Công dụng thuốc Urostad 40

Tình trạng ứ nước gây phù xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tùy từng trường hợp cụ thể mà bệnh nhân có thể được chỉ định sử dụng thuốc lợi tiểu Urostad 40. Vậy Urostad 40 là thuốc gì? Công dụng thuốc Urostad 40 như thế nào?

1. Công dụng thuốc Urostad 40

Urostad 40 là thuốc gì? Thuốc Urostad 40 có thành phần chính lợi tiểu Furosemid hàm lượng 40mg. Furosemid thuộc nhóm thuốc lợi tiểu, là dẫn chất của sulfonamid với tác dụng mạnh, nhanh và phụ thuộc liều lượng.

Urostad 40 tác dụng ở nhánh lên của quai Henle, vì vậy được phân loại vào nhóm lợi tiểu quai. Tác dụng lợi tiểu của thuốc Urostad 40mg ở mức độ mạnh, do đó kéo theo tác dụng hạ huyết áp nhưng thường yếu hơn các nhóm thuốc khác. Ở bệnh nhân phù phổi, hoạt chất Furosemid gây tăng thể tích tĩnh mạch, do đó làm giảm huyết áp tiền gánh cho thất trái trước khi thấy rõ tác dụng lợi tiểu.

Thuốc Urostad 40 được chỉ định điều trị trong những trường hợp sau:

  • Phù phổi cấp;
  • Ứ nước, phù do bệnh lý tim mạch, gan thận và một số nguyên nhân khác;
  • Urostad 40 hỗ trợ điều trị tăng huyết áp khi kèm theo tổn thương thận;
  • Urostad 40 điều trị tăng calci máu.

Ngược lại, sản phẩm Urostad 40mg chống chỉ định sử dụng cho những đối tượng sau:

  • Người có tiền sử dị ứng với Furosemid hay các dẫn chất sulfonamid khác (ví dụ như sulfamid điều trị đái tháo đường);
  • Không sử dụng Urostad 40 cho bệnh nhân đang trong tình trạng tiền hôn mê gan, hôn mê gan;
  • Urostad 40 không được sử dụng cho bệnh nhân vô niệu hoặc suy thận do các thuốc độc thận hoặc gan.

2. Liều dùng của thuốc Urostad 40mg

Phù do các nguyên nhân:

  • Liều khởi đầu là 40mg/ngày (1 viên Urostad 40), sau đó có thể điều chỉnh liều nếu cần thiết và tùy theo đáp ứng của bệnh nhân;
  • Những bệnh nhân phù nhẹ có thể uống 1⁄2 viên Urostad 40/ngày hoặc 1 viên Urostad 40 uống cách ngày;
  • Một vài trường hợp phù nghiêm trọng có thể tăng liều lên 80mg (2 viên thuốc Urostad 40mg) hoặc cao hơn, chia uống 1 hoặc 2 lần trong ngày và có thể tăng liều tối đa đến 600 mg/ngày;
  • Với trẻ em, liều thường dùng đường uống của Furosemid là 1-3mg/kg/ngày và tối đa 40mg/ngày.

Tăng huyết áp:

  • Urostad 40 không phải là thuốc chính trong điều trị tăng huyết áp, đòi hỏi phải phối hợp với các thuốc điều trị tăng huyết áp khác để điều trị tăng huyết áp ở người có đúng chỉ định;
  • Liều dùng đường uống của Furosemid là 40-80mg/ngày (1-2 viên thuốc Urostad 40) dùng đơn độc hoặc phối hợp với các thuốc hạ huyết áp khác.

Tăng calci huyết:

  • Liều khuyến cáo là 120mg/ngày (3 viên thuốc Urostad 40) uống 1 lần duy nhất hoặc có thể chia 2-3 lần.

Người cao tuổi nhạy cảm hơn với các tác dụng phụ của thuốc Urostad 40 dù dùng liều tương tự ở người trưởng thành.

3. Tác dụng phụ của thuốc Urostad 40mg

Khi sử dụng thuốc Urostad 40, bệnh nhân có nguy cơ gặp các tác dụng không mong muốn (ADR), tuy nhiên vấn đề này chủ yếu xảy ra khi điều trị ở liều cao (chiếm 95% trưởng hợp có phản ứng có hại).

Một số tác dụng phụ thường gặp của Urostad 40:

  • Giảm thể tích tuần hoàn khi sử dụng liều cao;
  • Hạ huyết áp thế đứng;
  • Hạ kali máu, giảm natri và magnesi huyết;
  • Giảm calci huyết;
  • Tăng acid uric máu;
  • Nhiễm kiềm do giảm clo máu.

Một số tác dụng ngoại ý ít gặp và hiếm gặp của thuốc Urostad 40: Rối loạn tiêu hóa gây buồn nôn, nôn ói; giảm số lượng bạch cầu và tiểu cầu, mất bạch cầu hạt; dị cảm; ù tai, giảm thính lực có hồi phục (khi dùng Furosemid liều cao).

4. Một số thận trọng khi dùng thuốc Urostad 40mg

Thận trọng khi chỉ định Urostad 40 cho người bệnh phì đại tuyến tiền liệt hoặc tiểu khó vì Furosemid có thể thúc đẩy bệnh nhân đi tiểu.

Urostad 40 có chứa thành phần tá dược Lactose, do đó không nên sử dụng ở bệnh nhân có các vấn đề về di truyền như không dung nạp galactose, thiếu hụt enzym lactase toàn phần hoặc người mắc chứng kém hấp thu glucose-galactose.

Khuyến cáo bệnh nhân đang dùng Urostad 40 cần thận trọng khi lái xe hoặc vận hành máy móc phức tạp do thuốc có thể gây hạ huyết áp tư thế đứng và đau đầu.

Thiazid, các thuốc lợi tiểu nhóm thiazid và các thuốc lợi tiểu quai (như Urostad 40) đều qua được hàng rào nhau thai để đến tuần hoàn thai nhi và có thể dẫn đến tình trạng rối loạn nước và chất điện giải. Với thiazid và dẫn chất, nhiều trường hợp giảm tiểu cầu ở trẻ sơ sinh đã được báo cáo và nguy cơ tương tự với thuốc lợi tiểu quai như Furosemid và Buretamid. Do đó trong 3 tháng cuối thai kỳ, Urostad 40 chỉ được dùng khi không có thuốc thay thế, và chỉ định ở liều thấp nhất trong thời gian ngắn nhất.

Dùng thuốc Urostad 40 trong thời gian cho con bú có thể dẫn đến nguy cơ ức chế tiết sữa, do đó những trường hợp này nên ngừng cho con bú.

5. Tương tác thuốc của Urostad 40mg

  • Urostad 40 kết hợp với Cephalothin hay Cephaloridin làm tăng độc tính thận;
  • Muối lithi: Urostad 40 làm tăng nồng độ lithi máu và có thể gây ngộ độc, do đó nên tránh kết hợp thuốc này nếu không theo dõi được lithi máu chặt chẽ;
  • Kháng sinh Aminoglycosid khi dùng đồng thời với Urostad 40 làm tăng độc tính cho tai và thận do đó nên hạn chế việc dùng cùng lúc;
  • Glycosid tim có thể tăng độc tính do hạ Kali máu liên quan đến Urostad 40, điều này đòi hỏi phải theo dõi nồng độ kali huyết và điện tâm đồ thường xuyên;
  • Corticosteroid sẽ gây tăng thải Kali máu và cành trầm trọng hơn khi dùng chung với Urostad 40;
  • Urostad 40 kết hợp các thuốc điều trị đái tháo đường làm tăng nguy cơ tăng glucose huyết, do đó bệnh nhân cần được theo dõi và điều chỉnh liều thuốc điều trị đái tháo đường cho phù hợp;
  • Thuốc giãn cơ không khử cực: Urostad 40 sẽ làm tăng tác dụng giãn cơ;
  • Thuốc chống đông: Urostad 40 làm tăng hiệu quả chống đông, thậm chí gây rối loạn đông máu;
  • Cisplatin kết hợp với thuốc Urostad 40 dẫn đến tăng độc tính thính giác, do đó cần tránh kết hợp này;
  • Các thuốc hạ huyết áp khi dùng với Urostad 40 làm tăng tác dụng hạ áp và đòi hỏi điều chỉnh liều khi cần, đặc biệt là thuốc ức chế men chuyển angiotensin.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe