Vialexin-F1000 là thuốc kháng sinh thuộc nhóm Cephalosporin được sử dụng để điều trị trong các bệnh lý nhiễm trùng do vi khuẩn nhạy cảm gây ra. Để sử dụng thuốc Vialexin-F1000 được hiệu quả, người bệnh cần nắm rõ công dụng, liều dùng và tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu cần.
1. Công dụng thuốc Vialexin-F1000
Cephalexin là hoạt chất chính trong thuốc Vialexin-F1000, là kháng sinh nhóm Cephalosporin thế hệ 1. Thuốc làm ức chế tổng hợp vỏ tế bào từ đó có tác dụng diệt khuẩn. Cephalexin bền vững với Penicilinase của tụ cầu, do đó có tác dụng với cả các chủng tụ cầu vàng tiết Penicilinase kháng Penicillin. Phổ kháng khuẩn của Cephalexin bao gồm:
- Streptococcus beta tan máu;
- Staphylococcus, gồm các chủng tiết Penicilinase, coagulase (+) và coagulase (-);
- Streptococcus pneumoniae,
- Escherichia coli ;
- Proteus mirabilis;
- Klebsiella spp;
- Branhamella catarrhalis;
- Shigella;
- Haemophilus influenzae nhưng ít nhạy cảm.
Vialexin-F1000 được sử dụng trong các trường hợp nhiễm khuẩn do các vi khuẩn nhạy cảm ở đường tiết niệu, đường hô hấp hoặc trong sản phụ khoa. Vialexin không chỉ định điều trị các nhiễm trùng nặng
2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Vialexin-F1000
Vialexin-F1000 mg được chỉ định trong các nhiễm đợt nhiễm khuẩn như:
- Nhiễm trùng đường hô hấp: viêm phế quản cấp và mạn, giãn phế quản nhiễm khuẩn
- Nhiễm khuẩn tai mũi họng: viêm tai giữa, viêm xoang, viêm amidan, viêm họng, viêm xương chũm
- Nhiễm khuẩn tiết niệu: viêm bàng quang, viêm tiền liệt tuyến
- Dự phòng nhiễm trùng niệu tái phát
- Nhiễm khuẩn phụ khoa, sản khoa.
- Nhiễm lậu cầu
Thuốc Vialexin-F1000 không dùng cho bệnh nhân có tiền sử mẫn cảm với thuốc kháng sinh nhóm Cephalosporin, sốc phản vệ do Penicilin và những bệnh nhân có các phản ứng trầm trọng qua trung gian miễn dịch IgE
3. Liều dùng và cách sử dụng thuốc Vialexin-F1000
3.1. Cách sử dụng
Thuốc Vialexin-F1000 được sử dụng bằng đường uống. Bệnh nhân nên uống toàn bộ viên thuốc Vialexin-F1000, không nên nhai, bẻ, nghiền nát vì có thể làm giảm hiệu quả của thuốc. Vialexin là thuốc kê đơn, vì vậy người bệnh chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.
3.2. Liều dùng
- Người lớn: 1 viên/lần x 2 -3 lần/ngày, tùy thuộc mức độ nhiễm trùng, tối đa 4 g/ngày
- Trẻ em: 25 – 60 mg/kg/ngày, chia thành 2-3 lần uống, tối đa 100 mg/kg/ngày
- Thời gian điều trị thường từ 7 – 10 ngày, trường hợp nặng có thể lên đến 2 tuần
- Trường hợp nhiễm lậu cầu, uống một lần duy nhất với liều 3g Cephalexin + 1g Probenecid cho nam hoặc 2g Cephalexin + 0,5 g Probenecid cho nữ.
4. Tác dụng phụ của thuốc Vialexin-F1000
Trước khi kê đơn thuốc Vialexin-F1000, thầy thuốc đã cân nhắc lợi ích so với nguy cơ gặp tác dụng phụ trên mỗi bệnh nhân. Tuy nhiên, một số người bệnh có thể gặp các tác dụng phụ không mong muốn như:
- Thường gặp: tiêu chảy, buồn nôn
- Ít gặp: nổi ban, mày đay, ngứa, tăng bạch cầu ưa acid, tăng men gan.
- Hiếm gặp: đau đầu, chóng mặt, giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu, đau bụng, viêm đại tràng giả mạc, mệt mỏi, viêm gan, viêm âm đạo, ngứa bộ phận sinh dục, hồng ban đa dạng, phù Quincke, hoại tử biểu bì nhiễm độc hay hội chứng Lyell
Bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ khi gặp các triệu chứng không mong muốn trong quá trình sử dụng thuốc Vialexin, để được hướng dẫn xử trí thích hợp.
5. Tương tác của thuốc Vialexin-F1000
- Các nhóm thuốc độc cho thận như Aminoglycosid, thuốc lợi tiểu như Furosemid, Acid ethacrynic hoặc Piretanid nếu sử dụng cùng thuốc Cephalosporin liều cao có thể ảnh hưởng xấu đến chức năng thận.
- Probenecid: giảm độ thanh thải Cephalexin tại thận nên làm tăng nồng độ thuốc trong huyết tương, từ đó làm kéo dài thời gian tác dụng của thuốc.
6. Cách xử trí khi quên thuốc, quá liều thuốc Vialexin-F1000
- Quan trọng nhất là người bệnh không nên quên thuốc trong quá trình điều trị. Nếu đã quên liều thuốc thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn dùng thuốc.
- Triệu chứng khi quá liều cấp tính: buồn nôn, nôn và tiêu chảy, quá mẫn thần kinh cơ thậm chí gây cơn động kinh, nhất là ở người suy giảm chức năng thận.
- Xử trí: Có thể không cần phải rửa dạ dày nếu không uống Cephalexin quá liều gấp 5 – 10 lần bình thường hoặc uống than hoạt tính trong trường hợp lượng thuốc quá liều không quá nhiều. Các điều trị hỗ trợ bao gồm: hỗ trợ thông khí, truyền dịch. Lọc máu có thể được sử dụng để tăng đào thải thuốc khỏi máu.
- Nếu người bệnh có bất kỳ triệu chứng nào sau khi uống thuốc Vialexin-F1000 quá liều thì phải dừng thuốc ngay và thông báo cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế để được hỗ trợ và xử trí.
7. Lưu ý khi sử dụng thuốc Vialexin-F1000
- Cephalexin có thể dung nạp tốt ngay cả ở những người mẫn cảm với Penicilin, tuy nhiên một số ít vẫn có khả năng xảy ra phản ứng chéo.
- Thận trọng ở người có chức năng thận suy giảm nếu chỉ định dùng thuốc Vialexin-F1000. Kiểm tra chức năng thận là cần thiết trong quá trình điều trị.
- Sử dụng Cephalexin dài ngày có thể làm phát triển quá mức các vi khuẩn kém nhạy cảm như Enterococcus, Candida, Clostridium
- Hiện tại chưa có các nghiên cứu hoặc báo cáo lâm sàng về khả năng gây dị tật thai nhi nếu dùng thuốc Vialexin-F1000 ở phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, chỉ sử dụng khi thật cần thiết và sau khi đã cân nhắc lợi ích so với các nguy cơ có thể gặp phải.
- Các nghiên cứu cho thấy nồng độ thuốc Cephalexin bài tiết vào sữa mẹ rất thấp, tuy nhiên vẫn cần thận trọng khi chỉ định Vialexin-F1000 cho phụ nữ đang cho con bú.
- Không nên vận hành máy móc hoặc lái xe khi đang sử dụng thuốc vì có thể gây chóng mặt, hoa mắt, mệt mỏi.
- Nếu phát hiện viên thuốc Vialexin-F1000 có hiện tượng mốc, đổi màu hoặc chảy nước thì tuyệt đối không được sử dụng.
- Để thuốc xa tầm tay trẻ em và bảo quản nơi khô thoáng, tránh ánh nắng trực tiếp.
Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Vialexin-F1000 về công dụng, liều dùng cũng như những lưu ý quan trọng mà người bệnh cần nắm rõ trước khi sử dụng thuốc. Nếu cần thêm thông tin về thuốc Vialexin-F1000 hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ.