Thuốc Piromax được sản xuất và đăng ký bởi Công ty cổ phần dược phẩm TV.Pharm, thuốc thuộc nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, nhóm chống viêm không steroid, thuốc điều trị Gout và các bệnh xương khớp.
1. Piromax là thuốc gì?
Thuốc Piromax có thành phần chính chứa hoạt chất Piroxicam hàm lượng 10mg, được bào chế dưới dạng viên nang cứng, đóng gói dạng hộp 10 vỉ, 1 vỉ 10 viên.
2. Dược lực học và dược động học của thuốc Piromax
2.1. Dược lực học
Hoạt chất Piroxicam là thuốc chống viêm non – steroid, thuộc nhóm oxicam, tác dụng chính của thuốc là hạ sốt, giảm đau, kháng viêm. Cơ chế tác dụng của thuốc chưa được làm rõ, tuy nhiên dựa vào các tác dụng nêu trên thì có thể thấy cơ chế chung là do ức chế synthetase, prostaglandin. Do đó ngăn ngừa sự tạo thành thromboxane, prostaglandin và các sản phẩm khác của enzyme cyclooxygenase. Tác dụng kháng viêm còn bao gồm cả ức chế collagenase và proteoglycanase trong sụn, bởi vì Piroxicam còn có thể ức chế hoạt hóa các bạch cầu đa nhân trung tính, ngay cả khi có sự có mặt của cyclooxygenase. Ngoài ra, Piroxicam còn ức chế kết tập tiểu cầu.
Cơ chế hoạt động của Piromax có ức chế tổng hợp prostaglandin ở thận, gây giảm lưu lượng máu đến thận.
2.2. Dược động học
- Hấp thu: Hoạt chất Piroxicam được hấp thu tốt qua đường tiêu hóa, sau 3 đến 5 giờ sau khi uống nồng độ đỉnh trong huyết tương xuất hiện. Tốc độ và mức độ hấp thu thuốc không bị ảnh hưởng bởi các thuốc kháng acid và thức ăn. Do có sự khác biệt rất nhiều về sự hấp thu giữa các người bệnh và Piroxicam có chu kỳ gan ruột, nên thời gian bán thải của thuốc trong huyết tương cũng có sự biến đổi rất lớn từ 20 đến 70 giờ. Từ điều này có thể giải thích được tại sao khi sử dụng cùng một liều lại đem lại hiệu quả khác nhau giữa từng người bệnh.
- Phân bố: Thuốc Piromax được gắn rất mạnh với protein huyết tương đạt khoảng 99%. Thể tích phân bố thuốc xấp xỉ khoảng 120mL/kg. Nồng độ thuốc trong hoạt dịch và trong huyết tương sẽ gần bằng nhau khi thuốc ở trạng thái ổn định từ sau 7 đến 12 ngày.
- Chuyển hóa và thải trừ: Khi ở mức dưới 5% thuốc sẽ thải trừ theo nước tiểu ở dạng không thay đổi. Chất chuyển hóa chủ yếu của thuốc là hydroxyl hóa vòng pyridine, rồi đến liên hợp với acid glucuronic, sau đó chất liên hợp này mới được thải ra theo nước tiểu.
3. Tác dụng của thuốc Piromax
3.1. Chỉ định thuốc Piromax
Thuốc Piromax được chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau:
- Sử dụng để điều trị trong các trường hợp viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, bệnh cơ xương cấp, cột sống dính khớp, chấn thương trong thể thao , Gout cấp, viêm bao hoạt dịch, viêm gân, viêm dây thần kinh, đau lưng.
- Điều trị đau sau phẫu thuật và thống kinh.
3.2. Chống chỉ định thuốc Piromax
Không chỉ định sử dụng thuốc Piromax cho các trường hợp sau:
- Các đối tượng quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc Piromax.
- Bệnh nhân có loét hành tá tràng, loét dạ dày cấp.
- Người bệnh có tiền sử hen, co thắt phế quản, polyp mũi, mày đay hoặc phù Quincke do Aspirin hoặc một NSAID khác gây ra, xơ gan, suy tim nặng, suy thận nặng hoặc người có nguy cơ chảy máu cao.
4. Cách dùng và liều dùng thuốc Piromax
4.1. Cách dùng
Thuốc Piromax được sử dụng bằng đường uống, dùng ngay trong hoặc sau bữa ăn.
4.2. Liều dùng
- Người lớn: Ngày dùng 1 lần, lần 20mg, sự đáp ứng của thuốc tăng lên từ từ qua vài tuần do thời gian bán thải của thuốc kéo dài nên nồng độ thuốc chưa đạt mức ổn định.
- Điều trị trong bệnh Gout cấp: Điều trị trong vòng 5 đến 7 ngày, ngày 40mg.
- Trẻ em: Thuốc không được sử dụng cho trẻ em. Tuy nhiên, ở đối tượng trẻ trên 6 tuổi và bị viêm khớp háng thì có thể dùng với liều 5mg/ngày đối với trẻ dưới 15kg, trẻ có cân nặng từ 16 đến 25kg dùng liều 10mg/ngày, cân nặng từ 26 đến 45kg dùng liều 15mg/ngày và trẻ nặng trên 46kg dùng liều ngày 20mg.
5. Tương tác thuốc Piromax
- Làm tăng hiệu quả chống đông máu của Coumarins khi dùng chung với Piromax.
- Nồng độ của Lithi sẽ tăng lên trong huyết tương dẫn đến làm tăng độc tính của Lithi khi dùng chung với Piromax, nên cần theo dõi chặt chẽ nồng độ của Lithi trong huyết tương.
- Việc điều trị chung Piromax với Asprin không có hiệu quả hơn mà lại làm tăng những tác dụng không mong muốn trên bệnh nhân vì Aspirin làm hạ thấp nồng độ của Priroxicam trong huyết tương.
6. Tác dụng không mong muốn khi dùng thuốc Piromax
Các tác dụng phụ thường gặp khi bệnh nhân sử dụng Piromax như: chán ăn, viêm miệng, đau vùng thượng vị, táo bón, tiêu chảy, buồn nôn, khó tiêu, đau bụng, thiếu máu, tăng bạch cầu ưa eosin, giảm bạch cầu, giảm hồng cầu và hematocrit, phát ban, ngứa da, buồn ngủ, hoa mắt, chóng mặt, tăng creatinine và ure máu, khó chịu, nhức đầu, phù, ù tai.
Các tác dụng phụ ít gặp hơn khi sử dụng Piromax: vàng da, chức năng gan bất thường, viêm gan, thủng và loét, chảy máu đường tiêu hóa, khô miệng, bầm tím, chấm xuất huyết, suy tủy, giảm tiểu cầu, ra mồ hôi, hội chứng Stevens – Johnson, ban đỏ, mất ngủ, kích thích, bồn chồn, trầm cảm, viêm thận kẽ, tiểu ra máu, hội chứng thận hư, protein niệu, có các triệu chứng giống cảm cúm, sốt, nhìn mờ, sưng mắt, mắt bị kích thích, suy tim sung huyết, tăng huyết áp.
Các tác dụng phụ khác hầu như rất hiếm gặp như: viêm tụy, rụng tóc, tiêu móng, ảo giác, bồn chồn, thay đổi tính khí, ngồi không yên, lú lẫn dị cảm, bí tiểu, suy nhược, mất thính lực tạm thời, thiếu máu tan máu.
Khi sử dụng thuốc Piromax, bệnh nhân gặp bất cứ tác dụng không mong muốn nào cần thông báo cho bác sĩ, để được theo dõi và đưa ra các hướng xử lý kịp thời và hiệu quả.
7.Chú ý sử dụng thuốc Piromax
Khi chỉ định điều trị thuốc Piromax cần thận trọng trên các đối tượng sau đây: người cao tuổi, bệnh nhân đang sử dụng thuốc lợi tiểu, bệnh tim mạch, rối loạn chảy máu, tiền sử suy gan, suy thận, loét dạ dày – tá tràng.
Ngoài ra, cần chú ý, không dùng trên đối tượng phụ nữ có thai và bà mẹ đang cho con bú.
Thuốc Piromax được sản xuất và đăng ký bởi Công ty cổ phần dược phẩm TV.Pharm, thuốc thuộc nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, nhóm chống viêm không steroid, thuốc điều trị Gout và các bệnh xương khớp. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được các tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.