Thuốc Tegrucil 1mg được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần chính là Acenocoumarol. Thuốc được sử dụng trong dự phòng biến chứng huyết khối tắc mạch do bệnh tim gây tắc mạch, nhồi máu cơ tim,...
1. Công dụng của thuốc Tegrucil 1 mg
Tegrucil 1 mg là thuốc gì? Thuốc có thành phần chính là Acenocoumarol 1mg. Acenocoumarol là 1 dẫn chất coumarin kháng vitamin A, có tác dụng chống đông máu bằng cách gián tiếp ngăn cản sự tổng hợp các dạng hoạt động của những yếu tố đông máu II, VII, IX, X. So với warfarin và phenprocoumon thì Acenocoumarol có lợi thế là thời gian tác dụng của thuốc ngắn hơn.
Chỉ định sử dụng thuốc Tegrucil 1 mg:
- Bệnh tim gây tắc mạch: Dự phòng biến chứng huyết khối tắc mạch do bệnh van 2 lá, van nhân tạo, rung nhĩ;
- Nhồi máu cơ tim: Dự phòng biến chứng huyết khối tắc mạch trong các trường hợp nhồi máu cơ tim biến chứng như rối loạn chức năng thất trái nặng, huyết khối trên thành tim, loạn động thất trái gây tắc mạch nếu điều trị tiếp thay cho heparin; dự phòng tái phát nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân không dùng được aspirin;
- Điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu và nghẽn mạch phổi, dự phòng tái phát khi điều trị thay thế tiếp cho heparin;
- Dự phòng huyết khối trong ống thông;
- Dự phòng nghẽn mạch phổi và huyết khối tĩnh mạch trong phẫu thuật khớp háng.
Chống chỉ định sử dụng thuốc Tegrucil 1 mg:
- Bệnh nhân mẫn cảm với các dẫn chất coumarin hoặc các thành phần khác của thuốc;
- Người bị thiếu hụt vitamin C, loạn sản máu, viêm màng trong tim do vi khuẩn hoặc mắc phải rối loạn máu làm tăng nguy cơ xuất huyết;
- Bệnh nhân tăng huyết áp nặng;
- Người bệnh suy gan, đặc biệt khi thời gian prothrombin bị kéo dài;
- Người có nguy cơ chảy máu, mới can thiệp ngoại khoa về mắt và thần kinh hoặc khả năng phải mổ lại;
- Bệnh nhân tai biến mạch máu não (trừ trường hợp nghẽn mạch máu ở nơi khác);
- Người bệnh suy thận nặng, có ClCr dưới 20ml/phút;
- Bệnh nhân loét dạ dày - tá tràng tiến triển;
- Người bệnh giãn tĩnh mạch thực quản;
- Không phối hợp thuốc Tegrucil 1 mg với aspirin liều cao, miconazol dùng toàn thân - âm đạo, thuốc chống viêm không steroid nhân pyrazol, cloramphenicol, diflunisal, phenylbutazon;
- Phụ nữ mang thai và trong vòng 48 giờ sau khi sinh con.
2. Cách dùng và liều dùng thuốc Tegrucil 1 mg
Cách dùng: Uống nguyên viên thuốc Tegrucil 1 mg với 1 cốc nước.
Liều dùng: Cần được điều chỉnh nhằm ngăn cản cơ chế đông máu tới mức không xảy ra huyết khối nhưng cần tránh được nguy cơ chảy máu tự phát. Liều dùng được bác sĩ chỉ định tùy thuộc đáp ứng điều trị của từng bệnh nhân. Cụ thể:
- Liều dùng thông thường: Ngày đầu là 4mg/ngày, ngày thứ 2 là 4 - 8mg/ngày. Liều dùng duy trì là 1 - 8mg/ngày tùy đáp ứng sinh học. Việc điều chỉnh liều dùng thường tiến hành theo từng nấc 1mg. Acenocoumarol thường sẽ được uống 1 lần vào cùng 1 thời điểm trong mỗi ngày. Nên theo dõi sinh học để điều chỉnh liều dùng thuốc cho phù hợp;
- Người cao tuổi: Liều khởi đầu thấp hơn so với liều của người lớn. Liều trung bình cân bằng trong điều trị là bằng 1⁄2 tới 3⁄4 liều của người lớn;
- Điều trị nối tiếp heparin: Do tác dụng chống đông máu chậm của các thuốc kháng vitamin K, heparin được duy trì với liều không đổi trong suốt thời gian cần thiết (tức là tới khi INR nằm trong trị số mong muốn 2 ngày liên tiếp). Nếu có giảm tiểu cầu do heparin, không cho bệnh nhân sử dụng kháng vitamin K sớm ngay sau khi ngừng heparin vì nguy cơ làm tăng đông máu do protein S bị giảm sớm. Chỉ cho bệnh nhân dùng thuốc kháng vitamin K sau khi đã dùng thuốc kháng thrombin;
- Trẻ em: Kinh nghiệm sử dụng thuốc Tegrucil 1 mg ở trẻ em còn hạn chế nên không dùng thuốc cho trẻ;
- Bệnh nhân suy thận: Chống chỉ định sử dụng Tegrucil 1 mg ở bệnh nhân suy thận nặng, thận trọng khi dùng ở người bệnh suy thận nhẹ tới trung bình;
- Suy gan: Chống chỉ định sử dụng thuốc Tegrucil 1 mg ở bệnh nhân suy gan nặng, thận trọng khi dùng thuốc ở người bệnh suy gan nhẹ và trung bình.
Quá liều: Xử trí quá liều thuốc Tegrucil 1 mg thường căn cứ vào INR và các dấu hiệu chảy máu. Các biện pháp điều trị chỉnh thực hiện tuần tự để không gây huyết khối. Nếu đã dừng thuốc chống đông nhưng không dùng vitamin K thì cần xét nghiệm lại INR 2 - 3 ngày sau để đảm bảo INR đã giảm.
Quên liều: Hiệu quả chống đông của Acenocoumarol kéo dài trên 24 giờ. Nếu người bệnh quên uống thuốc đúng giờ, nên uống thuốc vào thời gian sớm nhất có thể trong cùng 1 ngày. Đồng thời, người bệnh nên báo với bác sĩ để được theo dõi.
3. Tác dụng phụ của thuốc Tegrucil 1 mg
Khi sử dụng thuốc Tegrucil 1 mg, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:
- Thường gặp: Chảy máu nướu răng, chảy máu mũi, xuất hiện tụ máu, có máu trong nước tiểu, lượng máu hành kinh nhiều, khó thở, mệt mỏi, đau đầu, khó chịu không giải thích được,...;
- Ít gặp: Tiêu chảy (có thể kèm theo phân nhiễm mỡ), đau khớp riêng lẻ;
- Hiếm gặp: Hoại tử da khu trú, rụng tóc, nổi mẩn da dị ứng;
- Rất hiếm gặp: Viêm mạch máu, tổn thương gan.
Khi gặp các tác dụng phụ của thuốc Tegrucil 1 mg, người bệnh nên ngưng sử dụng thuốc và thông báo cho bác sĩ để được xử trí kịp thời.
4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Tegrucil 1 mg
Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi sử dụng thuốc Tegrucil 1 mg:
- Lưu ý tới khả năng nhận thức của người bệnh trong quá trình điều trị để tránh nguy cơ uống nhầm thuốc. Nên hướng dẫn bệnh nhân cẩn thận để tuân thủ chỉ định chính xác, hiểu rõ nguy cơ và có thái độ xử lý, đặc biệt với người có tuổi;
- Kinh nghiệm dùng thuốc Tegrucil 1 mg ở trẻ em còn hạn chế, không sử dụng thuốc cho trẻ;
- Nhấn mạnh tới việc uống thuốc Tegrucil 1 mg đều hằng ngày vào cùng 1 thời điểm;
- Nên xét nghiệm kiểm tra INR định kỳ và tại cùng 1 nơi. Trong trường hợp can thiệp ngoại khoa, nên xem xét từng trường hợp nhằm điều chỉnh, tạm thời ngưng dùng thuốc chống đông máu. Cần căn cứ vào nguy cơ huyết khối của bệnh nhân và nguy cơ chảy máu liên quan tới từng loại phẫu thuật;
- Theo dõi cẩn thận, điều chỉnh liều dùng thuốc Tegrucil 1 mg phù hợp ở người bệnh suy thận, suy gan hoặc hạ protein máu;
- Tai biến xuất huyết dễ xảy ra ở những tháng đầu điều trị với thuốc Tegrucil 1 mg. Nên theo dõi chặt chẽ, đặc biệt nếu người bệnh từ bệnh viện trở về nhà, không nên dừng thuốc đột ngột;
- Chế phẩm Tegrucil 1 mg có chứa lactose monohydrat. Không nên sử dụng thuốc này cho bệnh nhân thiếu enzyme lapp lactase, không dung nạp galactose do di truyền hoặc bị suy giảm hấp thu glucose, galactose;
- Chưa có báo cáo về ảnh hưởng của thuốc Tegrucil 1 mg khi lái xe hoặc vận hành máy móc. Người bệnh cần thận trọng và nguy cơ chảy máu do bị thương khi đang sử dụng thuốc chống đông máu;
- Chống chỉ định sử dụng thuốc Tegrucil 1 mg ở phụ nữ mang thai vì có nguy cơ dị dạng thai nhi, sảy thai. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên sử dụng các biện pháp tránh thai có hiệu quả khi dùng thuốc Acenocoumarol;
- Thuốc Acenocoumarol đi qua sữa mẹ nên tránh cho con bú khi dùng thuốc này. Nếu phải cho con bú thì nên bù vitamin K ở liều hằng ngày cho trẻ.
5. Tương tác thuốc Tegrucil 1 mg
Rất nhiều loại thuốc có thể tương tác với thuốc kháng vitamin K, cần theo dõi người bệnh 3 - 4 ngày sau khi thêm/bớt thuốc phối hợp. Một số tương tác thuốc của Tegrucil 1 mg gồm:
- Không phối hợp Tegrucil với Aspirin (liều cao trên 3g/ngày) vì sẽ làm tăng tác dụng chống đông máu và nguy cơ chảy máu (do ức chế tập kết tiểu cầu và chuyển dịch thuốc chống đông máu ra khỏi liên kết với protein huyết tương);
- Không phối hợp Tegrucil với Miconazol vì gây xuất huyết bất ngờ có thể nặng do tăng dạng tự do trong máu, ức chế chuyển hóa của thuốc kháng vitamin K;
- Không phối hợp Tegrucil với Phenylbutazon vì làm tăng tác dụng chống đông máu kết hợp với kích ứng niêm mạc đường tiêu hóa;
- Không phối hợp Tegrucil với thuốc chống viêm không steroid, nhóm pyrazol vì làm tăng nguy cơ chảy máu do ức chế tiểu cầu và kích ứng niêm mạc đường tiêu hóa;
- Không nên phối hợp Tegrucil với Cloramphenicol vì làm tăng tác dụng của thuốc chống đông máu do làm giảm chuyển hóa thuốc tại gan. Nếu không thể tránh phối hợp thì cần kiểm tra INR thường xuyên hơn, điều chỉnh liều trong và sau 8 ngày ngừng dùng thuốc Cloramphenicol;
- Không nên phối hợp Tegrucil với Diflunisal vì làm tăng tác dụng của thuốc chống đông máu do cạnh tranh liên kết với protein huyết tương. Người bệnh nên dùng thuốc giảm đau khác như Paracetamol;
- Một số thuốc có thể làm tăng tác dụng chống đông máu của Acenocoumarol: Allopurinol, benzbromaron, anabolic steroids, androgen, thuốc chống loạn nhịp tim (amiodaron, quinidin, propafenon), thuốc kháng sinh (amoxicillin, co-amoxiclav; macrolid như erythromycin, clarithromycin), cephalosporin thế hệ II và III, metronidazol, các quinolon (ciprofloxacin, norfloxacin, ofloxacin), neomycin, các tetracyclin;
- Thận trọng khi phối hợp Tegrucil với các dẫn xuất của imidazol (econazol, fluconazol, ketoconazol), các sulfonamid, các fibrat, dẫn xuất và các chất cấu trúc tương tự fibrat (fenofibrat, gemfibrozil), disulfiram, glucagon, acid ethacrynic, thuốc điều trị tiểu đường (glibenclamid), các sulphonylurea (tolbutamid và chlorpropamid), chất đối kháng H2 (cimetidin), Paracetamol;
- Thận trọng khi phối hợp Tegrucil với các hormone thyroid (dextrothyroxin), các statin (atorvastatin, fluvastatin, simvastatin), chất ức chế chọn lọc tái hấp thu serotonin (citalopram, fluoxetin, sertralin, paroxetin), tamoxifen, 5 - fluorouracil, tramadol, chất ức chế bơm proton (omeprazol), chất hoạt hóa plasminogen (urokinase, streptokinase, alteplase) chất ức chế thrombin (argatroban), pentoxifylin, orlistat, thuốc tăng nhu động (cisaprid), thuốc kháng acid (magnesi hydroxyd), viloxazin, chất ức chế CYP2C9;
- Các thuốc có thể làm giảm tác dụng chống đông của Acenocoumarol: Bosentan, aminoglutethimid, sucralfat, thuốc chống ung thư (azathioprin, 6 mercaptopurin, tamoxifen, raloxifen), các barbiturat (phenobarbital), cholestyramin, carbamazepin, griseofulvin, rifampicin, thuốc ngừa thai đường uống, chất ức chế HIV protease (ritonavir, nelfinavir), thuốc lợi tiểu thiazid, chất cảm ứng CYP2C9, CYP3A4 hoặc CYP2C19, vitamin E và các corticosteroid (methylprednisolon, prednison);
- Các thuốc có thể gây tăng hoặc giảm trên tác dụng chống đông của Acenocoumarol: Indinavir, nelfinavir, saquinavir, ritonavir, lopinavir, nevirapin, efavirenz;
- Acenocoumarol khi sử dụng đồng thời với các dẫn xuất hydantoin như phenytoin làm tăng nồng độ huyết thanh của hydantoin;
- Acenocoumarol khi sử dụng đồng thời với các dẫn xuất như glibenclamid, glimepirid làm tăng tác dụng hạ đường huyết;
- Rượu có thể ảnh hưởng tới tác dụng của thuốc Tegrucil 1 mg nên người bệnh không được uống bia rượu khi đang dùng thuốc;
- Tránh sử dụng thức ăn hay đồ uống làm từ trái nam việt quất khi dùng cùng với thuốc Tegrucil 1 mg vì làm tăng nguy cơ chống đông máu.
Khi sử dụng thuốc Tegrucil 1 mg, người bệnh nên làm theo mọi chỉ dẫn của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả điều trị bệnh và giảm nguy cơ xảy ra những tác dụng phụ nguy hiểm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.