Thuốc Rabfess có thành phần chính là Rabeprazole Sodium hàm lượng 20mg, thuộc nhóm thuốc ức chế bơm Proton (PPI). Rabfess được sử dụng phổ biến trong điều trị các trường hợp viêm loét dạ dày, bệnh trào ngược dạ dày - thực quản,... Cùng tìm hiểu kỹ hơn về thuốc Rabfess qua bài viết dưới đây.
1. Thuốc Rabfess là thuốc gì?
Thuốc Rabfess được bào chế dưới dạng bột đông khô pha tiêm, với thành phần chính bao gồm:
- Hoạt chất: Rabeprazole (dạng Rabeprazole Sodium) hàm lượng 20mg.
- Tá dược: Vừa đủ 1 lọ bột pha tiêm.
Cơ chế tác dụng:
- Rabeprazole Sodium là dẫn xuất của Benzinmidazol, thuốc không có cơ chế chống tiết Acetylcholin hay đối kháng với Histamin H2, nhưng lại có tác dụng ức chế sự bài tiết Acid dạ dày do cơ chế ức chế đặc hiệu trên enzym H+/K+ - ATPase ở bề mặt của tế bào thành của dạ dày. Do vậy, Rabeprazole Sodium được xếp vào nhóm thuốc ức chế bơm proton dạ dày (PPI) ngăn chặn bước cuối cùng của sự tạo thành acid dạ dày.
2. Thuốc Rabfess có tác dụng gì?
Thuốc Rabfess được chỉ định điều trị trong các trường hợp sau:
- Bệnh nhân trước đây dùng thuốc điều trị dạ dày đường uống nhưng hiện tại không thể dùng do bất kỳ lý do nào.
- Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản (GERD) có loét hoặc trầy xước niêm mạc.
- Điều trị duy trì sau khi lành bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).
- Bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng tiến triển có chảy máu hoặc trợt nghiêm trọng.
- Phối hợp với kháng sinh Amoxicillin và Clarithromycin trong điều trị điều trị nhiễm Helicobacter pylori.
- Hội chứng Zollinger - Ellison.
- Phòng ngừa hút acid trong phẫu thuật.
- Các tổn thương niêm mạc đường tiêu hoá do Stress trong quá trình chăm sóc đặc biệt như bỏng, tổn thương đầu.
3. Chống chỉ định của thuốc Rabfess:
- Dị ứng quá mẫn với bất cứ thành phần của thuốc Rabfess.
- Tiền sử dị ứng với các loại thuốc khác chứa Rabeprazole Sodium.
- Tiền sử dị ứng với các loại thuốc khác thuộc nhóm ức chế bơm proton dạ dày (PPI).
- Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.
4. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Rabfess
4.1. Cách dùng
- Thuốc Rabfess không dùng đường tiêm bắp, chỉ dùng tiêm truyền tĩnh mạch.
- Pha lọ bột Rabfess 20mg với 5ml nước pha tiêm để đạt nồng độ 4mg/ ml.
- Tiêm tĩnh mạch chậm trong 5 phút.
- Truyền tĩnh mạch: Pha dung dịch ở trên với dung dụng Natri Clorid 0.9% hoặc Dextrose 5% hay 10% để đạt được nồng độ 0.2mg/ ml. Thời gian truyền tĩnh mạch từ 20 - 30 phút.
4.2. Liều dùng
Người lớn:
- Loét dạ dày - tá tràng tiến triển lành tính: Tiêm truyền tĩnh mạch 20mg/ lần vào buổi sáng. Thời gian điều trị từ 4 - 6 tuần hoặc có thể dài hơn tuỳ vào đáp ứng của bệnh nhân.
- Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản có loét hoặc trầy xước: Tiêm truyền tĩnh mạch 20mg/ lần mỗi ngày trong 4 đến 8 tuần.
- Duy trì trong bệnh trào ngược dạ dày - thực quản: Tiêm truyền tĩnh mạch 10 - 20mg/ lần mỗi ngày trong vào 12 tháng.
- Phòng ngừa hút Acid trong phẫu thuật: Tiêm truyền tĩnh mạch 20mg/ lần mỗi ngày.
- Điều trị tổn thương niêm mạc đường tiêu hoá do Stress trong quá trình chăm sóc đặc biệt như bỏng, tổn thương đầu: Tiêm truyền tĩnh mạch 20mg/ lần mỗi ngày.
- Không thay đổi liều trên các bệnh nhân lớn tuổi hay suy giảm chức năng gan thận.
Trẻ em:
- Không khuyến cáo sử dụng thuốc Rabfess do chưa đảm bảo tính an toàn trên lâm sàng.
5. Lưu ý khi sử dụng Rabfess
Điều trị bằng thuốc Rabfess với liều cao hoặc kéo dài, có thể gây ra các tác dụng phụ như:
- Thường gặp: Nhiễm khuẩn, ho, viêm họng, viêm mũi, các triệu chứng giống cúm, buồn nôn, tiêu chảy hay táo bón, đau bụng, đầy hơi đau không rõ nguyên nhân, mất ngủ, đau đầu, chóng mặt, đau lưng, suy nhược.
- Ít gặp: Khó tiêu, khô miệng, ợ hơi, bồn chồn, buồn ngủ, đau cơ, chuột rút, đau khớp, hồng ban, ngứa, đau ngực, ớn lạnh, sốt, tăng enzyme gan, nhiễm khuẩn đường niệu.
- Hiếm gặp: Trầm cảm, rối loạn thị giác, chán ăn, viêm dạ dày, viêm răng, rối loạn vị giác, ngứa, đổ mồ hôi, phản ứng phồng nước, viêm gan, vàng da, bệnh não do gan, viêm thận kẽ, tăng cân, giảm bạch cầu đa nhân trung tính, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, tăng huyết áp. Giảm natri huyết, chứng vú to ở đàn ông, phù ngoại biên.
Nên ngừng thuốc khi phát hiện những triệu chứng trên sau khi được tiêm thuốc Rabfess và nhanh chóng thông báo với bác sĩ nhân viên y tế để được xử trí kịp thời.
Lưu ý sử dụng thuốc Rabfess ở các đối tượng sau:
- Cần loại trừ bệnh lý ác tình trước khi sử dụng Rabfess cho bệnh nhân.
- Thận trọng khi sử dụng thuốc Rabfess cho những bệnh nhân bị nhiễm trùng đường tiêu hóa do Salmonella, Clostridium difficile hay Campylobacter. Thận trọng khi sử dụng thuốc Rabfess cho bệnh nhân có rối loạn dung nạp Galactose do di truyền, giảm hấp thu Glucose hay Galactose hay thiếu Enzyme Lapp lactase.
- Phụ nữ có thai: Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chưa có dữ liệu an toàn về việc sử thuốc thuốc Rabfess trên phụ nữ có thai. Vì thế, chống chỉ định thuốc Rabfess trên đối tượng này.
- Phụ nữ đang cho con bú: Hiện nay chưa có nghiên cứu chỉ ra rằng hoạt chất Rabeprazole Sodium có trong Rabfess có thể bài tiết qua sữa mẹ hay không. Vì thế, để đảm bảo tính an toàn cho trẻ bú mẹ, chống chỉ định sử dụng thuốc trên đối tượng này.
- Người làm nghề lái xe hay công nhân vận hành máy móc có gặp phải những tác dụng phụ như buồn ngủ, ảnh hưởng đến sự tỉnh táo và tập trung trong lúc làm việc. Vì thế, tránh sử dụng thuốc Rabfess trước và trong khi làm việc.
6. Tương tác thuốc Rabfess
Tương tác với các thuốc khác:
- Thuốc Rabfess làm giảm hấp thu với các thuốc kháng nấm như Ketoconazole hoặc Itraconazole.
- Tránh sử dụng thuốc Rabfess đồng thời với các thuốc như Delavirdine, Posaconazole, Erlotinib, Nelfinavir.
- Thuốc Rabfess làm giảm nồng độ và tác dụng của:
- Atazanavir.
- Clopidogrel.
- Dabigatran.
- Etexilate.
- Dasatinib.
- Erlotinib.
- Indinavir.
- Muối sắt.
- Mesalamine.
- Mycophenolate.
- Nelfinavir.
- Thuốc Rabfess làm tăng nồng độ và tác dụng của:
- Cơ chất CYP2C19, CYP2C8.
- Methotrexat.
- Saquinavir.
- Voriconazole.
Trên đây là thông tin khái quát về thành phần, công dụng, liều lượng và những lưu ý khi sử dụng thuốc Rabfess. Nhằm mang lại kết quả điều trị tốt nhất cho bản thân và gia đình, bệnh nhân nên được tham vấn ý kiến và hướng dẫn của bác sĩ điều trị.