Thuốc Vinsalamin có thành phần chính là Mesalamin, được sử dụng phổ biến trong điều trị các trường hợp viêm loét đại trực tràng chảy máu hay bệnh Crohn. Tìm hiểu các thông tin cần thiết về thành phần, chỉ định, chống chỉ định, liều dùng và tác dụng phụ của thuốc Vinsalamin sẽ giúp bệnh nhân nâng cao được hiệu quả điều trị.
1. Thuốc Vinsalamin là thuốc gì ?
Thuốc Vinsalamin được bào chế dưới viên nén bao phim tan trong ruột hàm lượng 250, 400 và 500 mg, với thành phần chính bao gồm:
- Hoạt chất: Mesalamin hay Mesalazin hàm lượng 250, 400 hoặc 500mg.
- Tá dược: Vừa đủ 1 viên nén bao phim theo khối lượng của nhà sản xuất.
Cơ chế tác dụng:
Hoạt chất Mesalamin hay Mesalazin có cấu trúc hóa học là Acid 5 Aminosalicylic (5-ASA). Cơ chế tác dụng chính xác của hoạt chất Mesalamin vẫn chưa được biết rõ do đáp ứng của viêm thường khá phức tạp, tuy nhiên một số nghiên cứu cho rằng Mesalamin thường có tác dụng tại chỗ hơn là tác dụng toàn thân. Một số dữ liệu chỉ ra được Mesalamin ức chế Cyclooxygenase, từ đó làm giảm tạo thành Prostaglandin tại đại tràng. Kết quả của quá trình này là chống lại việc sản xuất các chất chuyển hóa của Acid Arachidonic, các hoạt chất thường tăng ở những bệnh nhân bị viêm ruột mạn tính.
2. Thuốc Vinsalamin có tác dụng gì?
Vinsalamin thuốc được chỉ định điều trị trong các trường hợp sau:
- Điều trị đợt cấp mức độ từ nhẹ đến vừa và điều trị duy trì viêm loét đại trực tràng chảy máu.
- Điều trị duy trì bệnh Crohn.
3. Chống chỉ định của thuốc Vinsalamin
- Dị ứng quá mẫn với bất cứ thành phần của thuốc Vinsalamin.
- Tiền sử dị ứng với các loại thuốc khác có chứa Mesalamin.
- Tiền sử dị ứng với các thuốc Salicylat hay mẫn cảm với Sulfasalazin.
- Bệnh nhân bị suy thận nặng (GFR < 20 ml/phút), suy gan nặng.
- Bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc chống đông hoặc đang mắc các bệnh lý về rối loạn đông máu.
- Bệnh nhân bị viêm loét dạ dày tiến triển.
- Trẻ dưới 2 tuổi.
- Bệnh nhân bị hẹp môn vị hoặc tắc ruột.
4. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Vinsalamin
Cách dùng thuốc: Sử dụng thuốc Vinsalamin trong bữa ăn.
Liều dùng Vinsalamin cho người lớn:
- Điều trị viêm loét đại tràng:
- Liều khởi đầu: Uống 0,5 – 1g/lần x 3 lần/ngày trong vòng 6 tuần hoặc uống 2,5 – 4,5g/lần x 1 lần/ngày trong vòng 8 tuần.
- Liều duy trì: Uống 0,5g/lần x 3 lần/ngày.
- Bệnh Crohn
- Liều duy trì: Uống 0,5g/lần x 3 – 4 lần/ngày.
Liều dùng Vinsalamin cho trẻ em:
- Điều trị viêm loét đại tràng
- Liều khởi đầu: Trẻ em 5 – 15 tuổi uống 15 – 20mg/kg/lần x 3 lần/ngày, sử dụng tối đa 1g. Trẻ em 15 – 18 tuổi uống 0,5 – 1g/lần x 2 lần/ngày.
- Liều duy trì: Trẻ em 5 – 15 tuổi uống 10mg/kg/lần x 2 – 3 lần/ngày, sử dụng tối đa 500mg. Trẻ em 15 – 18 tuổi uống 2g/lần x 1 lần/ngày.
- Điều trị bệnh Crohn:
- Trẻ em 5 – 15 tuổi: Uống 10mg/kg/lần x 2 – 3 lần/ngày, sử dụng tối đa 500mg.
- Trẻ em 15 – 18 tuổi: Uống 2g/lần x 1 lần/ngày.
5. Lưu ý khi sử dụng Vinsalamin
Tác dụng phụ gặp phải khi sử dụng Vinsalamin:
- Thường gặp: Triệu chứng toàn thân gồm mệt mỏi, suy nhược, đau đầu, chóng mặt, sốt. Rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, ợ hơi, táo bón, khó tiêu, làm tăng triệu chứng của viêm đại tràng. Triệu chứng trên da như phát ban, ngứa, mày đay, mụn trứng cá. Triệu chứng hô hấp như ho, viêm họng.
- Hiếm gặp: Bất thường công thức máu thiếu máu bất sản, mất bạch cầu hạt, giảm bạch cầu hạt, giảm bạch cầu, giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu và rối loạn tạo máu. Triệu chứng tuần hoàn viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim. Triệu chứng cơ xương như chuột rút, đau lưng, đau khớp. Triệu chứng tiết niệu như hội chứng thận hư, viêm thận. Triệu chứng khác như nhạy cảm ánh sáng, tăng men gan, viêm gan, tăng Triglycerid, viêm tụy, hội chứng không dung nạp Mesalamin, rụng tóc.
Khi phát hiện những tác dụng phụ trên hoặc bất kỳ các bất thường khác sau khi uống thuốc Vinsalamin, bệnh nhân và người thân nên nhanh chóng thông báo với bác sĩ điều trị hoặc đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
Lưu ý sử dụng thuốc Vinsalamin ở các đối tượng sau:
- Thận trọng khi sử dụng thuốc Vinsalamin ở những người cao tuổi, người có tiền sử hoặc đang bị chảy máu không rõ nguyên nhân, thiếu máu, ban xuất huyết, sốt hoặc viêm họng. Suy gan, suy thận mức độ từ nhẹ đến vừa, loét đường tiêu hóa.
- Phụ nữ có thai: Theo phân loại của Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), hoạt chất Mesalamin thuộc nhóm B, không có bằng chứng về nguy cơ trên thai kỳ. Tuy nhiên, cần thận trọng khi sử dụng thuốc Vinsalamin trên đối tượng này.
- Phụ nữ đang cho con bú: Chưa có dữ liệu khẳng định liệu Mesalamin có thể đi qua sữa mẹ hay không, khuyến cáo không nên sử dụng thuốc Vinsalamin ở phụ nữ đang cho con bú.
- Người làm nghề lái xe hay công nhân vận hành máy móc thường có thể gặp phải các tác dụng phụ như mệt mỏi, suy nhược, đau đầu, chóng mặt... sau khi sử dụng thuốc Vinsalamin.
6.Tương tác thuốc Vinsalamin
Tương tác với các thuốc khác:
- Sử dụng kết hợp thuốc Vinsalamin với Sulfasalazin, thuốc chống viêm không Steroid (NSAIDs) có thể gây tăng nguy cơ độc với thận.
- Sử dụng kết hợp thuốc Vinsalamin với Warfarin có thể làm tăng thời gian prothrombin.
- Các thuốc giảm nồng độ acid dạ dày, chất ức chế bơm proton, chất đối kháng H2 làm giảm tác dụng của thuốc Vinsalamin.
- Thuốc Vinsalamin làm tăng tác dụng của vacxin thủy đậu, Sulfonylurea hạ đường huyết.
- Thuốc Vinsalamin làm giảm tác dụng của thuốc Glycosid tim, Furosemid, Spironolacton, Rifampicin, Probenecid và Sulfinpyrazon.
- Sử dụng kết hợp thuốc Vinsalamin với Lactulose và các chất tương tự có thể làm giảm pH của phân và ngăn ngừa giải phóng hoạt chất Mesalamin.
Trên đây là thông tin cơ bản về thành phần, chỉ định, chống chỉ định, liều dùng và những lưu ý khi sử dụng thuốc Vinsalamin. Đây là thuốc kê đơn, do đó người bệnh cần đọc kỹ tờ hướng dẫn sử dụng, tuân thủ đúng hướng dẫn điều trị của bác sĩ hay dược sĩ để đạt kết quả tốt nhất.