Công dụng thuốc Spirilix

Spirilix có thành phần chính là Sulpirid 50mg, thuộc nhóm thuốc hướng tâm thần. Thuốc được bào chế dưới dạng viên nang cứng, hộp 2 vỉ x 15 viên. Hiểu rõ tác dụng cũng như tuân thủ đúng chỉ định và liều dùng Spirilix sẽ giúp người bệnh nâng cao hiệu quả điều trị, phòng tránh các tác dụng phụ không mong muốn.

1. Công dụng thuốc Spirilix

Hoạt chất Sulpirid trong thuốc Spirilix thuộc nhóm Benzamid, có tác dụng chống rối loạn tâm thần bằng cách phong bế chọn lọc các thụ thể dopamin D2 ở não. Sulpirid là một thuốc trung gian giữa các thuốc an thần kinh và thuốc chống trầm cảm vì có cả 2 tác dụng đó. Sulpirid được sử dụng điều trị cho các bệnh loạn thần như tâm thần phân liệt. Sulpirid dùng liều cao giúp làm giảm các triệu chứng dương tính rầm rộ của bệnh tâm thần phân liệt nhưng liều thấp lại có tác dụng làm hoạt bát, nhanh nhẹn đối với người bị tâm thần phân liệt thờ ơ, thu mình không tiếp xúc với xã hội.

Sulpirid không làm mất cảm xúc của người bệnh như khi điều trị bằng các thuốc thuộc nhóm an thần kinh như Phenothiazin hoặc Butyrophenon.

2. Chỉ định của thuốc Spirilix

Spirilix được chỉ định trong các trường hợp:

  • Các rối loạn tâm thần, lo âu ở người lớn, nhất là sau khi thất bại với các điều trị thông thường;
  • Bệnh tâm thần phân liệt cấp và mạn tính.

3. Chống chỉ định của thuốc Spirilix

Thuốc Spirilix không được sử dụng trong những trường hợp:

  • Người bệnh có tiền sử mẫn cảm với Sulpirid hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc;
  • Hôn mê, ngộ độc rượu, trạng thái thần kinh bị ức chế do bệnh lý hoặc do thuốc;
  • u tuyến yên, ung thư vú, u tủy thượng thận hoặc các khối u phụ thuộc prolactin;
  • Rối loạn chuyển hóa Porphyrin cấp.

4. Liều dùng và cách sử dụng thuốc Spirilix

Cách sử dụng: Thuốc Spirilix được sử dụng bằng đường uống cho bệnh nhân từ 14 tuổi trở lên. Bệnh nhân nên nuốt toàn bộ viên thuốc Spirilix 50mg, không nên nhai, bẻ, nghiền nát vì có thể làm giảm hiệu quả của thuốc. Thuốc được sử dụng bất kỳ khi nào phù hợp với thời gian biểu của bệnh nhân.

  • Điều trị các rối loạn tâm thần, lo âu ở người lớn trên 14 tuổi: 50 – 150 mg/ngày, thời gian sử dụng tối đa 4 tuần,
  • Điều trị tâm phân liệt cấp và mạn:
    • Bệnh nhân có triệu chứng âm tính: Liều bắt đầu là 200-400 mg/lần, ngày 2 lần/ngày. Liều tối đa có thể tăng lên 800mg/ngày, ngày 2 lần.
    • Bệnh nhân có triệu chứng dương tính: Liều bắt đầu là 400mg/lần, ngày 2 lần. Liều tối đa có thể tăng lên 1,2g/ngày, ngày 2 lần.
  • Bệnh nhân có triệu chứng âm tính và dương tính phối hợp: 400-600 mg/lần, ngày 2 lần.

Đối tượng khác:

  • Người cao tuổi: Nên khởi đầu với liều thấp 50 - 100 mg/lần, ngày 2 lần, sau đó có thể điều chỉnh tăng liều nếu cần.
  • Người suy thận: Bệnh nhân vẫn có thể dùng thuốc Spirilix như liều người lớn. Trong trường hợp suy thận nặng, cần điều chỉnh liều dựa vào độ thanh thải creatinine:
    • Độ thanh thải creatinine 30-60 ml/phút: 2/3 liều sử dụng;
    • Độ thanh thải 10-30ml/phút: 1/2 liều sử dụng;
    • Độ thanh thải < 10 ml/phút: 1/3 liều sử dụng.

5. Cách xử trí khi quên thuốc, quá liều thuốc Spirilix

Quên liều thuốc:

  • Trường hợp quên thuốc khoảng 1-2 giờ so với quy định trong đơn thuốc, bệnh nhân có thể nhanh chóng uống bổ sung ngay khi nhớ ra. Nếu đến thời gian dùng liều kế tiếp thì bỏ qua liều đã quên, uống liều kế tiếp như dự định, không dùng liều gấp đôi sau khi quên thuốc.

Quá liều thuốc:

  • Khi dùng Spirilix quá liều người bệnh cần dừng thuốc ngay và đến cơ sở y tế để xử trí kịp thời. Sulpirid không có thuốc giải độc đặc hiệu, cần rửa dạ dày ngay nếu bệnh nhân vừa mới uống thuốc quá liều. Nếu bệnh nhân uống đã lâu phải cho sử dụng than hoạt, kiềm hóa nước tiểu để tăng thải thuốc. Ngoài ra, cần phải điều trị các triệu chứng quá liều như lú lẫn, hôn mê, kích động, hạ huyết áp và điều trị hỗ trợ.

6. Tác dụng phụ của thuốc Spirilix

Khi dùng thuốc Spirilix người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ không mong muốn như:

  • Thường gặp: Buồn ngủ hoặc mất ngủ, tăng prolactin máu, tăng tiết sữa, rối loạn kinh nguyệt;
  • Ít gặp: Kích thích thần kinh, hội chứng Parkinson, hội chứng ngoại tháp, khoảng QT kéo dài;
  • Hiếm gặp: Loạn nhịp tim, hạ huyết áp tư thế, vú to ở nam giới.

Nếu bệnh nhân gặp các triệu chứng trên khi sử dụng thuốc Spirilix thì cần ngưng dùng thuốc và hỏi ý kiến bác sĩ để có hướng xử trí thích hợp.

7. Tương tác của thuốc Spirilix

Spirilix có thể tương tác nếu dùng đồng thời với những thuốc và chất sau:

  • Levodopa: Do đồng đối kháng nên làm giảm hiệu quả thuốc;
  • Thuốc hạ huyết áp: Làm tăng tác dụng hạ huyết áp và tăng nguy cơ hạ huyết áp thế đứng;
  • Thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, thuốc ngủ, Methadone, barbiturat, clonidine, thuốc kháng histamin H1 tác dụng an thần: gây tăng tác dụng ức chế thần kinh;
  • Rượu: làm tăng tác dụng an thần, gây lờ đờ, chậm chạp.

8. Lưu ý khi sử dụng thuốc Spirilix

  • Thận trọng ở những người lái xe và vận hành máy móc vì gây tình trạng buồn ngủ;
  • Thận trọng ở những người có các bệnh lý Parkinson, động kinh, tiền sử co giật;
  • Chỉ sử dụng thuốc Spirilix cho phụ nữ có thai nếu lợi ích vượt trội nguy cơ và giảm liều vào cuối thai kỳ;
  • Không nên sử dụng thuốc Spirilix cho phụ nữ đang cho con bú vì lượng bài tiết qua sữa có thể ảnh hưởng đến trẻ;
  • Không uống rượu trong thời gian điều trị thuốc Spirilix;
  • Tuyệt đối không sử dụng nếu thấy thuốc có hiện tượng mốc, đổi màu, chảy nước, quá hạn sử dụng.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Spirilix là thuốc gì, công dụng và lưu ý khi sử dụng. Người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ trước để đạt hiệu quả khi sử dụng và phòng tránh các tác dụng phụ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe