Panalganeffer 500 là thuốc gì và được sử dụng như thế nào?

Panalganeffer chứa hoạt chất chính là paracetamol, một loại thuốc giảm đau hạ sốt nổi tiếng. Vì thuốc khá phổ biến và dễ mua nên rất dễ bị lạm dụng và dẫn tới nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. Bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc thông tin về cách dùng, liều dùng và các lưu ý quan trọng khi sử dụng thuốc.

1. Panalganeffer là thuốc gì?

Panalganeffer chứa hoạt chất chính là paracetamol với nhiều hàm lượng khác nhau như 80mg, 150mg, 250mg và 500mg. Paracetamol là thuốc giảm đau hạ sốt phổ biến hiện nay. Thuốc tác động lên trung tâm điều nhiệt ở vùng hạ đồi gây giãn mạch và tăng lưu lượng máu ngoại biên làm giảm thân nhiệt, từ đó giúp tăng tỏa nhiệt và hạ sốt ở người bị sốt. Ở liều điều trị, paracetamol ít tác động đến hệ tim mạch và hô hấp, không làm thay đổi cân bằng acid - base, không ảnh hưởng tới kết tập tiểu cầu và không gây kích ứng dạ dày.

Paracetamol hấp thu nhanh và gần như hoàn toàn qua đường uống. Thời gian bán thải của thuốc là là 1,25 - 3 giờ. Thuốc chuyển hóa chủ yếu ở gan và được thải trừ qua thận ở dạng không đổi và cả dạng chuyển hóa.

2. Công dụng của thuốc panalganeffer

Thuốc panalganeffer có công dụng hạ sốt và giảm đau. Thuốc thường được sử dụng để giảm sốt và điều trị các cơn đau từ nhẹ đến trung bình (đau đầu, đau lưng, đau bụng kinh, đau răng, đau mỏi do cúm, cảm lạnh...). Lưu ý không dùng thuốc để điều trị đau do thấp khớp hoặc đau có nguồn gốc nội tạng.


Thuốc panalganeffer 500 có công dụng hạ sốt và giảm đau
Thuốc panalganeffer 500 có công dụng hạ sốt và giảm đau

3. Cách dùng và liều dùng

  • Cách dùng: Do thuốc dạng viên nén sủi bọt nên cần hòa vào nước cho đến khi thuốc tan hết.
  • Liều dùng dành cho người lớn và trẻ từ 12 tuổi trở lên: 1 viên panalganeffer 500mg/lần hoặc có thể sử dụng 2 viên 500mg/lần khi cần thiết. Nếu vẫn còn triệu chứng đau hay sốt, bệnh nhân có thể dùng tiếp nhưng lưu ý khoảng cách giữa 2 lần dùng thuốc là 4-6 giờ.

Lưu ý: Bệnh nhân không nên sử dụng cùng lúc nhiều sản phẩm có chứa paracetamol do có thể dẫn tới quá liều và nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.

4. Làm gì khi bị quá liều paracetamol?

Các dấu hiệu đầu tiên của quá liều paracetamol, bao gồm chán ăn, buồn nôn, nôn, đau dạ dày, đổ mồ hôi, lú lẫn hoặc suy nhược. Các triệu chứng sau đó có thể bao gồm: đau bụng trên, nước tiểu sẫm màu, vàng da hoặc lòng trắng mắt. Khi quá liều paracetamol, bạn cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời xử trí.

5. Tác dụng không mong muốn của thuốc panalganeffer

  • Độc gan: Độc tính trên gan cấp có thể do dùng quá liều có chủ ý hoặc không chủ ý ở bệnh nhân người lớn và trẻ em. Ở bệnh nhân nhi, quá liều không chủ ý có thể do vô tình uống phải, dùng thuốc thường xuyên hơn khuyến cáo và sử dụng nhiều sản phẩm có chứa acetaminophen. Một số yếu tố nguy cơ làm tăng độc tính của paracetamol trên gan bao gồm: người cao tuổi, nghiện rượu, dùng nhiều sản phẩm chứa paracetamol.
  • Da liễu: Ban da, bọng nước, phát ban da
  • Buồn nôn, nôn
  • Chán ăn, đau bụng
  • Giảm bạch cầu trung tính, thiếu máu.
  • Suy giảm thính giác

Buồn nôn, nôn là tác dụng không mong muốn của thuốc panalganeffer
Buồn nôn, nôn là tác dụng không mong muốn của thuốc panalganeffer

6. Lưu ý khi sử dụng thuốc panalganeffer

Khi sử dụng thuốc Panalganeffer thì bạn cần lưu ý:

  • Bệnh nhân thiếu G6PD: Thận trọng khi sử dụng thuốc cho những bệnh nhân đã bị thiếu men G6PD.
  • Suy gan: Thận trọng khi sử dụng cho bệnh nhân suy gan hoặc có bệnh gan đang hoạt động.
  • Một số trường hợp hiếm gặp, thuốc Panalganeffer có thể gây ra các phản ứng da nghiêm trọng như hội chứng Stevens – Johnson, hoại tử biểu bì nhiễm độc, hội chứng ban mụn mủ toàn thân cấp tính. Khi có các dấu hiệu như da bị mẩn đỏ, phát ban, bong tróc, bệnh nhân cần ngừng thuốc ngay lập tức và tới các cơ sở y tế gần nhất.
  • Phụ nữ mang thai: Paracetamol đi qua nhau thai. Dựa trên dữ liệu hiện tại, không có sự gia tăng nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh lớn sau khi mẹ sử dụng paracetamol trong thai kỳ. Việc sử dụng acetaminophen với liều lượng bình thường trong thời kỳ mang thai không làm tăng nguy cơ sảy thai hoặc thai chết lưu. Tuy nhiên, có thể thấy sự gia tăng tử vong của thai nhi hoặc sảy thai tự nhiên sau khi mẹ dùng quá liều nếu điều trị chậm trễ. Tóm lại, paracetamol được coi là thích hợp để điều trị đau và sốt trong thai kỳ. Paracetamol được khuyến cáo sử dụng với liều thấp nhất có hiệu quả và trong thời gian ngắn nhất để điều trị cho mẹ và bảo vệ sức khỏe thai nhi
  • Phụ nữ cho con bú: Paracetamol xuất hiện trong sữa mẹ. Thuốc được coi là an toàn đối với phụ nữ cho con bú khi được sử dụng với liều lượng khuyến cáo thông thường.
  • Thuốc Paralganeffer không ảnh hưởng đến khả năng lái xe cũng như việc vận hành máy móc. Do đó, bệnh nhân có thể yên tâm sử dụng.
  • Có nhiều loại thuốc khác có thể tương tác với paracetamol. Do đó, bạn cần thông báo với bác sĩ hoặc dược sĩ về tất cả các loại thuốc kê đơn, không kê đơn, vitamin và khoáng chất, các sản phẩm thảo dược đang sử dụng.
  • Thuốc cần được bảo quản ở những nơi khô ráo, thoáng mát và tránh ánh nắng chiếu trực tiếp. Trong trường hợp bạn nhận thấy thuốc xuất hiện các dấu hiệu lạ như đổi màu, chảy nước, biến dạng thì không nên sử dụng.

Tóm lại, panalganeffer là loại thuốc giảm đau hạ sốt “quốc dân”. Bạn có thể dễ dàng mua thuốc tại nhiều nhà thuốc trên toàn quốc. Tuy nhiên, thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm như độc gan, hoại tử gan và thậm chí là tử vong nếu sử dụng quá liều. Do đó bệnh nhân không được lạm dụng thuốc và nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ khi muốn sử dụng dài ngày.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe