Thuốc Vataxon được bào chế dưới dạng mỡ bôi ngoài da với thành phần chính là Clobetasol propionate. Thuốc được dùng để điều trị các bệnh da liễu như vảy nến, chàm da dai dẳng,...
1. Thuốc Vataxon là thuốc gì?
1g thuốc Vataxon có thành phần chính là Clobetasol propionate 0,5mg cùng các tá dược khác. Clobetasol propionate là một corticoid có tác dụng rất mạnh, ít hấp thu qua da và được sử dụng để điều trị các bệnh về da liễu, đặc biệt viêm da dị ứng.
Thuốc có tác dụng chống viêm do ức chế tổng hợp các chất trung gian hóa học gây viêm đồng thời ức chế giải phóng ra các chất trung gian hóa học gây phản ứng dị ứng như bradykinin, histamin, serotonin,...
Thuốc Vataxon đặc biệt có giá trị trong việc điều trị ngắn ngày các bệnh về da khó điều trị như:
- Vẩy nến (ngoại trừ vẩy nến có dạng mảng lan rộng);
- Liken phẳng; chàm dai dẳng kéo dài khó chữa;
- Lupus ban đỏ hình đĩa;
- Một số loại bệnh trên da khác không đáp ứng với các corticoid hoạt tính kém hơn.
Không dùng thuốc Vataxon trong các trường hợp sau:
- Người bị mụn trứng cá thường, mụn trứng cá đỏ và viêm da quanh miệng;
- Người bị chứng ngứa vùng sinh dục và ngứa quanh hậu môn;
- Người bị nhiễm virus da nguyên phát, ví dụ như thủy đậu, herpes simplex;
- Trẻ em dưới 12 tuổi;
- Người có tiền sử dị ứng với thành phần có trong công thức thuốc;
- Bệnh nhân bị sang chấn da nhiễm trùng nguyên phát gây ra bởi vi khuẩn, nấm;
- Người bệnh vẩy nến diện rộng;
- Bệnh nhân tiểu đường, tâm thần, loét dạ dày - tá tràng, nhiễm khuẩn đi kèm nhiễm virus, nhiễm nấm toàn thân.
2. Cách dùng và liều dùng thuốc Vataxon
Cách dùng:
- Thuốc Vataxon được bào chế dưới dạng kem bôi ngoài da, tuyệt đối không được sử dụng theo đường uống;
- Trước khi bôi thuốc hãy rửa sạch vùng da bị tổn thương, lau khô và lấy một lượng thuốc vừa đủ thoa một lớp mỏng lên da;
- Nếu muốn hiệu quả điều trị tăng lên, sau khi bôi thuốc có thể tiến hành băng kín vùng da đó trong lần đầu tiên bôi thuốc (thường băng kín qua đêm là đủ để mang lại tác dụng mong muốn), không cần băng đối với các lần sau.
Liều dùng:
- Mỗi ngày thực hiện bôi thuốc 1 - 2 lần tùy vào tình trạng bệnh cụ thể cho đến khi kiểm soát được bệnh;
- Chỉ nên sử dụng thuốc Vataxon đối với các đợt điều trị ngắn hạn, nếu cần điều trị liên tục trong thời gian dài hãy sử dụng các loại Corticoid có hoạt tính thấp hơn;
- Có thể lặp lại các đợt điều trị ngắn hạn bằng Clobetasol propionate để có thể kiểm soát các đợt bệnh trở lại trầm trọng;
- Nếu sau 2 - 4 tuần sử dụng thuốc mà không thấy tình trạng bệnh tiến triển tốt thì nên ngưng dùng thuốc và đến khoa da liễu ở bệnh viện để khám lại và được hướng dẫn phương pháp điều trị phù hợp hơn.
- Trường hợp quên liều, người bệnh cần sử dụng liều để bổ sung ngay khi nhớ ra. Hãy bỏ qua liều đã quên nếu gần đến thời điểm sử dụng liều tiếp theo, bôi liều tiếp theo như đúng dự định. Chú ý không bôi gấp đôi liều.
- Trường hợp quá liều cấp tính rất ít khi xảy ra, nếu sử dụng sai cách hoặc quá liều mãn tính có thể gây cường vỏ thượng thận, cần ngưng sử dụng ngay. Nếu không cố ý sử dụng quá liều mà xuất hiện các tác dụng phụ nghiêm trọng, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ xử lý kịp thời.
3. Tác dụng phụ của thuốc Vataxon
Cũng như nhiều loại corticoid tác dụng tại chỗ khác, khi được dùng với một lượng lớn kéo dài hoặc được điều trị trên một diện tích da rộng, thuốc có thể được hấp thụ toàn thân với một lượng lớn đủ để gây ra các triệu chứng của tình trạng cường vỏ thượng thận. Tác dụng này có khả năng xảy ra cao hơn đối với những trẻ nhũ nhi và trẻ em, đặc biệt ở trong trường hợp điều trị thuốc có băng kín. Ở đối tượng trẻ nhũ nhi, tã lót có tác dụng như băng kín vùng da được bôi thuốc;
Liều lượng thuốc không quá 50g mỗi 7 ngày đối với người lớn có thể gây ra tình trạng ức chế trục hạ đồi - yên - thượng thận. Triệu chứng thường chỉ là thoáng qua và hồi phục nhanh chóng sau khi ngưng liệu pháp điều trị ngắn ngày;
Việc điều trị kéo dài với liều cao thuốc Vataxon tác dụng mạnh có thể gây hiện tượng teo da tại chỗ như mỏng da, các vết nứt da, giãn các mạch máu bề mặt, đặc biệt trong khi dùng thuốc có băng kín hoặc trên vùng nếp gấp da;
Có những báo cáo đã ghi nhận sự thay đổi sắc tố da và rậm lông khi sử dụng thuốc Vataxon bôi da. Trong một số trường hợp hiếm gặp, việc điều trị hoặc ngưng điều trị bệnh vẩy nến bằng corticoid được cho là đã khởi phát dạng mụn mủ của bệnh;
Tác dụng phụ khác: Rối loạn tiêu hóa, mắt, tâm thần, thần kinh, nội tiết, điện giải, cơ xương, chuyển hóa,...
Nếu gặp bất kỳ tác dụng phụ nào của thuốc Vataxon, người bệnh nên thông báo ngay cho bác sĩ để được tư vấn xử lý kịp thời.
4. Thận trọng khi dùng thuốc Vataxon
Một số điều người bệnh cần nhớ trước và trong khi sử dụng thuốc Vataxon:
- Rửa tay thật sạch trước và sau khi tiến hành bôi thuốc;
- Tránh để thuốc dính vào vùng mắt, nách, háng;
- Không dùng thuốc để điều trị lâu dài, đặc biệt là đối tượng trẻ nhỏ bởi thuốc có thể gây tình trạng teo da, nhất là ở vùng da mặt;
- Thận trọng khi bôi thuốc ở vùng da quanh miệng, mắt;
- Vệ sinh da sạch sẽ trước khi bôi thuốc và thận trọng khi băng kín bởi nếu băng kín thì da sẽ ẩm hơn, tạo điều kiện cho sự phát triển của vi khuẩn gây nhiễm trùng;
- Hiện chưa có báo cáo về ảnh hưởng của thuốc Vataxon đối với phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú. Nhưng các đối tượng này chỉ sử dụng Vataxon trong trường hợp thật sự cần thiết, không được dùng trong thời gian dài liên tục hoặc lượng thuốc quá lớn.
5. Tương tác thuốc Vataxon
Tương tác thuốc có thể làm gia tăng các phản ứng bất lợi, tác dụng phụ của thuốc hoặc ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị của một/một vài loại thuốc. Để bảo đảm an toàn và hiệu quả sử dụng, người bệnh hãy thông báo với bác sĩ về tất cả các loại thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe mình đang dùng và các bệnh khác bạn mắc phải. Bệnh nhân không được tự ý dùng thuốc/ngừng dùng thuốc hoặc thay đổi liều dùng, đường dùng, thời gian dùng thuốc,... nếu chưa được bác sĩ cho phép.
Một số tương tác thuốc của Vataxon gồm:
- Nếu dùng đồng thời thuốc Vataxon với Paracetamol sẽ làm tăng chuyển hóa Paracetamol độc với gan. Do vậy, việc phối hợp thuốc sẽ tăng nguy cơ nhiễm độc nếu sử dụng liều cao Paracetamol hay kéo dài;
- Nếu dùng đồng thời thuốc Vataxon với thuốc chống trầm cảm 3 vòng có nguy cơ làm tăng rối loạn tâm thần do Corticosteroid gây ra;
- Nếu dùng đồng thời thuốc Vataxon với Insulin và thuốc chống tiểu đường theo đường uống sẽ làm tăng Glucose huyết, có thể cần chú ý điều chỉnh liều dùng thuốc cho phù hợp;
- Nếu dùng đồng thời thuốc Vataxon với Ephedrine, Glycosid digitalis, Phenobarbital, Phenytoin, Rifampicin sẽ làm tăng tác dụng chuyển hóa đồng thời giảm tác dụng của thuốc;
- Nếu dùng đồng thời thuốc Vataxon với Estrogen sẽ làm tăng độc tính và tác dụng điều trị của thuốc;
- Nếu dùng đồng thời thuốc Vataxon với thuốc chống đông loại Coumarin, Aspirin sẽ làm thay đổi hoạt tính chống đông của thuốc;
- Nếu dùng đồng thời thuốc Vataxon với thuốc NSAIDs, rượu có thể làm gia tăng mức độ loét đường tiêu hóa;
- Thuốc Vataxon làm tăng nồng độ Salicylat;
- Nếu dùng đồng thời thuốc Vataxon với thuốc chứa Corticosteroid sẽ làm tăng nguy cơ quá liều đến ức chế trục dưới đồi - tuyến yên - vùng thượng thận.
Trong quá trình sử dụng thuốc Vataxon, người bệnh cần nghiêm chỉnh tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ, đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng thuốc để mang lại hiệu quả trị bệnh cao nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.