Công dụng thuốc Peteha

Peteha có hoạt chất chính là Prothionamide, thường được dùng kết hợp với các thuốc khác trong phác đồ để điều trị vi khuẩn lao đa đề kháng. Cơ chế tác dụng của thuốc là ức chế tổng hợp acid mycolic của thành tế bào vi khuẩn.

1. Công dụng của thuốc Peteha

Thuốc Peteha là sản phẩm của công ty Fatol Arzneimittel GmbH, được bào chế dưới dạng viên nén bao phim. Thuốc có hoạt chất chính là Prothionamide, một dẫn chất của nhóm thiamides. Thuốc có tác động trên Mycobacterium tuberculosis và Mycobacterium leprae. Cơ chế tác dụng của Prothionamide là ức chế tổng hợp acid mycolic của thành tế bào vi khuẩn tương tự như Ethionamide và Isoniazid. Sự kháng thuốc sẽ phát triển nhanh nếu sử dụng Prothionamide đơn độc. Thuốc Peteha được chỉ định trong bệnh lao kháng đa thuốc (MDR-TB) như một thuốc tuyến 2 phối hợp với các thuốc kháng lao nhạy cảm khác. Chống chỉ định sử dụng thuốc Peteha ở bệnh nhân có tiền sử dị ứng với Prothionamide và bệnh nhân bị suy gan nặng.

2. Liều lượng và cách dùng của thuốc Peteha

Liều dùng:

  • Prothionamide thường được sử dụng dưới dạng viên nén với hàm lượng 125mg và 250mg. Liều Peteha thường dùng mỗi ngày là 500mg đến 1g, phụ thuộc vào trọng lượng cơ thể và khả năng dung nạp thuốc của bệnh nhân. Một số bệnh nhân có thể uống liều cao hơn 750mg/ ngày (liều 750mg cho bệnh nhân cân nặng 50kg hoặc hơn, liều 500mg cho bệnh nhân cân nặng thấp hơn 50kg). Liều cao nhất hàng ngày là 15 - 20mg/ kg hoặc 1g.
  • Bệnh nhân có độ lọc cầu thận dưới 30ml/ phút và bệnh nhân lọc máu, liều khuyến cáo là 250 - 500mg/ ngày tuỳ thuộc vào trọng lượng cơ thể. Đối với bệnh nhân suy thận nặng cần phải theo dõi nồng độ trong máu để điều chỉnh liều dùng phù hợp.

Cách dùng: Thuốc Petaha được dùng bằng đường uống, chia làm 2 - 3 lần/ ngày hoặc dùng 1 lần duy nhất sau bữa ăn tối

3. Tác dụng phụ của thuốc Peteha

Prothionamide nhìn chung dung nạp tốt hơn Ethionamide, nhưng các tác dụng phụ thì gần tương tự. Sự dung nạp thuốc Peteha khác nhau đối với các chủng tộc, người châu Phi và châu Á thường dung nạp thuốc tốt hơn. Các tác dụng phụ chủ yếu khi sử dụng thuốc Peteha bao gồm:

  • Khó chịu thượng vị, chán ăn, đau bụng, viêm miệng, buồn nôn, nôn, ợ có mùi kim loại và lưu huỳnh.
  • Nôn và tiết nhiều nước bọt có thể xảy ra.
  • Các phản ứng trên thần kinh bao gồm ảo giác và suy nhược.
  • Giảm đường huyết có thể xảy ra, đặc biệt thận trong với bệnh nhân đái tháo đường.
  • Viêm gan có thể xảy ra với khoảng 10% trường hợp nhưng hiếm khi nghiêm trọng. Khi các tổn thương gan xảy ra, vàng da và các triệu chứng khác như tăng transaminase kéo dài (khoảng 6 - 8 tuần), bệnh nhân nên ngừng sử dụng Peteha.
  • Điều trị Peteha kéo dài với liều lớn có thể làm giảm hoạt động của tuyến giáp và gây bướu cổ. Các triệu chứng sẽ tự hồi phục khi ngừng thuốc.
  • Các tác dụng phụ khác gồm vú to đàn ông, viêm dây thần kinh thị giác, nhìn mờ, rối loạn khứu giác, phát ban da, viêm dây thần kinh ngoại biên, nhạy cảm với ánh sáng.

4. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Peteha là gì?

  • Thuốc Peteha không nên sử dụng cho bệnh nhân suy gan nặng do thuốc được chuyển hóa chủ yếu ở gan. Các test kiểm tra chức năng gan nên được thực hiện trước và trong khi điều trị.
  • Trẻ sơ sinh và trẻ em: Liều dùng Peteha tối ưu cho trẻ sơ sinh và trẻ em vẫn chưa được thiết lập.
  • Nên theo dõi đường huyết, chức năng tuyến giáp và chức năng thị giác khi sử dụng thuốc Peteha
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Petaha ở bệnh nhân bị trầm cảm hoặc bị bệnh tâm thần khác, bệnh nhân viêm dạ dày cấp tính, loét dạ dày hoặc loét tá tràng, bệnh nhân ho ra máu, rối loạn đông máu.
  • Người cao tuổi: Không cần điều chỉnh liều dùng Peteha cho người cao tuổi.
  • Phụ nữ có thai: Độ an toàn của Prothionamide ở phụ nữ có thai vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên có những bằng chứng trái ngược nhau về sự gây quái thai ở trẻ sinh ra khi mẹ sử dụng Ethionamide tương đồng với Prothionamide trong thời kỳ mang thai. Do vậy, không nên dùng Prothionamide trong thời kỳ mang thai hoặc cho phụ nữ có ý định mang thai trừ khi lợi ích vượt trội nguy cơ.
  • Phụ nữ đang cho con bú: Hiện tại không rõ Prothionamide có bài tiết qua sữa mẹ hay không. Thận trọng khi sử dụng thuốc Peteha cho phụ nữ đang cho con bú.

5. Tương tác thuốc

Tương tác thuốc có thể ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị và/ hoặc làm gia tăng tác dụng phụ. Bệnh nhân cần thông báo cho y bác sĩ tất cả các loại thuốc kê đơn, không kê đơn, thực phẩm chức năng và cả vitamin đang sử dụng để được tư vấn. Sau đây là các tương tác cần lưu ý khi sử dụng thuốc Peteha:

  • Thuốc Peteha làm thay đổi tác dụng của các thuốc hạ đường huyết dạng uống và làm rối loạn nồng độ đường trong máu.
  • Khi sử dụng đồng thời Peteha cùng với Isoniazid, thuốc sẽ làm tăng nồng độ của Isoniazid trong huyết thanh.
  • Độc tính trên gan có thể gia tăng khi sử dụng kết hợp Peteha với Rifampin và Thioacetazone.

Bài viết đã cung cấp các thông tin tổng quan về thuốc Peteha. Đây là thuốc kê đơn và cần được sử dụng theo đúng chỉ định của bác sĩ để ngừa vi khuẩn lao đề kháng. Bệnh nhân nên tham khảo ý kiến nhân viên y tế trước khi sử dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe