Rasoltan có thành phần chính là Losartan hàm lượng 50 mg, thuộc nhóm thuốc ức chế thụ thể Angiotensin II (AT1). Rasoltan được sử dụng đơn độc hoặc phối hợp với các thuốc khác trong điều trị bệnh lý tăng huyết áp. Tìm hiểu các thông tin khái quát như thành phần, công dụng, liều dùng và tác dụng phụ của thuốc Rasoltan sẽ giúp cho bệnh nhân và người nhà nâng cao hiệu quả điều trị.
1. Rasoltan là thuốc gì?
Thuốc Rasoltan được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, với thành phần chính bao gồm:
- Hoạt chất : Losartan (dạng Losartan Potassium) hàm lượng 50 mg.
- Tá dược : Vừa đủ 1 viên nén bao phim 50 mg.
Losartan là thuốc điều trị tăng huyết áp mới với cơ chế ức chế thụ thể Angiotensin II (AT1). Angiotensin II là hoạt chất được tạo từ Angiotensin I thông qua các phản dưới xúc tác của Enzym chuyển Angiotensin (ACE).
Losartan và chất chuyển hóa chính có hoạt tính ức chế tác dụng co mạch và tiết Aldosteron của Angiotensin II bằng cách đối kháng có chọn lọc Angiotensin II (AT1), không cho gắn vào thụ thể Angiotensin II (AT1) có trong nhiều mô như cơ trơn mạch máu, tuyến thượng thận. Losartan có ái lực với thụ thể Angiotensin II AT1 lớn hơn khoảng 1000 lần so với thụ thể AT2.
2. Thuốc Rasoltan có tác dụng gì?
Thuốc Rasoltan được chỉ định điều trị trong các trường hợp sau:
- Dùng đơn độc hoặc kết hợp với các thuốc khác trong điều trị tăng huyết áp.
- Bệnh thận ở người lớn bị tăng huyết áp.
- Bệnh thận ở người lớn bị đái tháo đường Type II với Protein niệu > 0.5 g/ngày.
- Hỗ trợ điều trị suy tim mạn ở người lớn không dung nạp hoặc có chống chỉ định với nhóm thuốc ức chế men chuyển.
- Hỗ trợ phòng ngừa đột quỵ ở bệnh nhân tăng huyết áp có phì đại thất trên biểu hiện trên điện tâm đồ.
Tuy nhiên, trong các trường hợp sau đây, thuốc Rasoltan không được phép kê đơn:
- Dị ứng quá mẫn với bất cứ thành phần của thuốc Rasoltan.
- Tiền sử dị ứng với các thuốc khác có chứa hoạt chất Losartan Potassium.
- Tiền sử dị ứng với các thuốc nhóm ức chế thụ thể Angiotensin II (AT1).
- Bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc lợi tiểu giữ Kali.
- Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.
- Bệnh nhân bị suy giảm chức năng gan nặng.
- Bệnh nhân suy thận nặng với Creatinin máu ≥ 250 mmol/lít hoặc hệ số thanh thải creatinin ≤ 30ml/phút hoặc Kali huyết ≥ 5 mmol/lít.
- Người dưới 18 tuổi.
3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Rasoltan
Lưu ý : Sử dụng thuốc khi đói hoặc no.
3.1. Tăng huyết áp
Người lớn:
- Liều khởi đầu: Uống 1⁄2 - 1 viên (25 - 50 mg)/ lần x 1 lần/ ngày vào mỗi buổi sáng.
- Liều duy trì: Uống 1⁄2 - 2 viên ( 25 -100 mg)/ lần x 1 – 2 lần/ ngày.
- Khuyến cáo điều chỉnh liều lượng mỗi 1 đến 2 tháng.
Người lớn tuổi, suy thận hoặc đang thẩm phân phúc mạc
- Liều: Uống 1⁄2 viên (25 mg)/ lần x 1 lần/ ngày vào mỗi buổi sáng.
3.2. Hỗ trợ điều trị suy tim
- Liều: Uống 1⁄2 - 1 viên (25 - 50 mg)/lần x 1 lần/ngày.
3.3. Bệnh thận do đái tháo đường
- Liều: Uống 1 - 2 viên (50 - 100 mg)/ lần x 1 lần/ ngày.
4. Tác dụng phụ gặp phải khi sử dụng Rasoltan:
Việc sử dụng thuốc Rasoltan với liều cao hoặc kéo dài, có thể gây ra các tác dụng phụ như:
- Thường gặp: Hạ huyết áp quá mức, đau ngực, mất ngủ, đau đầu, choáng váng, mệt mỏi, hạ glucose máu, tăng kali huyết, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, khó tiêu, hạ Hemoglobin và hematocrit máu, đau chân, đau cơ, đau lưng, hạ Acid uric máu, nhiễm trùng tiết niệu, ho, viêm xoang, xung huyết mũi.
- Ít gặp: Toát mồ hôi, đau ngực, block AV độ II, hạ huyết áp tư thế, nhịp chậm xoang, nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, phù mặt, đỏ mặt. Mất điều hoà, lú lẫn, trầm cảm, lo âu, đau nửa đầu, đau đầu, chóng mặt, rối loạn giấc ngủ, sốt, viêm da, da khô, rụng tóc, nhạy cảm ánh sáng, vết bầm, ngoại ban, ngứa, mày đay. Bệnh gout, giảm tình dục, đái nhiều, đái đêm, bất lực, táo bón, đầy hơi, nôn, chán ăn, mất vị giác, viêm dạ dày, tăng men gan, tăng Bilirubin, run, đau xương, yếu cơ, dị cảm, phù khớp, đau cơ, viêm kết mạc, giảm thị lực, nhìn mờ, nóng rát và nhức mắt, ù tai, tăng nhẹ Creatinin hoặc Urê, viêm phế quản, chảy máu cam, viêm mũi, khó thở, sung huyết đường thở và khó chịu ở họng.
Nên ngừng thuốc khi phát hiện các tác dụng phụ trên hoặc các triệu chứng bất thường khác sau khi uống thuốc Rasoltan, đồng thời nhanh chóng thông báo với bác sĩ điều trị về việc sử dụng thuốc Rasoltan hay đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được kịp thời xử trí.
5. Lưu ý sử dụng thuốc Rasoltan ở các đối tượng
- Thận trọng khi sử dụng thuốc Rasoltan ở những bệnh nhân lớn tuổi, bệnh nhân bị suy giảm chức năng gan thận nặng, bệnh nhân có tiền sử hoặc đang bị bệnh hẹp động mạch thận một bên hoặc hai bên. Bệnh nhân đang được điều trị bằng bằng thuốc lợi tiểu và người bệnh có những yếu tố khác dễ dẫn đến hạ huyết áp.
- Tránh sử dụng thuốc Rasoltan ở người dưới 18 tuổi vì những nghiên cứu về tính an toàn khi sử dụng thuốc vẫn còn hạn chế.
- Phụ nữ có thai: Theo phân loại của Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), hoạt chất Losartan thuộc nhóm D, nhóm chắc chắn có nguy cơ trên thai kỳ. Vì thế, chống chỉ định sử dụng thuốc Rasoltan trên phụ nữ có thai.
- Phụ nữ đang cho con bú: Hiện nay vẫn chưa báo cáo khẳng định sự hiện diện của Losartan trong sữa mẹ. Vì thế, cần hạn chế hoặc ngừng cho con bú khi quyết định sử dụng thuốc Rasoltan trên phụ nữ đang cho con bú.
- Người làm nghề lái xe hay công nhân vận hành máy móc thường gặp phải những tác dụng phụ như mất ngủ, đau đầu, choáng váng, mệt mỏi ... sau khi dùng thuốc Rasoltan.
6. Tương tác thuốc Rasoltan:
- Dùng chung thuốc Rasoltan với các thuốc thuốc lợi tiểu giữ Kali, chất thay thế muối chứa Kali hay thuốc bổ sung Kali có thể làm tăng Kali máu.
- Các thuốc sau làm giảm nồng độ của thuốc Rasoltan trong máu:
- Rifampicin;
- Aminoglutethimid;
- Carbamazepin;
- Nafcillin;
- Nevirapin;
- Phenytoin.
- Thuốc Rasoltan làm tăng tác dụng của các thuốc sau:
- Amifostin;
- Thuốc hạ huyết áp;
- Carvedilol;
- Thuốc hạ đường huyết;
- Lithium;
- Thuốc lợi tiểu giữ kali;
- Rituximab.
Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Rasoltan, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Rasoltan là thuốc kê đơn, người bệnh tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.