Công dụng thuốc Rizax

Rizax thuộc nhóm thuốc hướng tâm thần, được sử dụng để điều trị các chứng suy giảm trí nhớ. Hãy cùng tìm hiểu về công dụng, liều dùng của thuốc Rizax thông qua bài viết dưới đây.

1. Thuốc Rizax là thuốc gì?

  • Thuốc Rizax được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần chính là Donepezil HCl hàm lượng 5mg.
  • Donepezil là một chất ức chế đặc hiệu và thuận nghịch acetylcholinesterase, một cholinesterase chủ yếu trong não. Donepezil ức chế enzym Cholinesterase giúp làm tăng nồng độ Acetylcholin trong não bộ, trong khi đó Acetylcholin là một chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến khả năng ghi nhớ và học tập.
  • In vitro, donepezil có hiệu lực ức chế acetylcholinesterase mạnh hơn 1000 lần so với butyrylcholinesterase - một enzym tồn tại chủ yếu bên ngoài hệ thần kinh trung ương.
  • Thuốc được hấp thu tốt qua đường tiêu hóa, nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt trong vòng 3 - 4 giờ sau khi uống. Nồng độ thuốc ổn định đạt sau 3 tuần kể từ khi bắt đầu điều trị.

2. Thuốc Rizax có tác dụng gì?

  • Thuốc Rizax được sử dụng để điều trị chứng sa sút trí tuệ từ mức độ nhẹ đến vừa trong bệnh Alzheimer.
  • Không sử dụng Rizax trong trường hợp quá mẫn với donepezil, các dẫn xuất của piperidin hoặc bất kỳ thành phần nào có trong thuốc.

3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Rizax

  • Người lớn và người cao tuổi: Khởi liều 5mg/ lần/ ngày, nên dùng duy trì ít nhất 1 tháng để có thể đánh giá hiệu quả điều trị cũng như đạt được nồng độ thuốc ở trạng thái ổn định. Sau 1 tháng đánh giá hiệu quả điều trị ở liều 5mg/ ngày, có thể tăng lên 10mg/ lần/ ngày. Liều trên 10mg/ ngày chưa được nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng.
  • Ngưng dùng thuốc nếu không thấy đạt hiệu quả điều trị.
  • Không cần hiệu chỉnh liều với người suy thận do không ảnh hưởng đến độ thanh thải của thuốc.
  • Với người suy gan mức độ nhẹ và trung bình nên điều chỉnh liều tùy theo mức độ dung nạp của từng người bệnh. Không có dữ liệu nghiên cứu đối với tình trạng suy gan nặng.
  • Không dùng thuốc này cho trẻ em.
  • Cách dùng thuốc: Uống thuốc vào buổi tối trước khi đi ngủ.

4. Tác dụng phụ của thuốc Rizax

Khi sử dụng thuốc Rizax có thể gặp một số tác dụng không mong muốn sau:

  • Đau bụng, buồn nôn, nôn, chán ăn, khó tiêu, tiêu chảy.
  • Ngứa, phát ban trên da.
  • Mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, ngủ gà, mất ngủ, co rút cơ, vã mồ hôi, run, ngất xỉu.
  • Hiếm khi xảy ra tình trạng đau thắt ngực, block nhĩ thất, block xoang nhĩ, nhịp tim chậm, loét dạ dày, xuất huyết tiêu hoá, động kinh và triệu chứng ngoại tháp.
  • Rối loạn tâm thần: ảo giác, trầm cảm, kích động, hành vi hung hăng cũng đã được báo cáo .
  • Bí tiểu.
  • Tăng nhẹ creatine kinase huyết thanh.
  • Tăng men gan.
  • Sử dụng thuốc ức chế acetylcholinesterase có thể gây giảm cân, vì vậy cần theo dõi cân nặng trong quá trình điều trị.
  • Ảnh hưởng lên hệ thần kinh như đau chân khi bất động (chân bồn chồn), lẩm bẩm, nói lắp có thể gặp ở người lớn tuổi khi tăng liều thuốc lên 10mg/ ngày. Tình trạng này có thể hồi phục khi ngừng thuốc và xuất hiện khi dùng thuốc trở lại.
  • Tiểu không tự chủ có thể xuất hiện khi sử dụng donepezil.

Khi sử dụng thuốc Rizax, nếu người bệnh gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào nghiêm trọng hãy ngưng dùng thuốc và liên hệ với bác sĩ điều trị hoặc đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

5. Tương tác với thuốc Rizax

Khi sử dụng đồng thời Rizax có thể tương tác với một số thuốc sau:

  • Donepezil có khả năng ảnh hưởng đến các thuốc có tác động kháng cholinergic.
  • Khi điều trị đồng thời với các thuốc sau có khả năng gây tác động hiệp lực: Succinylcholine, các chất chủ vận cholinergic, chất chẹn beta có tác động trên dẫn truyền tim hoặc các chất ức chế thần kinh - cơ khác.
  • Nồng độ donepezil trong huyết tương có thể tăng lên khi dùng đồng thời với các thuốc ức chế CYP3A4 (itraconazole, ketoconazole, erythromycin) và các thuốc ức chế CYP2D6 (fluoxetin, quinidin).
  • Nồng độ donepezil trong huyết tương có thể bị giảm khi phối hợp với các chất cảm ứng enzym như carbamazepine, rifampicin, phenytoin và rượu.
  • Các chất kháng muscarinic có tác dụng đối kháng với các chất kháng cholinesterase, tuy nhiên sự kết hợp của hai chất này đôi khi được dùng điều trị người bệnh sa sút trí tuệ bị són tiểu cấp.

6. Lưu ý và thận trọng khi sử dụng thuốc Rizax

Khi sử dụng thuốc Rizax, cần lưu ý trong các trường hợp sau:

  • Thận trọng ở người bị tắc nghẽn đường tiêu hóa, đường tiết niệu, sau phẫu thuật tiêu hóa hoặc bàng quang, bệnh parkinson, co giật.
  • Donepezil được xem như là một chất ức chế enzym cholinesterase, có khả năng tăng tác dụng giãn cơ loại succinylcholin trong quá trình gây mê.
  • Do tác dụng dược lý của thuốc, các chất ức chế cholinesterase có thể kích thích hệ đối giao cảm (làm chậm nhịp tim). Vì vậy cần thận trọng khi dùng ở người bệnh có “hội chứng suy nút xoang” hoặc các tình trạng bệnh lý dẫn truyền trên thất khác của tim.
  • Những người có nguy cơ cao u loét đường tiêu hóa như người có tiền sử loét hoặc đang dùng đồng thời với các thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) cần được theo dõi cẩn thận các triệu chứng tiêu hóa. Tuy nhiên, những nghiên cứu lâm sàng cho thấy donepezil không làm gia tăng tỉ lệ loét đường tiêu hóa hoặc xuất huyết tiêu hóa so với giả dược.
  • Các thuốc có tác dụng giống choline có thể gây bí tiểu, tuy nhiên chưa ghi nhận tình trạng này trong thử nghiệm lâm sàng của donepezil.
  • Các thuốc có tác dụng giống choline được cho rằng có thể gây co giật toàn thân. Tuy nhiên, cơn động kinh cũng có thể là một biểu hiện của bệnh lý Alzheimer.
  • Do các tác dụng giống choline của thuốc, nên thận trọng khi chỉ định các chất ức chế cholinesterase cho người có tiền sử hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
  • Thận trọng khi dùng thuốc cho phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú, chỉ dùng khi thật cần thiết và khi đã cân nhắc kỹ lợi ích điều trị và nguy cơ có thể xảy ra với thai nhi hoặc trẻ nhỏ.
  • Thuốc có thể gây mệt mỏi, chóng mặt, ngủ gà nên cần thận trọng khi cần sự tập trung cao như lái xe hay vận hành máy móc.

Ngoài những thông tin trên nếu còn bất kỳ thắc mắc gì về thuốc Rizax, người bệnh có thể liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe