Nhồi máu cơ tim thường gây ra bởi có sự hình thành cục máu đông ở trong lòng mạch, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như ngừng tim dẫn đến tử vong. Vậy có thể điều trị nhồi máu cơ tim bằng cách nào? Có các loại thuốc điều trị nhồi máu cơ tim nào?
1. Nhồi máu cơ tim là gì?
Nhồi máu cơ tim là một tình trạng hoại tử trên một vùng cơ tim do sự thiếu máu cục bộ cơ tim kéo dài. Nguyên nhân thường do sự hình thành của các cục máu đông (huyết khối) trong lòng của động mạch vành gây ra sự tắc nghẽn và làm hoại tử vùng cơ tim mà động mạch vành đó đang nuôi dưỡng.
Có rất nhiều biện pháp có thể áp dụng trong điều trị nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, dù áp dụng bất cứ biện pháp nào cũng không thể thiếu được các nhóm thuốc điều trị nhồi máu cơ tim.
Đau ngực là được xem là triệu chứng cảnh báo rõ ràng nhất, cơn đau ngực thường xảy ra ở giữa xương ức và có thể kéo dài một vài phút. Cơn đau có thể xuất hiện, rồi mất đi và lại xuất hiện. Cơn đau có thể được diễn tả như có gì đó ép lên ngực, như dao đâm hoặc cảm thấy nghẹt thở. Ngoài ra, cơn đau có thể xuất hiện ở các vị trí khác như trên cổ, sau lưng, dưới dạ dày hoặc trên hàm. Một số triệu chứng khác có thể đi kèm như nôn, lạnh toát mồ hôi, đau đầu nhẹ. Khuyến cáo bệnh nhân nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt khi có xuất hiện các cơn đau ngực như trên để được hỗ trợ kịp thời.
Nhồi máu cơ tim thường dễ xuất hiện trên đối tượng:
- Những người có nguy cơ cao mắc bệnh nhồi máu cơ tim là nam giới > 45 tuổi và nữ giới > 50 tuổi. Cũng có thể gặp với một tỉ lệ ít trên trên đối tượng người trẻ tuổi.
- Người có tiền sử nhồi máu cơ tim thì rất dễ tái phát lại.
- Nhồi máu cơ tim có yếu tố tiền sử gia đình như bố hoặc anh trai có nhồi máu cơ tim khi < 55 tuổi và mẹ, chị gái có nhồi máu cơ tim khi < 65 tuổi.
- Bệnh đái tháo đường có thể gây nên tình trạng có nguy cơ nhồi máu cơ tim cho người bệnh tương tự như ở bệnh nhân có tiền sử nhồi máu cơ tim.
- Ngoài ra còn có những người có các yếu tố nguy cơ cao khác như: huyết áp cao, rối loạn mỡ máu, béo phì, hút thuốc lá, ít hoạt động thể lực.
2. Các nhóm thuốc điều trị nhồi máu cơ tim
2.1. Các thuốc nhóm ức chế ngưng tập tiểu cầu
Các thuốc kháng ngưng tập tiểu cầu như: Aspirin, ticlopidine, ticagrelor, clopidogrel, và thuốc ức chế glycoprotein (GP) IIb/IIIa. Nếu không có các chống chỉ định về liều nạp, tất cả các bệnh nhân đều được chỉ định sử dụng Aspirin với hàm lượng 160 đến 325 mg (loại không có vỏ bọc ruột và liều 81 mg, ngày 1 lần dài hạn sau đó.
Đối với liều đầu tiên, người bệnh cần phải nhai trước khi nuốt để nhanh chóng hấp thụ. Aspirin có tác dụng giúp cải thiện nguy cơ tử vong ngắn và dài hạn. Nếu bệnh nhân không thể dùng Aspirin, có thể thay thế dùng Clopidogrel 75 mg uống ngày 1 lần hoặc dùng Ticlopidine với liều 250 mg/ 2 lần/ ngày. Ticlodine trong quá trình sử dụng có thể gây ran guy cơ làm giảm bạch cầu trung tính và thường phải tiến hành theo dõi số lượng bạch cầu nên Clopidogrel đã được sử dụng thường quy thay thế phần lớn Ticlodine.
2.2. Các thuốc nhóm ức chế thụ thể glycoprotein IIb/IIIa của tiểu cầu
Các thuốc nhóm ức chế thụ thể glycoprotein IIb/IIIa của tiểu cầu như: eptifibatide, abciximab, tirofibran... có tác dụng trong việc ức chế quá trình ngưng tập tiểu cầu. Vì vậy, nhóm thuốc này rất lý tưởng để điều trị nhồi máu cơ tim cấp tính. Nhược điểm của thuốc này là có giá thành cao.
2.3. Các thuốc nhóm chống đông
Heparin thường được dùng để dự phòng quá trình lan rộng của các cục máu đông trên lâm sàng. Theo đó có thể giúp ngăn ngừa sự xuất hiện của các huyết khối mới, huyết khối tại đại tuần hoàn và giúp đề phòng việc tắc lại của động mạch vành. Do tác dụng ức chế các yếu tố làm ổn định Fibrin nên Heparin còn giúp ngăn cản sự hình thành huyết khối bền vững. Việc sử dụng quá liều Heparin có thể gây ra các biến chứng chảy máu, nên trong quá trình sử dụng thuốc người bệnh cần phải được điều chỉnh liều thuốc phù hợp và theo dõi chặt chẽ chỉ số đông máu.
Heparin trọng lượng phân tử thấp: Đối với heparin trọng lượng phân tử thấp, có tác dụng gần tương tự với Heparin thường, những có ưu điểm hơn là không cần phải theo dõi chặt chẽ và đánh giá thường xuyên về tác dụng chống đông. Nên việc chỉ định sử dụng thuốc này trở nên đơn giản hơn và mang lại tác dụng kéo dài hơn. Nhóm thuốc này ít gây tai biến giảm tiểu cầu hơn so với Heparin thường. Các thuốc hay dùng là Fraxiparin, Levenox.
2.4. Các thuốc nhóm nitrate
Tác dụng chủ yếu của các thuốc thuộc nhóm nitrate là gây tình trạng giãn tĩnh mạch ở ngoại vi, giúp dẫn đến giảm lượng máu về tim kết hợp với giãn các tiểu động mạch dẫn đến sự giảm sức cản ngoại vi và từ đó làm giảm tiêu thụ oxy của cơ tim.
Thuốc cũng có tác dụng giãn động mạch vành nên chống được hiện tượng co thắt ở mạch vành. Khi các khu vực của cơ tim bị thiếu máu, thuốc còn có tác dụng giúp tăng cường tuần hoàn bàng hệ đến các khu vực đó. Khi người bệnh bị nhồi máu cơ tim, ngay khi thấy có cơn đau thắt ngực xuất hiện, cần dùng ngay loại thuốc có tác dụng nhanh như ngậm dưới lưỡi hay loại xịt dưới lưỡi (lenitral spray, natispray). Sau đó nếu các triệu chứng không thuyên giảm, đưa bệnh nhân đến bệnh viện, tại bệnh viện người bệnh sẽ được sử dụng Nitroglycerin (như Lenitral 10 ml có chứa 15 mg Nitroglycerin) dạng tiêm tĩnh mạch với liều khởi đầu thấp và có thể điều chỉnh tăng dần theo mức độ đáp ứng của mỗi cá thể bệnh nhân. Ngoài ra còn có loại tác dụng chậm dùng bằng đường uống như Nitromint, Lenitral.
Các thuốc thuộc nhóm này có thể gây ra các tác dụng không mong muốn thường gặp như: choáng váng, nhức đầu, hạ huyết áp, bốc hỏa, nhịp tim nhanh... Do vậy trong quá trình sử dụng cần thận trọng đối với các bệnh nhân đang sử dụng đồng thời các thuốc hạ huyết áp.
2.5. Các thuốc nhóm chẹn thụ thể bêta giao cảm
Các thuốc trong nhóm này có đối kháng cạnh tranh với các chất giao cảm từ đó giúp làm giảm sức co bóp của cơ tim, làm giảm tần số tim, giúp giảm nhu cầu tiêu thụ oxy của cơ tim và góp phần làm giảm đi sự lan rộng của vùng hoại tử cơ tim. Thuốc còn có thể giúp giảm và phòng các tai biến do rối loạn nhịp ngoại tâm thu thất gây ra. Chống chỉ định sử dụng thuốc này cho các trường hợp: tụt huyết áp, nhịp chậm, hen phế quản, Block nhĩ thất ở mức độ cao, choáng tim và suy tim.
Các thuốc chẹn thụ thể beta có chọn lọc cao trên tim hay được sử dụng là: metoprolol, atenolol, bisoprolol.
2.6. Các thuốc nhóm điều chỉnh rối loạn lipid máu
Nguyên nhân chủ yếu gây ra nhồi máu cơ tim là xơ vữa động mạch. Cholesterol máy đóng một vai trò quan trọng trong sự hình thành và sự tiến triển của mảng xơ vữa động mạch. Do vậy trong phác đồ điều trị nhồi máu cơ tim không thể thiếu được việc điều chỉnh các rối loạn lipid máu. Các thuốc ở nhóm này không những có tác dụng trong việc giảm các biến cố tim mạch ở bệnh nhân có rối loạn lipid máu mà còn giúp làm giảm ở cả những bệnh nhân không có rối loạn này.
Nhóm Statin là nhóm thuốc thường được dùng sau nhồi máu cơ tim ở hiện nay, như: simvastatin, rosuvastatin, atorvastatin.
2.7. Các thuốc nhóm chẹn (ức chế) kênh canxi
Các thuốc thuộc nhóm này được chia ra làm 2 nhóm có các chống chỉ định khác nhau ở mỗi nhóm. Nhóm Non Dihydropiridin (cần tôn trọng chặt chẽ các chống chỉ định của nhóm thuốc này do có tác dụng làm chậm nhịp tim và gây giảm sức co bóp của tim) và Dihydropiridin.
2.8. Các thuốc nhóm ức chế men chuyển
Ở những bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim, các thuốc thuộc nhóm này không chỉ có tác dụng trong việc hạ huyết áp mà còn có tác dụng trong chống rối loạn chức năng của thất trái, chức năng nội mạc mạch máu ở những bệnh nhân này, giúp làm giảm được các biến cố suy tim, nhồi máu cơ tim tái phát.
Thuốc thường được chỉ định sớm ngay khi bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim. Ho là tác dụng không mong muốn thường gặp nhất của nhóm thuốc này. Các thuốc hay được sử dụng là: enalapril, perindopril, tanatril, lisinopril, ... Bắt đầu sử dụng thuốc với liều thấp và điều chỉnh tăng dần liều phù hợp với mức độ đáp ứng của mỗi cá thể bệnh.
2.9. Các thuốc nhóm tiêu sợi huyết (tiêu cục huyết khối)
Các thuốc thuộc nhóm này có tác dụng điều trị vì làm tái lưu thông lại động mạch vành, làm mất đi sự cản trở cơ học giúp cung cấp máu trở lại cho vùng cơ tim đang bị thiếu máu trước đó. Cần dùng thuốc tiêu sợi huyết càng sớm càng tốt để đạt được hiệu quả điều trị tối ưu (nếu thời gian nhồi máu cơ tim quá 12 giờ không cần dùng thuốc nhóm tiêu sợi huyết).
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.