Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Văn Hùng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Trong các bệnh lý tim mạch thì cơn tăng huyết áp kịch phát là một trong những nguy cơ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng. Sự hình thành cơn tăng huyết áp kịch phát do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có sự chủ quan của người bệnh là một yếu tố quan trọng.
1. Tăng huyết áp kịch phát là gì?
Tăng huyết áp kịch phát là sự tăng đột ngột của số đo huyết áp vượt rất cao so với huyết áp bình thường và gây hậu quả nghiêm trọng lên nhiều cơ quan của cơ thể tại thời điểm huyết áp tăng cao. Huyết áp tâm thu thường tăng trên 180mmHg và huyết áp tâm trương thường tăng trên 120 mmHg.
Khi huyết áp tăng cao đột ngột và có các triệu chứng như: nhức đầu, đau tức ngực, hoa mắt chóng mặt, có hiện tượng “ruồi bay”, khó thở, nôn, mệt mỏi đi kèm được gọi là cơn tăng huyết áp kịch phát.
Nó có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: tai biến mạch máu não, phù phổi cấp, suy tim, đau thắt ngực...rất nguy hiểm đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Chính vì vậy, điều trị kịp thời và đặc biệt có biện pháp dự phòng cơn tăng huyết áp là điều cần thiết.
Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về huyết áp cao không?
Huyết áp cao còn được gọi là kẻ giết người thầm lặng vì bệnh thường không có triệu chứng. Thiếu hụt kiến thức về huyết áp cao có thể làm cho tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Dưới đây là những câu hỏi trắc nghiệm vui giúp bạn hiểu đúng về bệnh cao huyết áp.2. Đối tượng dễ mắc tăng huyết áp kịch phát
Trước hết đó là những người đã từ lâu không thăm khám sức khỏe và bị tăng huyết áp từ lâu nay nhưng không biết và chỉ khi có cơn tăng huyết áp kịch phát thì mới được phát hiện. Điều đáng tiếc có thể đi kèm với cơn tăng huyết áp kịch phát là những biểu hiện nặng như cơn phù phổi cấp do suy tim trái hoặc những dấu hiệu của vỡ mạch máu não như hôn mê hoặc liệt nửa người...
Tăng huyết áp là bệnh thường gặp ở những người có tuổi và những người trẻ tuổi nhưng có thể trạng béo phì, người mắc bệnh đái tháo đường, rối loạn mỡ máu nên đo huyết áp định kỳ, mỗi năm 3-4 lần để phát hiện tăng huyết áp. Người bình thường mà có cảm giác hay nhức đầu, nặng mặt, nóng đỏ mặt, nhịp tim nhanh cũng nên đo huyết áp để có thể phát hiện kịp thời bệnh tăng huyết áp.
Cơn tăng huyết áp kịch phát còn gặp ở người bị tăng huyết áp nhưng không điều trị bằng thuốc đầy đủ theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc đang được điều trị nhưng lại dừng thuốc đột ngột. Cũng có thể gặp ở những bệnh nhân tăng huyết áp được điều trị bằng thuốc nhưng những thuốc hạ áp này có tác dụng không đầy đủ, không được điều chỉnh kịp thời do người bệnh không đến khám lại theo chỉ dẫn của thầy thuốc.
Cơn tăng huyết áp kịch phát cũng có thể xảy ra nếu người bệnh gặp những sang chấn tinh thần mạnh hoặc khi có những biến đổi đột ngột của thời tiết, khí hậu (bão từ) mặc dù đã được điều trị đầy đủ bằng thuốc trước đó.
Ngoài ra, những trường hợp tăng huyết áp có nguyên nhân nhưng không phát hiện ra hoặc không được chẩn đoán đúng cũng là những đối tượng dễ bị cơn tăng huyết áp kịch phát. Thuốc chống tăng huyết áp chỉ hạ áp một cách tạm thời và có những thời điểm trong ngày thuốc hạ áp không khống chế được số đo huyết áp. Trong số những nguyên nhân gây tăng huyết áp, u thượng thận gây hội chứng Crohn và Pheocromocytoma hoặc hẹp động mạch thận là những nguyên nhân thường gặp.
3. Biến chứng nguy hiểm của tăng huyết áp kịch phát
Biến chứng thường gặp nhất của tăng huyết áp kịch phát là suy tim trái cấp tính (cả thất trái và nhĩ trái), làm cho bệnh nhân đồng thời xuất hiện phù phổi cấp.
Tăng huyết áp kịch phát có thể dẫn đến vỡ mạch máu não gây ra những dấu hiệu thần kinh khu trú như liệt nửa người, liệt nửa mặt và/hoặc liệt cơ vùng hầu họng làm cho người bệnh khó nói, khó nuốt.
Nặng hơn, bệnh nhân có thể bị hôn mê ngay trong những giờ đầu, dẫn đến tàn phế hoặc nguy hiểm hơn là tử vong.
Tăng huyết áp kịch phát có thể dẫn đến tách thành động mạch chủ. Lớp áo trong và giữa của động mạch chủ của những người bị tăng huyết áp thường bị xơ vữa, khi áp lực lên thành động mạch tăng lên đột ngột do huyết áp tăng có thể làm nứt và vỡ lớp áo trong và giữa của thành động mạch chủ. Từ đó máu sẽ chảy vào các khe nứt gây phình và bóc tách động mạch chủ.
Tăng huyết áp kịch phát là một trong những nguyên nhân dẫn đến suy thận cấp.
Mù vĩnh viễn cũng là một hậu quả do tăng huyết áp kịch phát gây ra, đó là tình trạng xuất huyết nặng ở đáy mắt và vỡ động mạch trung tâm võng mạc khi huyết áp tăng quá cao và đột ngột.
4. Phòng ngừa
- Giữ cân nặng hợp lý
- Ăn uống lành mạnh
- Tăng cường vận động thể dục thể thao
- Hạn chế sử dụng chất kích thích
- Nghỉ ngơi, thư giãn
- Dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện cung cấp hai Gói khám tăng huyết áp giúp khách hàng lựa chọn: Gói khám Tăng huyết áp cơ bản và Gói khám Tăng huyết áp nâng cao.
Dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; Hệ thống trang thiết bị hiện đại, hỗ trợ chẩn đoán và điều trị hiệu quả; Không gian khám chữa bệnh hiện đại, văn minh, sang trọng và tiệt trùng tối đa.... Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ hoàn hảo để chăm sóc sức khỏe cho bạn và người thân.
Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Văn Hùng đã có 30 năm kinh nghiệm về khám và điều trị các bệnh lý nội khoa, đặc biệt về chuyên khoa Nội tim mạch: động mạch vành, suy tim, van tim, rối loạn nhịp tim...Thạc sĩ, Bác sĩ Hùng từng giữ chức Phó Trưởng khoa Nội Tim mạch và Trưởng Đơn vị Tim mạch Can thiệp tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng và hiện đang làm việc tại Khoa Khám bệnh và Nội khoa, Nội Tim mạch, Tim mạch Can thiệp tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.