tác dụng phụ hiếm gặp
- Giảm các dòng tế bào máu, giảm tế bào bạch cầu, tiểu cầu.
- Hội chứng Stevens-Johnson.
Tóm lại, Xotagout 80 là thuốc điều trị tăng acid uric máu mạn tính, được kê đơn bắt buộc bởi bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh khi sử dụng thuốc cần tuân thủ đúng liều trình và cách dùng để phòng ngừa các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra.